Xả thải 'bức tử' nguồn nước – Phạt hành chính liệu đã đủ sức răn đe?
Bất chấp pháp luật, thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp ngang nhiên xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Mới đây Công ty Cổ Phần chế biến nông sản BHL Sơn La vừa bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an xử phạt hơn 1,2 tỉ đồng vì liên quan đến vi phạm môi trường về hành vi lắp đặt hệ thống ống ngầm xả thải vượt quy chuẩn, chưa qua xử lý ra môi trường.
Cụ thể, Công ty Cổ Phần chế biến nông sản BHL Sơn La bị phạt hơn 1,1 tỉ đồng về hành vi xả nước thải chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải (nước thải có các thông số: COD, TSS, nitơ, coliform, photpho… vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép); 140 triệu đồng về hành vi lắp đặt hệ thống đường ống, máy bơm để xả nước thải không qua xử lý ra môi trường và tạm đình chỉ 3 tháng hoạt động cũng cho hành vi này. Tổng mức hình phạt hơn 1,2 tỉ đồng.
Trước đó, đầu tháng 12/2020, doanh nghiệp trên bị bắt quả tang đào cống ngầm xả nước thải chưa qua xử lý xuống hang ngầm trong lòng đất.
Hồi tháng 3/2018, người dân bản Mai Châu, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn đã từng phản ánh về việc công ty xả thải gây ô nhiễm môi trường khiến nhiều gia đình phải di chuyển đến nơi ở mới để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt. Công ty Cổ Phần Chế biến nông sản BHL Sơn La sử dụng máy bơm tõm loại 6 kg đấu nối với đường ống mềm phi 150, dẫn đến họng ống cứng phi 200. Từ họng này đấu nối ngầm xuống lòng đất, để xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Công ty Cổ Phần Chế biến nông sản BHL Sơn La, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Mai Sơn, xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, hiện đang triển khai Dự án “Đầu tư nâng công suất sản xuất tinh bột sắn từ 200 tấn sản phẩm/24h lên 300 tấn sản phẩm/24h”.
Loại hình sản xuất là chế biến tinh bột sắn từ củ sắn tươi. Quy mô, công suất là 300 tấn tinh bột sắn/24h; sản phẩm phụ là bã sắn sấy khô 50 tấn/24h; phân bón từ vỏ lụa.
Tháng 9/2020 Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp ở Sóc Trăng cũng bị xử phạt với số tiền 1,3 tỉ đồng vì xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, gây ô nhiễm môi trường, lượng xả thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong KCN An Nghiệp tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng tăng cao, doanh nghiệp có mức xả thải tăng ít nhất là 36% và cao nhất gần 100%. Vì vậy, lượng nước thải tiếp nhận về nhà máy xử lý nước thải tập trung tăng lên đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải và chất lượng nước thải sau xử lý thải ra môi trường chưa đạt quy chuẩn, do đó gây ra tình trạng ô nhiễm. Do nằm trong khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm đã gây ra mùi hôi thối khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Hành vi của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp vi phạm vào Điều 13, Nghị định 155/NĐ/2016 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trước đó, Công ty cổ phần Mía đường La Ngà bị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt hơn 4 tỉ đồng và đình chỉ hoạt động 9 tháng. Doanh nghiệp này đã vi phạm về thải khí thải vượt quy chuẩn và xả nước thải không phép ra môi trường việc thải bụi, khí thải vượt chuẩn và xả nước thải vào nguồn nước mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày, đêm trở lên.
Ý thức của mỗi người là nhân tố quan trọng trong quá trình bảo vệ môi trường – bảo về môi trường sống chung của tất cả mọi người. Nhưng hiện nay, chính con người lại là nhân tố chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nhiều khu doanh nghiệp đã được hình thành và gây nên nhiều tác động xấu đối với môi trường.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp cá nhân hoặc tổ chức đã trực tiếp xả rác, chất thải chưa qua xử lý vào môi trường góp phần tăng thêm tình trạng ô nhiễm. Hành vi này được xác định là hành vi vi phạm pháp luật, phá hủy môi trường.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, trách nhiệm bảo vệ môi trường là của mọi cá nhân, tổ chức và cần có sự chung tay của cả cộng đồng. "Việc có nhiều doanh nghiệp bị phạt tiền mới mức độ cao một mặt cho thấy các cơ quan đã kiên quyết hơn đối với hành vi vi phạm môi trường. Tuy nhiên, mặt khác cho thấy nhiều doanh nghiệp đang coi thường việc bảo vệ môi trường, sẵn sàng vì lợi ích mà đầu độc môi trường sống của người dân", Luật sư Huy An nói.
Vị này cho rằng, đối với các doanh nghiệp lớn, có mức độ vi phạm lớn, việc phạt hành chính nhiều khi không đủ sức răn đe.
Luật sư Huy An nhấn mạnh: "Tôi nhớ trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, có ĐBQH chất vấn rằng trong năm 2020 phát hiện 25.256 vụ vi phạm pháp luật về môi trường với 3.093 tổ chức vi phạm. Trong đó có nhiều vụ việc rất nghiêm trọng, tuy nhiên, vẫn chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất kỳ pháp nhân vi phạm nào. Vị này đặt câu hỏi nguyên nhân không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vi phạm là gì? Tôi cho rằng đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại. Đối với những trường hợp vi phạm ở mức độ nặng, nhiều lần, cần phải xem xét khởi tố để điều tra".
Cũng về vấn đề này, trả lời báo Nhân Dân, ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường, cho rằng: "Tình trạng xả thải gây ô nhiêm môi trường liên tục tái diễn có nhiều lý do, trong đó phải kể đến các nguyên nhân mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe và nhận thức của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn hạn chế. Không ít doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà phớt lờ tất cả".
Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) dẫn chứng, tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, nghiêm cấm các hành vi có thể gây nguy hại gồm cả chất thải rắn, lỏng, khí vào môi trường và làm ảnh hưởng tới môi trường.
Cụ thể:
- Thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí.
- Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật.
- Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Việc xả thải trái phép và gây hậu quả nguy hại tới môi trường, tùy vào mức độ, tính chất sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại khoản 5 Điều 235 Bộ luật Hình sự hiện nay, pháp nhân thương mại nếu có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà bị phạt tiền, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Phạt tiền: Từ 03 - 20 tỉ đồng;
- Tạm đình chỉ: Từ 06 tháng - 03 năm;
- Đình chỉ vĩnh viễn: Khi việc xả rác thải gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi tường hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Thanh Thúy