Xây dựng lối sống xanh cho học sinh bằng nhiều mô hình hiệu quả
Bằng nhiều mô hình ý nghĩa, các trường học đã xây dựng môi trường học tập xanh – sạch- đẹp, gần gũi với thiên nhiên và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường cho học sinh.
Học sinh Mộc Châu góp 4.000 vỏ chai nhựa
Ngày 3/3, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Sơn La đã tổ chức bàn giao công trình nhà vệ sinh sử dụng chai nhựa tại điểm trường Trung học cơ sở thuộc trường TH&THCS Tà Lại, xã Tà Lại, huyện Mộc Châu.
Công trình nhà vệ sinh bằng chai nhựa có diện tích 23m², được tài trợ bởi Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng.
Để xây dựng công trình, Ban Giám hiệu điểm trường THCS Tà Lại đã vận động các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã đóng góp ngày công làm mặt bằng, san nền, đào móng; học sinh trong huyện Mộc Châu đóng góp 4.000 vỏ chai nhựa từ các sản phẩm nước đóng chai của Công ty Suntory PepsoCo Việt Nam.
Sau gần 2 tháng xây dựng, công trình đã hoàn thành, góp phần giúp nhà trường có thêm cơ sở vật chất, học sinh có nhà vệ sinh sạch đẹp hơn, khơi dậy cho các em tinh thần bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa.
Tại chương trình, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh đã trao tặng 5 thùng nước sát khuẩn, 200 đầu sách, 10 suất học bổng cho 10 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn và chuyển trao phần quà của Nhà tài trợ cho trường TH&THCS Tà Lại.
Phát biểu tại buổi Lễ khánh thành, Phó Bí thư tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Sơn La Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Công trình nhà vệ sinh sử dụng chai nhựa góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và tái chế rác thải nhựa hiệu quả trong thanh thiếu nhi; đồng thời, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp bộ Đoàn, Hội đối với thiếu nhi tại các địa bàn khó khăn trong học tập, sinh hoạt. Mong rằng sau khi tiếp nhận bàn giao công trình, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ đưa vào sử dụng công trình một cách hiệu quả, hợp lý, đúng mục đích; tăng cường công tác bảo quản, giữ gìn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các em học sinh trong việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Đà Nẵng với trường Tiểu học không rác thải
Từ tháng 7/2021, trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã triển khai lắp đặt hệ thống xử lý rác thải hữu cơ tại khu vực nhà bếp của trường. Đây là trường học đầu tiên ở Đà Nẵng triển khai mô hình “Quản lý tối ưu rác thải trong trường học” do tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ.
Theo cô Trương Thị Bích Thuỷ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa, hệ thống này đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn tại các trường học trên địa bàn Đà Nẵng. Nếu như trước đây, mỗi ngày, nhà trường đều thải ra môi trường khoảng 10kg thức ăn dư thừa thì nay đã được xử lý và tạo được ít nhất 5kg phân trộn.
“Nếu tính trong một tháng, hệ thống đã giúp trường giảm 60% lượng rác thải, tiết kiệm 1 triệu đồng (phí xử lý rác), đồng thời sản xuất 100kg phân trộn dinh dưỡng mỗi tháng. Hệ thống rất thân thiện môi trường, không gây mùi ô nhiễm trong quá trình xử lý. Quan trọng là học sinh của trường được giáo dục về cách xử lý rác thải đúng cách bằng hình ảnh trực quan thực tế” – cô Thuỷ chia sẻ.
Đặc biệt toàn bộ hệ thống xử lý rác thải này do nhóm sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) sáng tạo. Theo TS Phạm Phú Song Toàn - Giảng viên khoa Công nghệ Hóa học – Môi trường, giảng viên hướng dẫn khoa học của nhóm cho biết, ý tưởng giải pháp của đề tài và sản phẩm xuất phát từ nhu cầu cấp bách về xử lý chất thải rắn tại các trường phổ thông trên địa bàn Đà Nẵng. Hệ thống xử lý chất thải rắn hữu cơ được nhóm nghiên cứu sáng tạo nhờ công nghệ Vessel được phát triển theo hướng tối giản, vừa đảm bảo thuận tiện để ứng dụng rộng rãi vừa đảm bảo hợp lý hoá, đạt hiệu quả cao trong xử lý ô nhiễm.
Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, là những chủ nhân quyết định đối với sự phát triển của cả xã hội, đồng thời cũng là người bị ảnh hưởng nhiều nhất của vấn đề tài nguyên và môi trường đối với sự phát triển sau này. Do đó, những hành động thiết thực để các em nhận thấy trách nhiệm và thách thức của vấn đề tài nguyên và BVMT đối với tương lai của chính mình là rất quan trọng.
Giáo dục môi trường có thể bắt đầu từ những việc nhỏ. Các thầy cô nên lồng ghép vào bài giảng thực trạng môi trường hiện nay, các biện pháp cụ thể để Bảo vệ môi trường. Không chỉ trên bài giảng, nếu trong cuộc sống hàng ngày, các thầy cô đi tiên phong trong việc tiết kiệm năng lượng, nước, giấy, phân loại rác thải… thì hiệu quả sẽ tăng lên gấp đôi. Các thầy giáo có thể làm gương cho các học sinh, sinh viên bằng việc không hút thuốc lá trong trường học. Không chỉ kêu gọi và làm gương, các thầy cô nên khuyến khích học trò tự giám sát việc bảo vệ môi trường của nhau.
Nguyễn Linh (T/h)