Thứ sáu, 03/01/2025 16:31 (GMT+7)
Thứ năm, 27/05/2021 09:00 (GMT+7)

Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực

Theo dõi KTMT trên

Bài viết trình bày tổng quan về hiện trạng phát triển các dự án thủy điện và hồ chứa trên dòng chính của sông Mê Kông, các tác động môi trường tiềm năng và các nguy cơ xung đột môi trường trong việc triển khai các dự án.

TÓM TẮT

Bài viết trình bày tổng quan về hiện trạng phát triển các dự án thủy điện và hồ chứa trên dòng chính của sông Mê Kông, đặc biệt là 11 dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông phía hạ lưu (thuộc Lào và Campuchia) các tác động môi trường tiềm năng và các nguy cơ xung đột môi trường trong việc triển khai các dự án. Trên cơ sở các đánh giá và dự báo, các tác giả bước đầu nêu lên các giải pháp quản lý xung đột môi trường phát sinh từ việc triển khai các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông khu vực hạ lưu.

Từ khóa: Thủy điện, dòng chính sông Mê Kông, tác động môi trường, xung đột môi trường.

ĐẶT VẤN ĐỀ:

Mê Kông là con sông lớn của Thế giới và khu vực, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam để rồi đổ vào Biển Đông. Tính theo độ dài (4.350 km) sông đứng thứ 12 (thứ 2 tại châu Á), còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới (lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 triệu m3). Lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa mưa lũ có thể lên tới 30.000 m³/s. Lưu vực sông Mê Kông chia làm hai phần: Thượng và hạ lưu; Phần thượng lưu nằm chủ yếu trên đất Trung Quốc; Phần hạ lưu bắt đầu từ Tam giác vàng cho đến cửa sông. Địa hình sông cũng khá dốc ở thượng lưu khi còn ở đất Trung Quốc; Nếu tính độ cao của Tây Tạng là 5.500 m; Nhưng đến biên giới Trung Quốc - Lào, độ cao của dòng sông chỉ còn là 500 m. Phần hạ lưu của sông nhìn chung ít dốc nhưng cũng có nhiều gềnh và thác. Sông tạo thành biên giới tự nhiên dài 200 km của Myanmar và Lào, sau đó là biên giới của Lào và Thái Lan trước khi chảy trong đất Lào đến Viên Chăn. Từ Viên Chăn đến Champasack, sông Mê Kông lại trở lại thành biên giới của Lào và Thái Lan. Tiếp đó sông chảy trong đất Campuchia và Việt Nam. Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông, phân bố dòng chảy trong lưu vực cụ thể trong Bảng 1.

Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực - Ảnh 1
Bảng 1. Sự phân bố lưu vực và dòng chảy sông Mê Kông

 Ủy hội sông Mê Kông (tiền thân là Ủy ban sông Mê Kông 1957) đã được thành lập từ năm 1995 với sự tham gia của 4 nước tại lưu vực sông, gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Sông Mê Kông là dòng sông có sản lượng thuỷ sản nước ngọt lớn nhất thế giới (sản lượng thủy sản đánh bắt từ 2,1 tới 2,5 triệu tấn/năm) và đứng thứ 3 thế giới về đa dạng sinh học (hơn 800 loài cá) sau sông Amazon và Congo. Sản lượng cá đánh bắt ước tính không bao gồm 0,5 - 0,7 triệu tấn/năm sản lượng cá vùng duyên hải được cho là phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng, phù sa của sông Mê Kông; 0.5 triệu tấn/năm của các loài thuỷ sản khác như tôm, cua, nhuyễn thể, ếch… Biến động hàng năm (mực nước và dòng chảy) chính là yếu tố chính quyết định sản lượng thuỷ sản cao từ sông và các vùng ngập nước gần đó [2].

Lưu vực sông Mê Kông là nơi sinh sống của trên 100 triệu người với 100 dân tộc và nhóm dân tộc thuộc 6 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Hạ lưu sông Mê Kông là vùng đồng bằng lớn với các quốc gia hiện đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo như: Việt Nam và Thái Lan.

Sông Mê Kông có tiềm năng thủy điện rất lớn, theo các số liệu của Ủy hội sông Mê Kông [1], tiềm năng thủy điện chung của sông Mê Kông đạt khoảng 53.900 MW được phân chia theo lãnh thổ gồm:

- Phần thượng lưu thuộc Trung Quốc: 23.000 MW

- Phần hạ lưu thuộc các quốc gia ASEAN: 30.900 MW

+ Trên dòng chảy chính của sông Mê Kông: 13.000 MW

+ Trên các dòng nhánh, phụ lưu: 17.900 MW; Trong đó dòng nhánh ở Lào 13.000 MW, dòng nhánh ở Campuchia 2.200 MW, dòng nhánh ở Thái Lan 700 MW, dòng nhánh ở Việt Nam 2.000 MW.

CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN TRÊN DÒNG CHÍNH SÔNG MÊ KÔNG VÀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG

Với tiềm năng rất lớn về thủy điện, việc quy hoạch xây dựng và phát triển thủy điện đã được nhiều quốc gia tiến hành; Trong đó Trung Quốc và Lào là hai quốc gia có tiềm năng lớn nhất, đồng thời cũng là các quốc gia tích cực triển khai và vận động triển khai các dự án thủy điện. Hình 1 trình bày sơ đồ vị trí các nhà máy thủy điện lớn trên lưu vực sông Mê Kông đã và dự kiến xây dựng vào năm 2020.

a. Các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc

Sông Mê Kông ở địa phận Trung Quốc có tiềm năng thuỷ điện rất lớn, trong quy hoạch bậc thang thuỷ điện năm 1980 thì trên dòng chính có tới 25 bậc thang với tổng công suất lắp máy là 25.870 MW; 120 vị trí thuỷ điện trên các dòng nhánh. Bảng 2 trình bày một số thông số của các nhà máy thủy điện dự kiến xây dựng vào năm 2020 trên sông Mê Kông thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực - Ảnh 2
Hình 1. Sơ đồ vị trí các nhà máy thủy điện trên sông Mê Kông vào năm 2020 (Nguồn: https://nature.org.vn/vn/2016/03/ban-do-dap-thuy-dien-tren-song-me-kong)
Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực - Ảnh 3
Nguồn: Uỷ hội sông Mê Kông

Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành 6 công trình gồm:

1993: Mãn Loan (Man Wan): Chiều cao đập 132 m, dung tích hồ chứa nước 920 triệu m3, công suất lắp máy 1.500 MW.

2003: Đại Triều Sơn (Dachaoshan): Chiều cao đập 118 m, dung tích hồ chứa 940 triệu m3, công suất lắp máy 1.350 MW.

2009: Cảnh Hồng (Jinghong): Chiều cao đập 108 m, dung tích hồ chứa 300 triệu m3, công suất lắp máy 1.500 MW.

2011: Cống Quả Kiều (Gongguaqiao): Chiều cao đập 105 m.

2012: Tiểu Loan (Xiaowan): chiều cao đập 292 m, dung tích hồ chứa 15 tỉ m3, công suất lắp máy 4.200 MW.

2014: Nọa Trát Độ (Nouzhadu): Chiều cao đập 261,5 m, dung tích hồ chứa 21,749 tỉ m3, công suất lắp máy 5.850 MW, lớn thứ 4 của Trung Quốc.

Hai đập khác đang trong quá trình xây dựng là đập Cảm Lâm (Ganlanba) và đập Mãnh Tống (Mensgong).

b. Các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông khu vực hạ lưu

Trong những năm 1960 và 1970, Ủy ban sông Mê Kông đã vạch ra những kế hoạch cho một chuỗi bậc thang 7 đập lớn cho vùng hạ lưu vực. Trong những năm 1980, các quốc gia ở vùng hạ lưu đã bác bỏ khả năng xây dựng các đập có hồ chứa lớn, kể cả đập Pa Mong gây nhiều tranh cãi. Sau đó, năm 1994, Ban Thư ký Mê Kông công bố một nghiên cứu đề xuất một loạt đập ở 12 vị trí từ Pak Beng, tỉnh Oudomxay ở Lào đến Tonle Sap ở Campuchia với chiều cao từ 20 - 50 m từ đáy sông. Các dự án không xem xét đến môi trường khu vực. Hiện nay, với sự khuyến khích của một số chính phủ, các công ty đã lấy những ý tưởng này và xây dựng nên 12 dự án thủy điện trên dòng chính Mê Kông thuộc lãnh thổ các nước: Lào, Thái Lan và Campuchia. 10 đập sẽ nằm ở Lào, Thái Lan và 2 đập ở Campuchia (Hình 2) với các thông số của các đập trình bày trong Bảng 3. Dựa trên quy hoạch này, hiện nay Lào đang xây dựng 2 công trình: Xayabury và Don Sa hong.

Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực - Ảnh 4

Hình 2. Các bậc thang đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông khu vực hạ lưu

Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực - Ảnh 5

Ủy hội sông Mê Kông đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu khoa học và đưa ra nhiều cảnh báo để hạn chế và tạm dừng quá trình xây các đập trên sông Mê Kông để đảm bảo sự phát triển bền vững của tất cả các nước mà con sông chảy qua. Theo tính toán của Ủy hội này, lợi ích thu được từ việc phát triển thủy điện nhỏ hơn rất nhiều so với các tổn thất mà nó gây ra, cụ thể về biến đổi môi trường, thiệt hại nghề cá, thiệt hại nông nghiệp, sự tuyệt chủng của nhiều loại động thực vật... Tuy nhiên, sự cảnh báo và các kiến nghị của Ủy hội sông Mê Kông bị vô hiệu hóa hoàn toàn với lập luận của Trung Quốc: “Trung Quốc có toàn quyền xây dựng bất cứ thứ gì trên sông Mê Kông ở phần lãnh thổ của nước mình”.

Thái độ này của Trung Quốc đã vô hiệu hóa hoàn toàn các nỗ lực bảo vệ việc khai thác bền vững dòng sông quốc tế. Bị thúc đẩy và noi theo bởi hành động của Trung Quốc, tất cả các nước tại hạ lưu sông Mê Kông gồm Lào, Thái Lan và Campuchia đều lên kế hoạch xây dựng những đập thủy điện cực lớn trên dòng chính con sông. Và Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình này với vai trò là nhà đầu tư cung cấp vốn chính yếu.

TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA PHÁT TRIỂN THỦY ĐIỆN TRÊN DÒNG CHÍNH SÔNG MÊ KÔNG

Các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy, từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của dòng sông. Vấn đề đáng nói ở đây là trong 12 thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (không tính dòng nhánh) sắp được xây dựng thì lại không có thủy điện nào ở Việt Nam, trong khi tổn thất mà quốc gia nằm cuối hạ nguồn như Việt Nam phải gánh chịu là lớn nhất. Hiện nay, trên các nước thượng nguồn sông Mê Kông, tài nguyên nước mặt được sử dụng chủ yếu cho tưới, thuỷ điện, sinh hoạt và phát triển công nghiệp. Về mùa cạn, khi dòng chảy sông Mê Kông ít đi, việc sử dụng nước cho các hoạt động kinh tế - xã hội tại hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng.

a) Tác động tới nguồn nước: Theo các số liệu tính toán [1], tổng dung tích của tất cả các hồ chứa thuỷ điện trong lưu vực dự kiến chiếm 14,0% dòng chảy sông Mê Kông bao gồm: Tổng dung tích 6 hồ phía Trung Quốc đã và sẽ trữ 21 tỉ m3 (4,6%); Tổng 40 hồ chứa hiện có trên tất cả các dòng nhánh ở hạ lưu Mê Kông trữ 22 tỉ m3 (4,7%); Đến 2030, với việc xây dựng thêm 70 hồ chứa trên các sông nhánh ở hạ lưu Mê Kông, sẽ trữ thêm 20 tỉ m3 nữa (4,2%); Tổng dung tích 12 đập trên dòng chính hạ lưu Mê Kông cũng sẽ trữ 2,5 tỉ m3 (0,5%). Nếu tính thêm nhu cầu phát sinh về nước tưới cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác thì lưu lượng dòng chảy sẽ giảm đi tới 20% so với mức hiện nay. Theo IPCC (Tổ chức liên Chính phủ về biến đổi khí hậu), đến 2030, trên lưu vực Mê Kông, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,79OC, lượng mưa trung bình năm tăng 200 mm (15,3%), chủ yếu vào mùa mưa. Lượng mưa mùa khô tăng ở phía Bắc lưu vực và giảm ở phía Nam lưu vực (bao gồm hầu hết hạ lưu vực Mê Kông). Tổng lượng dòng chảy năm tăng 21%. Lũ tăng trên tất cả các vùng trong lưu vực, đặc biệt gây tác động lớn đến phía hạ lưu dòng chính Mê Kông. Sự thay đổi dòng chảy do việc xây dựng các hồ thủy điện và biến đổi khí hậu về cơ bản không làm thay đổi tổng lưu lượng dòng chảy trên sông Mê Kông, nhưng có thể gia tăng lũ lụt về mùa mưa và khô hạn về mùa khô đối với các nước hạ lưu như Việt Nam và Campuchia. Đối với Việt Nam, các tác động tiêu cực trên còn sẽ cộng hưởng với sự dâng cao mực nước biển dẫn đến gia tăng nhiễm mặn vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa.

b) Tác động tới dòng phù sa khu vực hạ lưu: Theo các tính toán của [2, 4] lượng phù sa của sông Mê Kông chuyển tới vùng đồng bằng hạ lưu Việt Nam và Campuchia hàng năm vào khoảng 160 triệu tấn/năm. Hiện nay, lượng phù sa trong nước sông Mê Kông chảy từ thượng nguồn về Lào đã giảm 50% so với trước đây. Sau khi hoàn thành 12 hồ thủy điện trên dòng chính thuộc các và các nhà máy thủy điện trên các phụ lưu thì lượng phù sa sông Mê Kông đến đồng bằng hạ lưu Campuchia và Việt Nam sẽ suy giảm đáng kể, thậm chí còn lại chỉ là 5% mức trước năm 1995. Sự thiếu hụt phù sa ảnh hưởng rất lớn tới dinh dưỡng cho môi trường nước và đất của các đồng bằng hạ lưu; Đồng thời là nguyên nhân thiếu hụt trầm tích kèm theo sạt lở bờ sông khu vực đồng bằng hạ lưu.

c) Tác động tới đa dạng sinh học lưu vực sông Mê Kông: Việc xây dựng các hồ trên dòng chảy chính của sông Mê Kông làm mất đi nhiều khu rừng vốn là nơi dự trữ đa dạng sinh học của lưu vực; Đặc biệt là các loài sinh vật nước, đáng chú ý là các loài cá nước ngọt có giá trị lớn vì các đập đã ngăn cách khu vực sinh sản với khu vực sinh trưởng của các loài cá nước ngọt có giá trị lớn. Do thiếu hụt dinh dưỡng và thay đổi chế độ thủy văn, nhiều loài sinh vật nước ở các đồng bằng hạ lưu thuộc Campuchia và Việt Nam có thể giảm khả năng sinh tồn, thậm chí diệt vong.

d) Tác động tới các ngành kinh tế: Việc xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông có thể tạo ra lợi ích cho một số ngành kinh tế sản xuất và tiêu thụ năng lượng điện; Nhưng có rất nhiều ngành kinh tế chịu tác động tiêu cực bởi sự phát triển của các dự án trên. Trong số đó đáng chú ý là các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: Trồng trọt, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Hạ tầng kỹ thuật giao thông và xây dựng khu vực xây dựng các dự án thủy điện thuộc Lào, Thái Lan và Myanmar có thể hưởng lợi; Nhưng ở các đồng bằng hạ lưu lại chịu ảnh hưởng tiêu cực.

e) Tác động tới môi trường xã hội: Tác động tiêu cực của các dự án xây dựng thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông đã được phân tích kỹ trong các báo cáo [2, 3, 4]. Trong đó, bao gồm: Tác động di dân do xây dựng dự án ở phần trung lưu thuộc Lào và Thái Lan, đồng thời với di dân do thay đổi môi trường nước và đất khu vực hạ lưu thuộc Campuchia và Việt Nam. Sự phân chia không đều lợi ích và thiệt hại giữa những người được hưởng lợi từ nguồn năng lượng của các dự án và những người hiện đang hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên tự nhiên của dòng sông. Sự khác biệt về lợi ích của các quốc gia trong việc xây dựng các dự án trên dòng chính sông Mê Kông có thể càng làm cho các mâu thuẫn của các quốc gia lưu vực vốn đang tiềm tàng có thể ngày càng mạnh mẽ hơn. Bảng 4 và 5 trình bày kết quả phân tích chi phí lợi ích của các quốc gia trong việc xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được các tác giả [2] nêu lên với 2 kịch bản xây dựng 6 đập và 11 đập.

Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực - Ảnh 6
Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực - Ảnh 7

XUNG ĐỘT MÔI TRƯỜNG VÀ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ XUNG ĐỘT PHÁT SINH BỞI VIỆC XÂY DỰNG CÁC NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN TRÊN DÒNG CHÍNH SÔNG MÊ KÔNG

Các tác động tiềm ẩn của việc xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông được đề cập ở trên đang và sẽ trở thành nguy cơ xung đột môi trường giữa các nhóm lợi ích xã hội và các quốc gia trong khu vực. Phân tích các vấn đề trên có thể thấy các vấn đề môi trường có thể phát sinh xung đột liên quan có thể bao gồm: xung đột về nguồn nước, xung đột trong vận hành các nhà máy điện và hồ chứa nước, xung đột trong kiểm soát ô nhiễm nước, xung đột trong việc phát triển giao thông đường thủy, xung đột trong suy thoái đa dạng sinh học, xung đột trong việc phân phối lợi ích và thiệt hại về kinh tế, xung đột trong vấn đề di dân và tái định cư. Nếu chia các quốc gia lưu vực sông Mê Kông thành 3 nhóm lớn: Nhóm 1 là Trung Quốc; Nhóm 2 gồm Lào, Thái Lan và Myanmar; Nhóm 3 gồm Việt Nam và Campuchia thì các dạng xung đột môi trường chủ yếu giữa ba nhóm quốc gia này có thể biểu diễn trên Hình 4.

Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực - Ảnh 8

Hình 4. Sơ đồ dự báo nguy cơ xung đột môi trường do việc xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông

Các vấn đề môi trường và tài nguyên của lưu vực sông Mê Kông có tầm quan trọng quốc tế, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - môi trường - xã hội - văn hóa. Do đó, các giải pháp quản lý môi trường và tài nguyên cần được xây dựng trên các cơ sở luật pháp quốc tế và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Trong đó, sự đồng thuận trong quan điểm và chia sẻ lợi ích về bảo tồn và phát triển giữa các quốc gia trong giới hạn lưu vực có vai trò quan trọng nhất trong việc quản lý xung đột môi trường. Điều này đòi hỏi lãnh đạo các quốc gia quan tâm hơn đến các nguy cơ xung đột môi trường có thể phát sinh ngay từ bây giờ trong các hội nghị, hội thảo và các chuyến thăm viếng nhau hàng năm. 

Sự hình thành Ủy hội sông Mê Kông gồm 4 quốc gia thành viên Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và hai quốc gia đối tác là Myanmar và Trung Quốc là bước đi quan trọng. Bên cạnh việc cần thiết có sự tham gia của hai nước đối tác, cũng như sự chia sẻ đầy đủ quan điểm khách quan, thông tin, trách nhiệm, lợi ích nhiều mặt trong xây dựng sự ổn định và bền vững tiểu vùng sông Mê Kông cần được thúc đẩy mạnh hơn. Việc hoàn thiện báo cáo đánh giá chiến lược môi trường các dự án trên dòng chính sông Mê Kông và tham vấn các quốc gia trong lưu vực về báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án cần được các quốc gia thành viên tham gia tích cực và trách nhiệm.

