Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm miến dong riềng của tỉnh Bắc Kạn
Kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn trong xây dựng CDĐL cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn, góp phần quản lý chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm và nâng cao giá trị của sản phẩm trên thị trường.
1. Mở đầu
Nhu cầu xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp gắn với đăng ký CDĐL đã trở thành một định hướng và công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị các nông sản, thay đổi lại nhận thức và tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất và văn hóa bản địa.
CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ các sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể, với các đặc thù về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc đặc tính riêng do xuất xứ địa lý mang lại [5].
Các sản phẩm được cấp chứng nhận CDĐL sẽ có nhiều lợi thế để nâng cao khả năng canh tranh trên thị trường, giúp nhà sản xuất mở rộng thị trường, tạo lập niềm tin và nâng cao sự tín nhiệm của người tiêu dùng thông qua dấu hiệu nhận biết sản phẩm được bảo hộ, từ đó giúp ổn định và mở rộng sản xuất, tăng doanh thu và hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, chống cạnh tranh không lành mạnh, chỉ dẫn cho người tiêu dùng biết rõ các dấu hiệu, tính chất và chất lượng đặc thù của sản phẩm được bảo hộ CDĐL, sự tín nhiệm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng được bảo hộ CDĐL với chất lượng tốt, tránh việc sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Bảo hộ CDĐL thúc đẩy bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống, phát triển sản xuất bền vững, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động [4,11,15].
CDĐL đã mở ra cơ hội hồi sinh nhiều sản phẩm truyền thống [8] và làm thay đổi toàn cầu trong việc chuyển đổi hệ thống sản phẩm nông nghiệp, từ tiếp cận dựa trên năng suất sang hướng tiếp cận dựa vào chất lượng nông sản [9]. CDĐL góp phần tiết kiệm chi phí trong khâu quảng cáo sản phẩm, giảm thiểu tranh chấp thương hiệu trong hoạt động thương mại [11,16] và là yêu cầu tất yếu, là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững [7,6,14].
Việt Nam là một trong những quốc gia quan tâm xây dựng bảo hộ CDĐL [12]. CDĐL nằm trong nhóm đối tượng được bảo hộ thông qua sở hữu công nghiệp do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ. CDĐL góp phần giảm thiểu sử dụng nhầm lẫn tên gọi khi quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài [11,12,13].
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, CDĐL là một trong những công cụ pháp lý có hiệu quả cao trong chính sách phát triển nông nghiệp [16], tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, thậm chí tác động đến sản phẩm và dịch vụ trong một khu vực nào đó do thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nâng cao tính hội nhập cho kinh tế nông nghiệp [14].
Tuy nhiên, vẫn còn rất ít nghiên cứu tập trung vào việc xây dựng mô hình quản lý, xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản sau khi được bảo hộ CDĐL, cũng như vai trò và giá trị của việc bảo hộ CDĐL trong nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, trước những sức ép ngày một lớn trong cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.
Đến tháng 5/2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận CDĐL cho 106 sản phẩm, trong đó có 99 sản phẩm của Việt Nam và 07 sản phẩm nước ngoài [2]. Trong số đó, sản phẩm miến dong Bắc Kạn được bảo hộ CDĐL ngày 29/4/2021 và giao cho Sở KH&CN Bắc Kạn là cơ quan quản lý.
Miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể ngày 02/10/2012, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn là cơ quan quản lý. Việc thực hiện bảo hộ CDĐL cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn là công cụ pháp lý mang lại giá trị gia tăng cho người sản xuất, giúp doanh nghiệp, người nông dân Bắc Kạn và người tiêu dùng chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; từ đó tạo cơ hội quảng bá sản phẩm, duy trì và phát triển danh tiếng, thương hiệu, sức cạnh tranh của sản phẩm miến dong trên thị trường.
Tuy nhiên, các địa phương nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng, các chính sách này còn thiếu đồng bộ, chưa theo kịp các biến động của thị trường; chưa mang lại lợi ích tối ưu, xúc tiến thương mại chưa phát huy lợi thế cho nông sản,...
Khung chính sách chung về quản lý thiếu sự thống nhất trong cách tiếp cận và cả về phương pháp, cũng như năng lực nên các mặc dù sản phẩm miến dong của Bắc Kạn đã được bảo hộ nhưng không thể giúp kết nối hoạt động sản xuất với thương mại hóa sản phẩm hiệu quả. Vì vậy, cần thiết phải đổi mới cách tiếp cận trong xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL phù hợp, hài hòa lợi ích và công bằng xã hội, sản phẩm được bảo hộ CDĐL thực sự phát huy được giá trị như mong đợi.
2. Phương pháp nghiên cứu
a) Phương pháp kế thừa và tổng hợp tài liệu
Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở tổng hợp và kế thừa các kết quả nghiên cứu về công tác xây dựng và quản lý CDĐL ở Việt Nam trong những năm qua. Các kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị của miến dong Bắc Kạn của dự án “Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Bắc Kạn” (CSSP) [1] và đề tài cập Quốc gia thuộc Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới “Nghiên cứu xây dựng CDĐL cho miến dong tại tỉnh Bắc Kạn” [3].
b) Phương pháp điều tra và khảo sát thực địa
Tập thể tác giả đã tổ chức tổng số 04 chuyến khảo sát thực địa tại tỉnh Bắc Kạn để thu thập bổ sung các thông tin, dữ liệu và lấy các mẫu đất trồng dong riềng, mẫu củ dong riềng và miến dong phục vụ nghiên cứu. Ngoài ra, đề tài đã tiến hành 02 chuyến khảo sát thực địa tại Bình Liêu (Quảng Ninh) và Phia Đén (Cao Bằng) để thu thập thông tin và mẫu miến dong phục vụ so sánh chất lượng. Kết hợp với phương pháp điều tra phiếu để phỏng vấn các đối tượng liên quan.
c) Phương pháp chuyên gia
Phương pháp này được sử dụng nhằm thu thập các thông tin, ý kiến đánh giá của chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ miến dong Bắc Kạn; đặc biệt các chuyên gia có kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý CDĐL, xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản,... Phương phá này được thực hiện thông qua hội thảo, tọa đàm, trao đổi trực tiếp, phỏng vấn sâu.
Ngoài thu thập thông tin, phương pháp này còn cho phép xác minh, kiểm tra mức độ tin cậy của số liệu và thông tin được thu thập qua các phương pháp khác. Qua ý kiến chuyên gia, cho phép xác định các đặc tính đặc thù; xác định lịch sử hình thành và phát triển của miến dong Bắc Kạn; bổ sung và hoàn thiện các hệ thống văn bản, quy trình kỹ thuật, quy chế quản lý, hệ thống quảng bá và giới thiệu CDĐL miến dong Bắc Kạn.
d) Phương pháp điều tra, phỏng vấn
Phiếu điều tra được thiết kế gồm bộ câu hỏi phỏng vấn sâu các hộ dân, cán bộ quản lý địa phương, cơ sở chế biến tinh bột và sản xuất miến dong, cửa hàng và đại lý kinh doanh miến dong, người tiêu dùng để thu thập thông tin về kinh nghiệm sản xuất, mùa vụ, năng suất, danh tiếng, uy tín, đặc tính cảm quan, hình thái, chất lượng và hiệu quả kinh tế của miến dong Bắc Kạn. Tiến hành điều tra, phỏng vấn bằng phiếu các tác nhân tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất miến dong Bắc Kạn tại thị trường Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hà Nội. Số lượng đối tượng đã được phỏng vấn cụ thể:
- Tại Bắc Kạn: 58 hộ gia đình trồng, chế biến tinh bột và sản xuất miến dong; 12 cơ sở chế biến và sản xuất miến dong; 05 cửa hàng, đại lý bán miến dong; 30 người tiêu dùng.
- Thái Nguyên: 5 cửa hàng, đại lý bán miến dong; 30 người tiêu dùng.
