Thứ bảy, 23/11/2024 04:08 (GMT+7)
Thứ ba, 06/04/2021 08:27 (GMT+7)

Xây dựng lâm nghiệp thành ngành kinh tế-kỹ thuật hiện đại

Theo dõi KTMT trên

Theo Chiến lược, phấn đấu đến năm 2050, ngành lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.

Xây dựng lâm nghiệp thành ngành kinh tế-kỹ thuật hiện đại - Ảnh 1
Rừng trồng trên cát ở các xã ven biển huyện Triệu Phong. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát nhằm xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế-kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng, diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Mục tiêu tiếp theo là phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động, hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng và an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước về lâm nghiệp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Phấn đấu trở thành trung tâm thương mại lâm sản hàng đầu của thế giới

Theo Chiến lược, phấn đấu đến năm 2050, ngành lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới; công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu rộng trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển bền vững đất nước.

Về kinh tế: Phát triển lâm nghiệp bền vững, hội nhập quốc tế, phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại lâm sản hàng đầu của thế giới với công nghệ hiện đại; đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Về xã hội: Góp phần quan trọng vào xây dựng đất nước Việt Nam an toàn, thịnh vượng; nông thôn mới giàu, đẹp và văn minh trên cơ sở cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế xanh gắn với tài nguyên rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, không gian sinh tồn của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh.

Về môi trường: Quản lý rừng bền vững, bảo tồn lâu dài tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tham gia tích cực, có trách nhiệm, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết tham gia.

Xây dựng lâm nghiệp thành ngành kinh tế-kỹ thuật hiện đại - Ảnh 2
Bảng cấm vào phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, đốt lửa trong rừng được gắn tại các khu rừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra những giải pháp cụ thể như rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách lâm nghiệp trên cơ sở Luật Lâm nghiệp năm 2017; đổi mới cơ chế, chính sách nhằm huy động đa dạng các nguồn lực cho phát triển lâm nghiệp nói chung và phát triển lâm nghiệp gắn với giảm nghèo bền vững ở các vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số có nhiều rừng; tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân...

Tự động hóa đồng bộ các vùng sản xuất lâm nghiệp

Chiến lược cũng đề ra giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và dịch vụ logistics; tổ chức lại vùng sản xuất tập trung theo định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực phù hợp với lợi thế của từng vùng gắn với cơ giới hóa đồng bộ và kết nối với khu chế biến lâm sản, dịch vụ thương mại phát triển các cụm liên kết chế biến gỗ gắn với vùng nguyên liệu rừng trồng theo vùng sinh thái; phát triển hệ thống đường lâm nghiệp gắn kết vùng nguyên liệu quy mô, tập trung với nhà máy chế biến.

Một giải pháp nữa là đẩy mạnh hiện đại hóa, cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa tập trung. Đến năm 2030, tỉ lệ cơ giới hóa trong các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt ít nhất 30%; phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu, uy tín.

Đề án nêu rõ: Nhà nước hỗ trợ đầu tư, có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng ít nhất 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhằm thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi giá trị ngành lâm nghiệp; phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh tế hợp tác, kinh tế chia sẻ trong lâm nghiệp...

(TTXVN/Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng lâm nghiệp thành ngành kinh tế-kỹ thuật hiện đại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới