Thứ sáu, 29/03/2024 04:39 (GMT+7)
Thứ ba, 12/07/2022 06:18 (GMT+7)

Xăng giảm, giá các mặt hàng tiêu dùng có giảm theo?

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, giá xăng giảm, nhưng chưa chắc giá cả tiêu dùng trên thị trường đã giảm ở mức tương ứng. Nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn có thế sẽ neo ở mức cao.

Bắt đầu từ ngày 11/7 sẽ chính thức áp dụng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế. Điều này được kỳ vọng giảm được phần nào giá xăng dầu đang ở mức cao như hiện nay, góp phần gỡ khó cho các doanh nghiệp và người dân.

Theo các chuyên gia, dù giá xăng giảm sâu xuống dưới 30.000 đồng/lít cũng ít có khả năng các mặt hàng giảm giá theo bởi nhiều lý do, bởi tăng hay giảm giá là do cung cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng, một nghịch lý đang tồn tại là giá xăng tăng thì hàng hóa thi nhau tăng theo giá xăng. Nhưng khi giá xăng đã giảm thì hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là giá cước vận tải, taxi chưa có biến động lớn. Điều này là vô lý bởi ngành năng lượng tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và giá cả hàng hóa dịch vụ nói riêng.

Giảm giá xăng dầu, lĩnh vực đầu tiên tác động là vận tải, taxi. Thế nhưng, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lại cho rằng, đợt giảm giá xăng lần này sẽ không tác động đến giá cả của hoạt động vận tải trên địa bàn. Bởi cước taxi tuyến cố định liên tỉnh mặc dù giá xăng biến động tăng giảm hơn chục lần từ năm ngoái đến nay, nhưng gần như các hãng vận tải của Hà Nội không tăng giá. Lý do là vì việc tăng giá rất khó khăn, phải làm nhiều thủ tục.

Xăng giảm, giá các mặt hàng tiêu dùng có giảm theo? - Ảnh 1
Theo các chuyên gia, dù giá xăng giảm sâu xuống dưới 30.000 đồng/lít cũng ít có khả năng các mặt hàng giảm giá theo. (Ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù giá xăng đã 7 lần giảm liên tục, nhưng hiện nay, xăng dầu cũng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính chỉ số CPI. Chính vì thế, xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hóa trên thị trường dù trên thực tế, việc xăng dầu giảm giá sẽ tác động đến dịch vụ hàng hóa, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO. Thêm vào đó, việc giá hàng hóa không giảm khi xăng, dầu xuống giá là do giá hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều đã vận hành theo cơ chế thị trường, nên việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống. Ngoài ra, cũng cần tính đến việc các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với việc giải quyết lượng hàng tồn kho đang ở mức khá cao, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng giá không giảm… Đây chính là các yếu tố khiến doanh nghiệp buộc phải cân nhắc trước khi giảm giá bán lẻ.

Theo chia sẻ của chuyên gia Vũ Vinh Phú, cùng với giá thế giới giảm, việc điều hành giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu trong nước thể hiện sự nỗ lực lớn từ Chính phủ. Tuy vậy, những diễn biến về nguồn cung xăng dầu, xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng... Giá dầu thế giới rất khó dự báo, có thể giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào thời gian tới. Do vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục tính toán, cân nhắc và đề xuất các giải pháp để giảm thuế trên xăng dầu, từ đó giảm giá xăng dầu. Ngoài ra, "giá xăng giảm, nhưng chưa chắc giá cả tiêu dùng trên thị trường đã giảm ở mức tương ứng. Nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn có thế sẽ neo ở mức cao", ông Vũ Vinh Phú nhận định.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành kinh tế nên việc giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới giá nhiều mặt hàng khác, tạo áp lực lớn lên lạm phát. Và khi lạm phát xảy ra, toàn bộ giai tầng trong xã hội chịu ảnh hưởng, nhưng người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nhất do thu nhập thấp lại không có tài sản tích lũy.

“Bất kể giàu hay nghèo đều phải tiêu dùng nhưng tỉ lệ tiêu dùng so với thu nhập của người nghèo bao giờ cũng chiếm tỉ trọng lớn hơn so với người giàu. Nên khi giá cả tăng cao, lạm phát tăng cao thì người nghèo luôn chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Kinh nghiệm quốc tế đã đúc kết lạm phát là một loại "thuế" dã man nhất đánh vào mọi người, đặc biệt là người nghèo”, ông Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.

Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.

“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Long nhấn mạnh.

Do đó, theo PGS.TS Ngô Trí Long, đây là giai đoạn hết sức quan trọng, giai đoạn kinh tế tiếp tục phục hồi. Thế nên, điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý phải sát thực tế, linh hoạt, tập trung nhất quán vào mục tiêu làm sao để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người dân có thu nhập tốt. Vì chỉ có thu nhập tốt, hàng hóa rẻ người dân mới chi tiêu, từ đó mới có thể kích cầu tiêu dùng, từ kích cầu chuyển sang kích cung, đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng.

Theo quyết định của liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ 0h ngày 11/7, giá xăng dầu đồng loạt giảm mạnh. Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 3.088 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.670 đồng/lít.

Giá dầu Diesel 0,05s-II giảm 400 đồng/lít, xuống mức 29.610 đồng/lít; dầu hỏa giảm 430 đồng, xuống mức 28.350 đồng/lít.

Như vậy, đây là lần giảm thứ 2 sau bảy lần tăng liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của giá xăng, dầu. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 18 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Hiện, giá xăng trong nước đã xuống dưới mức 30.000 đồng/lít, gần bằng mức giá vào giữa tháng 4.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Xăng giảm, giá các mặt hàng tiêu dùng có giảm theo?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.