Các đóng góp quốc tế về quan điểm và nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển lưu vực sông Mê Kông, nhất là đóng góp về nguồn lực tài chính cho hoạt động nhày càng hiệu quả hơn của Ủy hội sông Mê Kông. Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê Kông (LMI) do Hoa Kỳ khởi xướng năm 2009 nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác tại tiểu vùng sông Mê Kông này. Sáng kiến này là chương trình hợp tác bao gồm 6 nội dung chính: Nông nghiệp và An ninh Lương thực, Kết nối, Giáo dục, An ninh Năng lượng, Môi trường, Nước, Y tế và các vấn đề khác bao trùm. LMI được xây dựng thành một diễn đàn để các đối tác tham gia LMI có thể cùng nhau đưa ra các giải pháp chung cho các thách thức phát triển xuyên biên giới bức thiết nhất. Các nước thuộc tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông có nhiều mối quan tâm chung, bao gồm các vấn đề như quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới, các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và cúm đại dịch, và nguy cơ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Mục tiêu của LMI là hỗ trợ xây dựng một hiểu biết chung trong khu vực về các vấn đề này và thúc đẩy các giải pháp hiệu quả có sự phối hợp giữa các quốc gia.

Ngày càng cần có tiếng nói của các quốc gia lớn về các vấn đề quản lý môi trường và tài nguyên của lưu vực sông có tầm quan trọng quốc tế như sông Mê Kông. Việt Nam là quốc gia có lẽ chịu thiệt hại lớn nhất trong việc xây dựng các dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông cần nhiều quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà khoa học và mọi tầng lớp dân cư đến việc phát triển và bảo tồn tài nguyên môi trường lưu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Đức Nam (2016); Đồng bằng sông Cửu Long nỗi lo còn đó; Tuyển tập báo cáo 55 năm Viện Quy hoạch Thủy lợi 1961-2016, tr. 88-112.
  2. Apisom Intralawan, David Wood and Richard Frankel (2015); Báo cáo nghiên cứu tác động của việc phát triển thủy điện đến kinh tế, môi trường và xã hội ở hạ lưu sông Mê Kông; Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Đại học Mae Fah Luang, Chieng Rai, Thái Lan xuất bản.
  3. Lưu Đức Hải (2009); Các nguy cơ về môi trường và bảo tồn tài nguyên từ việc xây dựng các dự án thuỷ điện trên sông Mê Kông; Tuyển tập Hội thảo "Bảo tồn và phát triển trong bối cảnh xã hội" do Trung tâm CREST, ĐHQGHN tổ chức tại Tuần Châu, tr. 117-124.
  4. Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường (2010); Đánh giá môi trường chiến lược của thủy điện dòng chính sông Mê Kông 

SUMMARY

CONSTRUCTION OF HYDROPOWER PLANTS ON MAIN STREAM OF THE MEKONG RIVER AND ENVIRONMENTAL CONFLIC MANAGEMENT ISSUES

Luu Duc Hai, Phạm Thị Mai

Vietnam Association for Environmental Economics

ABSTRACT: The article presents an overview of the current development status of hydropower projects and reservoirs on the mainstream of the Mekong River, especially 11 hydropower projects on the Mekong mainstream downstream (in Laos and Cambodia). potential environmental impacts and risks of environmental conflict in the implementation of the above projects. On the basis of the above assessments and forecasts, the authors initially raised solutions to manage environmental conflicts arising from the implementation of hydropower projects on the Mekong mainstream downstream.

Keywords: Hydropower, Mekong mainstream, environmental impact, environmental conflict.

Corresponding author: Lưu Đức Hải,

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm biên tập và sửa chữa bài viết: PGS.TS Lưu Đức Hải

Lưu Đức Hải - Phạm Thị Mai

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng các NMTĐ trên dòng chính sông Mê Kông và vấn đề quản lý xung đột môi trường khu vực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới