Xăng dầu không đủ nguồn cung do giá tăng phi mã
Các thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng xăng dầu hiện vẫn khó nhập hàng và chiết khấu về lại 0 đồng khiến họ bán ra nhỏ giọt hoặc ngưng bán.
Sau bốn ngày tăng giá xăng, dầu thêm gần 1.000 đồng mỗi lít, đưa giá bán lẻ xăng lên mức cao nhất 8 năm, hiện tượng cây xăng thiếu hàng, ngưng bán lại tái diễn ở Hà Nội, An Giang, Đồng Tháp, TP HCM...
Tại An Giang, ghi nhận một số cây xăng bán "nhỏ giọt" cho khách từ 10.000 – 30.000 đồng mỗi lần. Người dân di chuyển xa phải mua thêm xăng tại một cửa hàng khác mới đủ nhiên liệu sử dụng. Cục quản lý thị trường An Giang ghi nhận hôm nay có 9 cây xăng đóng cửa, hoặc ngừng bán xăng, giảm 47 cửa hàng so với trước.
"Cục quản lý thị trường đã kiểm tra các cửa hàng này phần lớn hết hàng thật", ông Huỳnh Ngọc Hồ, Cục trưởng Cục quản lý thị trường An Giang nói.
Việc thiếu nguồn xăng dầu cũng diễn ra tại TP HCM, Bình Dương. Ông Hoàng, chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở TP HCM cho biết, sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu, tình trạng khan hàng vẫn tiếp diễn. Lượng hàng về cửa hàng hiện nhỏ giọt hơn so với trước đó.
Tương tự, ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng, một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu với 8 cửa hàng bán lẻ tại Bình Dương cho hay, doanh nghiệp này đang trong tình cảnh "lúc thiếu xăng, lúc thiếu dầu".
"Nguồn cung ít, nhất là mặt hàng dầu. Sản lượng dầu nhập về giảm 40-50% so với trước điều chỉnh", ông Hán nói.
Theo ông, nguồn cung thiếu hụt nhưng để đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng ông vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Nếu thiếu xăng sẽ treo biển báo "hết xăng, chỉ bán dầu" và ngược lại.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc Công ty Xăng dầu Tự Lực cũng cho hay, hai hôm nay, nhập hàng từ các đầu mối rất khó. Một ngày sau đợt điều chỉnh, mức chiết khấu dương trở lại, khoảng 200 đồng một lít, kg tuỳ loại, sau đó giảm còn 50 đồng và ngày 15/2 là về 0 đồng. Hàng từ các doanh nghiệp đầu mối cũng cấp nhỏ giọt.
Trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp sở hữu 20 cây xăng ở Hà Nội than thở: "Tình trạng cung ứng nguồn xăng dầu lặp lại như cách đây một, hai tuần trước", ông nói.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý khi các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất. Nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho DN.
Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để ổn định thị trường xăng dầu.
“Việc giảm thuế để giảm giá mặt hàng xăng dầu là giải pháp dài hạn, cần thời gian để xem xét, đề xuất Quốc hội thông qua. Trước mắt, các doanh nghiệp cần lực hỗ trợ nhanh và mạnh, nên có thể hãm đà tăng giá nhiên liệu bằng việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoặc tăng cường các gói hỗ trợ tài chính khác để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn”, ông Thịnh đề xuất.
Sáng 15/2, doanh nghiệp này nhập được 2 xe bồn, khoảng 30 m3 xăng từ một đầu mối, sau đó nhận được thông báo "tới cuối tuần mới có thể cấp hàng lại". Lấy hàng khó khăn nên các cửa hàng thuộc hệ thống của ông "bán cầm chừng, khi nào hết thì đành chịu".
Tại cuộc họp chiều 9/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói, sẽ truy tới cùng với những hành vi găm hàng trục lợi. Các cơ sở kinh doanh nếu bị phát hiện sai phạm có thể bị đình chỉ, tạm đình chỉ, hoặc rút giấy phép.
Họp với các ban ngành liên quan và đại diện các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sáng 8/2, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng cho biết, một số doanh nghiệp chủ lực cam kết đảm bảo nguồn cung ứng xăng liên tục trong 40-60 ngày tới.
Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu không để thiếu xăng dầu trong mọi hoàn cảnh. Do đây là mặt hàng chiến lược quan trọng, tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, nên phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ. "Bộ cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống. Kế hoạch cân đối giữa sản xuất, nhập khẩu cần chi tiết, chính xác hơn ", Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương.
Nguyễn Linh (T/h)