Thứ sáu, 29/03/2024 18:21 (GMT+7)
Thứ tư, 02/06/2021 08:23 (GMT+7)

Ngang nhiên khai thác khoáng nóng khi chưa được cấp giấy phép

Theo dõi KTMT trên

Việc khai thác nước khoáng nóng trái phép đã gây thất thoát, lãng phí lớn về tài nguyên, đồng thời làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước khoáng và nước ngầm trong khu vực mỏ khai thác.

6/7 dự án đang hoạt động không được cấp phép tại Phú Thọ

Những năm qua, trên địa bàn thị trấn Thanh Thủy và xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ), nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đang khai thác, sử dụng, kinh doanh nước khoáng nóng vi phạm Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản…

Theo khảo sát, năm 2014, hiện có 10 dự án của 10 công ty đầu tư du lịch sinh thái nước khoáng nóng trên địa bàn này, trong đó, 3 dự án đã bị thu hồi vì chậm tiến độ. Đáng chú ý, qua nhiều lần kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Thọ đã phát hiện trong số 7 dự án còn lại đang hoạt động khai thác, kinh doanh dịch vụ tắm nước khoáng nóng, thì chỉ có 1 đơn vị duy nhất được Bộ TN&MT cấp phép khai thác. Còn lại 6 đơn vị đều không xin cấp phép khai thác nước khoáng nóng theo quy định, thực chất là khai thác khoáng sản trái phép vi phạm luật khoáng sản.

Ngang nhiên khai thác khoáng nóng khi chưa được cấp giấy phép - Ảnh 1
Mới đây, dự án Wyndham Thanh Thủy bị Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ kiểm tra làm rõ những bất cập liên quan đến các hoạt động quảng cáo sai phạm về khai thác khoáng nóng. Ảnh: B.Đ.

Ngoài ra, kết quả kiểm tra cho thấy, trong tổng số 343 gia đình khoan và sử dụng nước khoáng nóng nhưng cũng chỉ có 18 hộ đăng ký kinh doanh, dịch vụ tắm nước khoáng nóng, còn lại toàn bộ các hộ còn lại khai thác trái phép. 

Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp, hộ gia đình đang khai thác, sử dụng, kinh doanh nước khoáng nóng không thực hiện đúng cam kết luật bảo vệ môi trường; chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai về thu hồi và giao đất; không có hồ sơ xin phép xả nước thải vào nguồn nước không qua xử lý vi phạm luật tài nguyên nước. Nhiều dự án đầu tư còn chậm, mức độ xây dựng dàn trải chưa đúng tiến độ của dự án đã được phê duyệt; một số hạng mục đi vào hoạt động chưa hiệu quả; nội dung của dự án đầu tư chủ yếu là về du lịch sinh thái, chưa đề cập đến vấn đề khai thác nước khoáng nóng theo quy định vi phạm luật đầu tư. 

Đồng thời, việc khai thác nước khoáng nóng trái phép đã gây thất thoát, lãng phí lớn về tài nguyên. Theo tính toán của các doanh nghiệp và hộ gia đình tại hai địa phương trên đã khai thác với công suất 2.500 m3/ngày, gấp 4 lần trữ lượng đã thăm dò cho phép. Ước tính từ năm 2009 đến năm 2013, mất hàng triệu m3 nước khoáng nóng. Tình trạng khai thác bừa bãi, tràn làn này còn làm cho áp lực nước khoáng nóng giảm kéo theo sự chèn ép của nước nhạt làm thu hẹp ranh giới mỏ, giảm nhiệt độ nguồn nước khoáng nóng từ 41 độ C xuống 37 độ C. Bên cạnh đó, còn làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước khoáng và nước ngầm trong khu vực mỏ.

Doanh nghiệp ở Khánh Hòa khai thác khi chưa được cấp phép

Theo đó, vào năm 2018, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) đã tiến hành kiểm tra các hoạt động khai thác nước khoáng trái phép. Trong đó, phát hiện nhiều sai phạm tại lỗ khoan ST1 và hoạt động sản xuất nước mang nhãn hiệu “Nước khoáng thiên nhiên Onsen đóng chai tại nguồn”của Công ty Cổ phần Onsen.

Ngang nhiên khai thác khoáng nóng khi chưa được cấp giấy phép - Ảnh 2
Nước khoáng Onsen đóng chai tại nguồn sau ngày 29/11/2017 là vi phạm về mua bán hàng hóa không nguồn gốc. (Ảnh: Báo Nông Nghiệp)

Cụ thể, ngày 10/7/2014, Công ty này được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất. Trong đó, khai thác 1 giếng tại lỗ khoan ST1 với tổng lượng khai thác 370 m3/ngày đêm, thời hạn 5 năm (hết tháng 7/2019).

Tuy nhiên trong khai thác, đo được nước tại lỗ khoan ST1 có nhiệt độ >30 độ C, Công ty đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ trình Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia xem xét, thẩm định nhưng chưa phê duyệt.

Nhưng đến ngày 2/2/2018, UBND tỉnh lại có công văn số đồng ý với đề xuất của Sở TN&MT cho phép Công ty này này được tiếp tục khai thác nước tại lỗ khoan ST1 để cung cấp Công ty Cổ phần Onsen là chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại điều 82 Luật Khoáng sản.

Công ty Cổ phần Onsen đã mua nước nóng tại nguồn lỗ khoan ST1 của Công ty Cổ phần Du lịch Khoáng nóng Nha Trang Seafoods F17 sau ngày 29/11/2017 trong khi chưa được Bộ TN&MT cấp phép để sản xuất nước mang nhãn hiệu “Nước khoáng thiên nhiên Onsen đóng chai tại nguồn”. Theo đó, Công ty đã vi phạm quy định về mua bán hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp.

Do vậy, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch Khoáng nóng Nha Trang Seafoods F17 dừng hoạt động khai thác nước nóng tại lỗ khoan ST1, khẩn trương làm các thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Tháng 2/2021, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã giao giao Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ kiểm tra làm rõ những bất cập liên quan đến các hoạt động quảng cáo sai phạm về khai thác khoáng nóng tại dự án Wyndham Thanh Thủy.

Đoàn kiểm tra đã kiểm tra hoạt động thăm dò nước khoáng nóng của Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Sơn Hải (Công ty Sơn Hải) tại buổi kiểm tra, Công ty Sơn Hải khẳng định không có việc chuyển nhượng Giấy phép thăm dò khoáng sản cho bên nào.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh, qua rà soát tài liệu cho thấy Công ty Onsen Fuji không có giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng trên địa bàn huyện Thanh Thủy do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tại kết luận này, theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, các hoạt động của Công ty Onsen Fuji trong việc quảng bá, mời chào khách hàng mua dự án là Wyndham Thanh Thủy được xây dựng trong khu vực lõi của mỏ khoáng nước nóng Thanh Thủy và khách hàng mua dự án sẽ được sử dụng nguồn khoáng nóng được quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua là không chính xác, gây hiểu lầm đối với khách hàng, dự luận.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Ngang nhiên khai thác khoáng nóng khi chưa được cấp giấy phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.