Xăng dầu trả thuế cho môi trường bao nhiêu thì phù hợp?
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu liên Bộ Tài chính- Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Đây có phải là giải pháp vừa đảm bảo được chính sách tài khoá, vừa đảm bảo được vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu.
Ngày 22/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước cho biết, Bộ đã giao Vụ Chính sách thuế và Tổng Cục thuế chuẩn bị, nghiên cứu, xây dựng phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, để kịp thời báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần phải xem xét, đánh giá kỹ tác động của vấn đề này. Bởi trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có chính sách giảm thuế tới 64 nghìn tỷ đồng.
“Chính vì vậy, bây giờ phải tính toán xem mức giảm như thế nào để vừa đảm bảo được chính sách tài khoá, vừa đảm bảo được vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu, cùng với đó là giải pháp chống buôn lậu… Khi giá của chúng ta giảm xuống, thì giá của một số nước xung quanh như Trung Quốc, Lào, Campuchia vẫn cao. Vậy cần phải có giải pháp để chống được buôn lậu, để hàng hoá của chúng ta không “chạy” sang bên kia”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải.
Bộ Tài chính cho biết hiện nay, xăng đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với xăng nhập khẩu. Còn mặt hàng dầu chịu thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu.
Cụ thể, thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng là 20%, với các sản phẩm dầu gồm diesel, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 7%. Thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (thuế suất FTA) với xăng là 8-8,8%, với các mặt hàng dầu diesel, mazut, dầu hỏa và nhiên liệu bay là 0-7%.
Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu từ các nước ASEAN, Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu 8% với xăng và 0% với dầu. Từ khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động, hai nhà máy này đã cung cấp chủ yếu xăng dầu cho thị trường trong nước. Do đó, lượng xăng dầu nhập khẩu giảm đáng kể và hiện chiếm tỉ trọng thấp trong nhu cầu tiêu dùng xăng dầu cả nước.
Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành với xăng là 10%, xăng sinh học E5 8% và xăng E10 7%. Thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng xăng dầu đều có chung mức áp dụng là 10%.
Riêng thuế bảo vệ môi trường, xăng RON95 đang chịu mức thu cao nhất là 4.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít.
Theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường chịu các khoản thuế: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với mức khoảng 9.000 đồng. Xăng RON92, diesel thì có số tiền thuế khoảng 7.000-8.000 đồng/lít tùy theo sản phẩm.
Để bình ổn giá xăng dầu trong nước, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tỷ lệ thuế, phí chiếm khoảng 42 – 43% giá mỗi lít xăng ở trong nước, còn dầu là 21- 27%. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng RON 95 hiện là 4.000 đồng một lít, E5 RON 92 là 3.800 đồng một lít, còn dầu diesel là 2.000 đồng mỗi lít.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường, mỗi lít xăng hiện "cõng" các loại thuế khác, như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Nguyễn Linh (T/h)