- Hà Nội: 10 cửa hàng, đại lý và siêu thị bán miến dong; 50 người tiêu dùng.
e) Phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm
Tiến hành lấy 60 mẫu đất trồng miến dong tại các huyện của tỉnh Bắc Kạn để phân tích chất lượng đất nhằm tìm ra tương quan giữa chất lượng của dong riềng với các tính chất đất trồng. Đồng thời, lấy các mẫu miến dong và củ dong riềng tại các vùng địa lý phục vụ phân tích, cụ thể:
- Tại tỉnh Bắc Kạn: Lấy mẫu tại 04 cơ sở sản xuất miến dong của tỉnh Bắc Kạn, mỗi cơ sở lấy 05 mẫu miến dong và 50 kg củ dong riềng nguyên liệu.
- Tại Bình Liêu (Quảng Ninh): Lấy 05 mẫu miến dong và 100 kg củ dong riềng.
- Tại Phia Đén (Cao Bằng): Lấy 05 mẫu miến dong và 100 kg củ dong riềng.
f) Phương pháp so sánh
Các kết quả phân tích chất lượng miến dong, chất lượng củ dong riềng có xuất xứ từ 03 vùng địa lý khác nhau (Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh) được so sánh với nhau để tìm ra sự khác biệt về hình thái và chất lượng đặc thù, làm cơ sở cho việc đăng ký CDĐL cho sản phẩm miến dong của tỉnh Bắc Kạn.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Đăng ký CDĐL “Bắc Kạn” cho sản phẩm miến dong của tỉnh Bắc Kạn
a) Tính chất, chất lượng đặc thù của nguyên liệu thô
Miến dong Bắc Kạn là sản phẩm truyền thống được sản xuất từ 100% tinh bột của củ dong riềng nguyên liệu trồng tại tỉnh Bắc Kạn. Cây dong riềng có tên khoa học Canna edulis ker gaw, tương ứng với CDĐL đăng ký “Miến dong Bắc Kạn”. Củ dong riềng nguyên liệu có các đặc thù sau: Hàm lượng tinh bột: Giá trị từ 19,51-22,38%; hàm lượng vitamin B1: 6,60-8,06 µg/100 g tinh bột.
Khu vực địa lý trồng củ dong riềng nguyên liệu có điều kiện đặc thù về thổ nhưỡng như sau: pHKCl: 3,52-7,62; các bon hữu cơ (OC): 5,02-15,08%; PDT: 1,26-19,95 mg P2O5/100 g; KDT: 1,92-12,21 mg K2O/100 g; hàm lượng cát: 28,86-82,88%; dung lượng cation trao đổi (CEC): 5,10-21,70 ldl/100 g.
b) Tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm miến dong
Sản phẩm miến dong: Là sản phẩm được chế biến từ 100% củ dong riềng nguyên liệu mang CDĐL miến dong Bắc Kạn. Sản phẩm miến dong được chế biến theo phương pháp truyền thống (miến rút) và phương pháp máy tráng.
(1) Đặc thù về hình thái: Trắng xám sáng, hơi đục, hơi ánh vàng; Khô dai.
(2) Đặc thù về chất lượng: Hàm lượng tro không tan: 0,03-0,036% (trung bình 0,033 ± 0,002%); hàm lượng vitamin B1: 6,17 - 9,04 µg/100 g (trung bình 7,23 ± 0,05 µg/100 g).
c) Khu vực địa lý đăng ký bảo hộ
Vùng bảo hộ sản phẩm miến dong mang CDĐL Bắc Kạn gồm các khoanh vi đất thuộc địa giới hành chính tỉnh Bắc, có tọa độ từ 21°48’22’’ đến 22°44’17’’ vĩ độ Bắc và từ 105°25’08’’ đến 106°24’47’’ kinh độ Đông. Củ dong riềng nguyên liệu được trồng tại các khu vực địa lý của tỉnh Bắc Kạn tương ứng với CDĐL “Miến dong Bắc Kạn”, bao gồm các xã như sau:
- Khu vực sản xuất miến dong: Tỉnh Bắc Kạn;
- Khu vực trồng củ dong riềng nguyên liệu gồm:
1) Các xã Dương Quang, Nông Thượng, Sông Cầu, thuộc thành phố Bắc Kạn;
2) Các xã Ăn Thắng, Bằng Thành, Bộc Bố, Cở Linh, Cao Tân, Công Bằng, Giáo Hiệu, Nghiên Loan, Nhạn Môn, Xuân La thuộc huyện Pắc Nặm;
3) Các Xã Bành Trạch, Cao Thượng, Cao Trĩ, Khang Ninh, Mỹ Phương, Nam Mẫu, Phúc Lộc, Quảng Khê, Thượng Giáo, Yến Dương thuộc huyện Ba Bể;
4) Các xã Cốc Đán, Nà Phặc, Trung Hòa thuộc huyện Ngân Sơn;
5) Các xã Cap Sơn, Đôn Phong, Dương Phong, Mỹ Thanh, Quang Thuận, Sĩ Bình, Tú Trĩ, Vi Hương, Vũ Muộn thuộc huyện Bạch Thông;
6) Các xã Bằng Lãng, Bằng Phúc, Bình Trung, Đại Sảo, Đông Viên, Lương Bằng, Nghĩa tá, Phong Huân, Yên Mỹ, Yên Nhuận thuộc huyện Chợ Đồn;
7) Các xã Mai Lạp, Quảng Chu, Tân Sơn, Thanh Mai, Thanh Vận, thuộc huyện Chợ Mới;
8) Các xã Côn Minh, Cư Lễ, Cường Lợi, Dương Sơn, Hảo Nghĩa, Hữu Thác, Kim Hỷ, Kim Lư, Lạng San, Lam Sơn, Lương Hạ, Lương Thành, Văn Học, Văn Minh, Vũ Loan, Xuân Dương, Yến Lạc thuộc huyện Na Rì.
Ngày 29/4/2021, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã ký Quyết định số 1253/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00106 cho sản phẩm “Miến dong Bắc Kạn”. Đây là sản phẩm thứ ba của tỉnh Bắc Kạn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL, sau sản phẩm Hồng không hạt và Quýt Bắc Kạn. Sở KH&CN Bắc Kạn là Tổ chức quản lý CDĐL này. Đây là sản phẩm miến dong đầu tiên của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL.
3.2. Sự cạnh tranh và nhu cầu tiêu dùng của miến dong Bắc Kạn trên thị trường
Để thấy được những ưu thế và hạn chế của sản phẩm miến dong của tỉnh Bắc Kạn so với những sản phẩm miến dong khác trên thị trường, chúng tôi đã tiến hành đánh giá khả năng cạnh tranh theo các tiêu chí của sản phẩm trên thị trường. Các tiêu chí được các tác nhân kinh doanh và người tiêu dùng cùng thảo luận đưa ra, sau đó tiến hành cho điểm các tiêu chí này, và kết quả được thể hiện trong (Bảng 1).
So với 03 loại miến dong khác trên thị trường, xét về tổng số điểm miến dong Bắc Kạn chỉ đạt 52 điểm/8 tiêu chí kém hơn khi so sánh với miến dong Bình Liêu, miến dong Việt Cường ở Thái Nguyên cùng 58 điểm và miến dong Minh Khai đạt 50 điểm.
Nhìn chung, miến dong Bắc Kạn có khả năng cạnh tranh kém hơn so với sản phẩm miến dong Bình Liêu và miến dong Việt Cường. Tuy nhiên, nhìn vào sắp xếp thứ tự ưu tiên các tiêu chí của sản phẩm thì miến dong Bắc Kạn vẫn có những lợi thế nhất định, được xếp ưu tiên ở vị trí số 1 và số 3 đó là tiêu chí về chất lượng sản phẩm và giá bán. Đây là hai tiêu chí rất quan trọng trong chiến lược kinh doanh bền vững của sản phẩm từ dong Bắc Kạn.
Một điểm hạn chế của sản phẩm miến dong Bắc Kạn là hình ảnh sản phẩm và thông tin đến người tiêu dùng kém hơn so với những sản phẩm khác. Đây là các tiêu chí cần phải cải thiện trong chiến lược kinh doanh.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, 100% người tiêu dùng Bắc Kạn chỉ biết đến miến dong Bắc Kạn, người tiêu dùng ở 2 thị trường còn lại biết đến nhiều loại miến khác nhau, đặc biệt người tiêu dùng Hà Nội biết đến 7 loại miến dong, trong đó miến dong Bắc Kạn chỉ chiếm 6%. Điều này cho thấy, các chính sách hỗ trợ và hoạt động quản lý, phát triển CDĐL lại rất hạn chế, nên các sản phẩm miến dong mang CDĐL Bắc Kạn chưa thực sự phát huy được giá trị như mong đợi. Sự phối hợp và tập trung nguồn lực còn hạn chế, nên nguồn lực cho công tác quản lý, quảng bá sản phẩm miến dong bị phân tán, chưa phát huy được hết hiệu quả cạnh trang khi có sự xuất hiện nhiều thương hiệu miến khác nhau ở cùng một thị trường.
3.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác CDĐL Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong
a) Mô hình tổ chức quản lý CDĐL “Bắc Kạn” cho sản phẩm miến dong: Tại Bắc Kạn, Sở KH&CN được UBND tỉnh Bắc Kạn giao quản lý CDĐL. Đến nay, tỉnh cũng chưa xây dựng được một mô hình tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả các CDĐL đã được cấp Chứng nhận đăng ký bảo hộ.
Nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả CDĐL Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong trong xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ, cần thiết phải hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý CDĐL. Việc xây dựng và vận hành mô hình quản lý CDĐL bảo đảm các yếu tố và trên cơ sở quán triệt các nguyên tắc: (i) Đơn giản, hiệu quả; (ii) Trao quyền tối đa cho các tổ chức tập thể, hộ gia đình sử dụng; (iii) Hệ thống kiểm soát bên ngoài được xây dựng và vận hành với mục tiêu kiểm tra, giám sát nhằm giảm thiểu các chi phí vận hành bộ máy.
Theo mô hình này, Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn là cơ quan được UBND tỉnh Bắc Kạn giao quyền quản lý CDĐL. Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng trực thuộc Sở KH&CN chịu trách nhiệm về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDĐL nhằm tận dụng các điều kiện sẵn có về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai các hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Thành lập tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, kinh doanh miến dong Bắc Kạn cụ thể là “Hiệp hội Miến dong Bắc Kạn” nhằm thay mặt cho các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh miến dong Bắc Kạn phối hợp với đơn vị chủ trì thực hiện và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác xây dựng, thống nhất các nội dung và vận hành mô hình tổ chức quản lý CDĐL.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở KH&CN, các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc đảm bảo tính đặc thù của Miến dong mang CDĐL “Bắc Kạn”, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng tem, lô gô và dấu hiệu CDĐL “Bắc Kạn” trong sản xuất và kinh doanh trên thị trường; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hướng dẫn và xác nhận nội dung quảng cáo Miến dong mang CDĐL.
Sở Công thương hỗ trợ đơn vị sản xuất kinh doanh khai thác thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Miến dong mang CDĐL “Bắc Kạn”. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm Miến dong mang CDĐL “Bắc Kạn” ra các thị trường nội địa, thị trường nước ngoài. Sở y tế xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ kiểm nghiệm định kỳ đối với sản phẩm Miến dong đã công bố.
b) Truyền thông và quảng bá sản phẩm: Nhằm xây dựng, mở rộng, coi trong mọi thị trường và thị hiếu khách hàng tỉnh Bắc Kạn cần chủ động hơn bằng việc xây dựng một chiến lược quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Tổ chức hội nghị khách hàng ở các thị trường đã được xác định cụ thể, đây là những thị trường tiềm năng và hiện tại tiêu thụ lượng lớn miến dong Bắc Kạn.
Trong các hội nghị khách hàng, mời đại diện các cửa hàng, người kinh doanh ở chợ và các đại lý cấp 1 để giới thiệu các thông tin về sản phẩm, quảng bá hình ảnh, cũng như có chính sách hậu bán hàng cho các kênh phân phối và tiêu thụ sản phẩm miến dong. Tổ chức các cuộc thi chế biến các món ăn từ miến dong Bắc Kạn ở các thị trường tiềm năng (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ,...) để quảng bá hình ảnh và sử dụng các công thức chế biến món ăn của các đơn vị tham gia cuộc thi, biên tập thành tập hướng dẫn chế biến món ăn để gửi đến người tiêu dùng.
Hệ thống biển hiệu cửa hàng phân phối sản phẩm miến dong Bắc Kạn cần được thiết kế đồng bộ về logo, màu sắc, hình ảnh, chữ viết và tỷ lệ trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua biển hiệu, người tiêu dùng có thể nhận diện và chọn đúng địa điểm mua sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Xây dựng kênh quảng bá và giới thiệu sản phẩm miến dong trên các trang mạng xã hội (Fanpage, Facebook, Youtube,...). Tổ chức các chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy người tiêu dùng mua và mua nhiều sản phẩm hơn.
3.4. Phát triển, hoàn thiện chuỗi giá trị miến dong
a) Giải pháp phát triển và ổn định vùng nguyên liệu: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất theo đúng quy hoạch sử dụng đất của địa phương, trong đó có quy hoạch vùng trồng dong riềng nguyên liệu. Tuyệt đối, không quy hoạch và phát triển cây dong riềng trên các điều kiện lập địa không thích hợp và đất lâm nghiệp.
Công tác quy hoạch vùng nguyên liệu cần triển khai trên cơ sở kết quả đánh giá thích hợp đất đai đối với cây dong riềng có xét đến điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan hiện nay đang ngày một diễn biến phức tạp, khó dự báo. Duy trì khai thác và bảo tồn các giống dong riềng hiện nay đã được tuyển chọn qua khảo nghiệm và thực tế sản xuất nhiều vụ, giống dong riềng bản địa có hàm lượng tinh bột cao, chất lượng tinh bột tốt.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nghiên cứu, lai tạo giống dong riềng mới để khảo nghiệm và đánh giá, bổ sung vào ngân hàng giống dong riềng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Bắc Kạn những giống cho năng suất cao, tăng hàm lượng tinh bột, chất lượng tinh bột tốt, có sức chống chịu và kháng các loại sâu bệnh tốt để đưa vào trồng đại trà, vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế được sâu bệnh phát triển.
Tăng cường đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, ưu tiên áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp, thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; bón phân theo nguyên tắc “4 Đúng”; tăng cường bón lót phân hữu cơ, đặc biệt phân ủ từ bã thải dong riềng; thực hiện luân canh cây trồng nhằm cải tạo và tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế sâu bệnh hại phát triển. Nghiên cứu thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học trong quy trình bảo quản tinh bột dong riềng để giảm tổn thất, chất lượng sản phẩm.
Xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý dựa trên tiềm năng đất đai, khí hậu và điều kiện sinh thái; thực hiện luân canh, xen canh cây ngắn ngày, ưu tiên các loài cây họ đậu với cây dong riềng.
b) Giải pháp tăng cường chế biến tinh bột và sản xuất miến dong: Duy trì và đầu tư nâng cấp, cải tiến quy trình công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm miến dong để đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất và thị trường tiêu thụ theo hướng: Duy trì số lượng các cơ sở chế biến tinh bột nhỏ theo từng cụm, nhóm, tổ hoặc đội sản xuất tại những thôn, bản vùng cao, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế và đi lại còn gặp nhiều khó khăn, để giảm chi phí vận chuyển, đầu tư xử lý môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Tại các vùng thuận lợi cho sản xuất tập trung, có mặt bằng rộng, điều kiện giao thông vận chuyển thuận lợi, ưu tiên cải tiến công nghệ và kỹ thuật sản xuất bằng các dây truyền hiện đại, nâng cao công suất chế biến tinh bột dong riềng, sản xuất miến dong để đảm bảo đủ công suất chế biến hết sản lượng củ dong riềng nguyên liệu và lượng sản phẩm tinh bột chế biến ra cho sản xuất miến dong trong tỉnh theo từng giai đoạn.
UBND tỉnh Bắc Kạn cần có chính sách hỗ trợ mặt bằng cho các cơ sở chế biến tinh bột và sản xuất miến dong xây dựng mở rộng nhà xưởng, như tạo điều kiện về sắp xếp, bố trí lại dân cư, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất thời gian từ 30 - 50 năm.
Chủ động triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cũng như chính sách của tỉnh Bắc Kạn để hỗ trợ các cơ sơ sản xuất xây dựng nhà xưởng, đầu tư dây truyền công nghệ hiện đại chế biến tinh bột, sản xuất miến dong gắn với xây dựng công trình xử lý nước thải, bã thải dong riềng phục vụ chế biến tinh bột dong và sản xuất miến dong.
Ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mới dây truyền chế biến với công nghệ hiện đại; nâng cao công suất, cải tiến công nghệ chế biến tinh bột, sản xuất miến dong hiện có để đáp ứng yêu cầu sản xuất.
c) Hỗ trợ tài chính và truy suất nguồn gốc bằng mã QR Code: Hỗ trợ chính sách tín dụng, vay vốn ưu đãi cho các hộ gia đình, cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong. Có chính sách hỗ trợ vay vốn không phải thế chấp để thu mua toàn bộ sản lượng củ dong riềng, bảo quản và dự trữ tinh bột dong riềng (ướt và khô) đảm bảo kéo dài thời gian sản xuất miến dong tại Bắc Kạn lên 8-10 tháng/năm. Nguồn vốn cần vay chiếm khoảng 70% tổng nguồn vốn thu mua củ dong riềng.
Lãi suất vay ưu đãi nhỏ hơn hoặc bằng 0,5%/tháng. Thời gian vay tối thiểu 6 tháng. Tăng cường liên kết giữa cơ sở chế biến tinh bột dong riềng, sản xuất miến dong với các hộ gia đinh, đặc biệt các hộ nghèo để ứng vốn, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn và đào tạo. Hình thành và triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là bảo hiểm cho người sản xuất dong riềng của tỉnh Bắc Kạn.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng mã QR Code đang là xu hướng và tiêu chuẩn của hàng hóa lưu thông trên thị trường, giúp cho người tiêu dùng biết chính xác xuất xứ của sản phẩm có chất lượng, phân biệt và nhận biết rõ hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, các cơ sở chế biến và sản xuất miến dong tỉnh Bắc Kạn cần tập trung đăng ký truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử có chứa mã vạch dạng QR Code để dán lên trên bao bì sản phẩm miến dong. Xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu số và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc (máy in tem truy xuất, phôi tem và tài khoản phần mềm truy xuất) cho sản phẩm tinh bột dong riềng và miến dong Bắc Kạn.
4. Kết luận
Quản lý, sử dụng CDĐL cần triển khai đồng thời các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện tốt các Chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành, vùng, khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm và phối hợp với các sở, ngành có liên quan hỗ trợ sử dụng, khai thác có hiệu quả và quảng bá nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Xây dựng hệ thống quản lý và giám sát họat động sử dụng CDĐL cho địa phương nhằm triển khai các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm các đối tượng sở hữu trí tuệ. Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh làm tốt công tác bảo vệ các đối tượng sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ. Trong đó, đặc biệt quan tâm bảo vệ quyền đối với CDĐL “Bắc Kạn” dùng cho sản phẩm Miến Dong. Xây dựng quy trình quản lý chất lượng, hồ sơ kiểm soát từ nông hộ, thu gom, chế biến, đóng gói và tiêu thụ.
Cần thiết phải thành lập Hội Miến dong Bắc Kạn để quản lý và tổ chức khai thác, sử dụng CDĐL hiệu quả. Đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp: Các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng miến dong; các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác CDĐL; các giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường; các giải pháp bảo vệ môi trường; các giải pháp về vốn và tín dụng. Đặc biệt, tăng cường vai trò quản lý và phối hợp của các sở, ban ngành của tỉnh.
Lưu Thế Anh, Nguyễn Hiệu, Nguyễn Đức Thành3