Thứ sáu, 22/11/2024 16:10 (GMT+7)
Thứ năm, 24/03/2022 15:00 (GMT+7)

Xăng dầu liệu có “hạ nhiệt” sau khi giảm thuế bảo vệ môi trường?

Theo dõi KTMT trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12. Với việc thông qua nghị quyết này, nhiều chuyên gia nhận định, giá xăng dầu trong nước thời gian tới sẽ giảm.

Giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12.

Theo đó, từ 1/4 thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm 2.000 đồng/lít (từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít); thuế bảo vệ môi trường đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít (từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít).

Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít.

Xăng dầu liệu có “hạ nhiệt” sau khi giảm thuế bảo vệ môi trường? - Ảnh 1
Từ ngày 1/4, giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường.

Theo Liên bộ Công Thương – Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3 và kỳ điều hành ngày 21/3 là 121.912 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 125.842 USD/thùng xăng RON95; 120.408 USD/thùng dầu hỏa; 122.338 USD/thùng dầu diesel…

Mong ngóng "hạ nhiệt" giá xăng

Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty vận tải Cường Thắng, cho hay thuế giảm 2.000 cùng với các chính sách điều hành giá của cơ quan chức năng, giá xăng thời gian tới có thể giảm khoảng hơn 2.000 đồng, tương đương khoảng 7%. Giá xăng là yếu tố chiếm từ 40-45% trong cấu thành giá vận tải. Việc giảm giá xăng sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực về tài chính.

"Không chỉ Cường Thắng mà nhiều doanh nghiệp vận tải thời gian qua không dám tăng cước, nhất là với mối khách quen để giữ khách hàng. Nhiều chuyến hàng xác định không có lãi, thậm chí lỗ nhẹ, nhưng vẫn phải chạy. Giá xăng giảm tạm thời có thể giúp doanh nghiệp có thêm lợi nhuận," bà Hạnh nói.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu thương hiệu vận tải Sao Việt, áp lực giá xăng dầu tăng liên tục từ cuối năm ngoái và chưa có điểm dừng đang khiến doanh nghiệp của ông “không thở nổi”. Với ngành vận tải, xăng dầu bình quân chiếm khoảng 35 - 40% tổng chi phí đầu vào nên việc giá dầu tăng chưa có điểm dừng từ cuối năm ngoái khiến doanh nghiệp lỗ nặng. Trong khi việc tăng giá cước dù được tính đến cũng chưa thể thực hiện được do lượng khách ít ỏi.

“Xe nằm đắp chiếu suốt thời gian dài vì dịch bệnh, nay vừa nhúc nhắc hoạt động lại thì giá xăng dầu liên tục tăng cao. Trong khi khách thì ngày có ngày không, chủ yếu chạy cầm chừng để giữ tuyến. Nếu không giảm giá xăng dầu, doanh nghiệp khó cầm cự được lâu. Chúng tôi biết rằng quyết định giảm thuế môi trường là tích cực, trong thời điểm hiện tại việc này tháo gỡ được một phần khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức giảm như hiện tại sẽ không phát huy được nhiều tác dụng khi mà giá xăng dầu thế giới vẫn đang rất căng thẳng và khó lường. Do đó, để hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, người dân thì nên tạm dừng thu thuế bảo vệ môi trường, khi doanh nghiệp khỏe lại rồi tính tiếp", ông Bằng nói.

Cũng nhận định trước tình hình này, ông Bùi Danh Liên, chuyên gia lĩnh vực vận tải, cho hay chi phí các hãng xe phải chịu là rất lớn, từ giá xăng tăng, bến bãi, cầu đường... Nay thuế bảo vệ môi trường giảm sẽ là tin vui với các đơn vị, phần nào giúp họ giảm được áp lực trong vận hành.

Dù vậy, ông Liên cũng cho rằng giá cước vận tải sẽ chưa thể điều chỉnh theo mức giảm giá xăng dự kiến ở kỳ điều hành tới. Vì trong xu thế, giá xăng dầu vẫn sẽ neo cao do những căng thẳng xung đột Nga-Ukraine, giá dầu thế giới vẫn ở mức cao.

Sẽ giảm trong kỳ điều hành tới?

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 2.000 đồng/lít xăng và 1.000 đồng/lít dầu thực hiện từ 1/4 tới đây sẽ giúp cho giá xăng trong kỳ điều hành lần tới của liên Bộ Công Thương-Tài chính giảm mạnh.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong suốt thời gian qua, liên Bộ đã thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá cho các mặt hàng xăng dầu ở mức từ 200-1.500 đồng/lít. Đến nay, số dư Quỹ bình ổn đã gần hết, tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm. Do vậy, kỳ điều hành vừa qua, liên Bộ ngừng chi quỹ này đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, phải thực hiện trích lập quỹ từ 200-500 đồng/lít.

Như vậy, ở kỳ điều hành lần tới, việc sử dụng Quỹ bình ổn sẽ không còn nhiều tác động để giảm giá xăng. Lúc này, mức giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được thông qua sẽ phát huy hiệu quả.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết quỹ bình ổn đang âm do đó, không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu, mà chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá.

Trong cơ cấu giá xăng dầu cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng, nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.

Cho ý kiến tại phiên phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/3, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường để điều tiết giá xăng dầu là biện pháp chính sách phù hợp.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đa số các quốc gia thực hiện giảm thuế thông qua chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (với vai trò là thuế gián thu để hạn chế tiêu dùng, được sử dụng như công cụ điều tiết tiêu dùng và qua đó là cả sản xuất).

Ông Cường cũng cho biết, nhiều ý kiến đánh giá, thuế nhập khẩu cũng là một công cụ chính sách phù hợp, có thể được sử dụng để linh hoạt điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách phân tích, việc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu cụ thể trong phạm vi khung thuế suất và mức cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, như vậy sẽ bảo đảm tối đa tính kịp thời và linh hoạt.

Theo ông Cường, thuế suất nhập khẩu trong cam kết với WTO hiện là 20% (đối với xăng), Việt Nam được phép điều chỉnh tăng, giảm trong phạm vi này, đảm bảo không vượt quá mức cam kết 20%.

Từ đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc khả năng điều hành giảm thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng như một biện pháp bổ sung để can thiệp trong trường hợp giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục có biến động.

Theo TS Vũ Đình Ánh, để tránh dư luận "xăng tăng phi mã, giảm nhỏ giọt" mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng, các cơ quan điều hành giá nên làm rõ và minh bạch cách tính giá xăng dầu. Bất kỳ người dân, lãnh đạo doanh nghiệp nào còn thắc mắc về điều chỉnh giá xăng dầu có thể tra cứu và nắm được.

“Xăng dầu đang là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp. Việc điều hành giá xăng dầu đã có quy định, nhưng tôi cho rằng nên công khai cụ thể cách tính để người dân nắm được vì sao có con số giảm 630 – 650 đồng cho mỗi lít xăng?”, ông Ánh nói.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Xăng dầu liệu có “hạ nhiệt” sau khi giảm thuế bảo vệ môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới