WB tài trợ hơn 126 triệu USD cho Vĩnh Long ứng phó với biến đổi khí hậu
Dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng BĐKH sẽ hỗ trợ xây dựng 3 tuyến đường huyết mạch giúp cải thiện khả năng kết nối nội đô và nâng cao hơn nữa năng lực chống ngập của thành phố.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký hiệp định tài trợ trị giá 126,9 triệu USD giúp nâng cao khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, tăng cường tính kết nối và giảm rủi ro ngập lụt ở vùng lõi đô thị của thành phố Vĩnh Long.
Theo đó, gần một nửa kinh phí của dự án sẽ được sử dụng để thực hiện các giải pháp giảm thiểu rủi ro ngập lụt, bao gồm xây dựng kè và cống ngăn triều, cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh thoát nước cũng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh để giữ nước mưa.
Dự án cũng sẽ hỗ trợ xây dựng 3 tuyến đường huyết mạch giúp cải thiện khả năng kết nối nội đô và nâng cao hơn nữa năng lực chống ngập của thành phố. Bên cạnh đó, góp phần tăng cường công tác quản lý và quy hoạch đô thị thông qua đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin. Các hợp phần chính bao gồm một hệ thống thông tin quản lý tổng hợp rủi ro ngập lụt, một nền tảng chia sẻ dữ liệu không gian địa lý, các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, và hệ thống quản lý giao thông thông minh.
Được biết, khoản tín dụng ưu đãi trị giá 126,9 triệu USD do Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới cung cấp. Quỹ Đầu tư Phát triển Cơ sở Hạ tầng (DRIVE), do Bộ Ngoại giao Hà Lan quản lý, tham gia đồng tài trợ 19,5 triệu USD.
Thành phố Vĩnh Long, với vị trí chiến lược nằm dọc hành lang kinh tế nối TP.HCM với ĐBSCL, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm kinh doanh nông nghiệp, thương mại và du lịch của vùng. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt và vệ sinh môi trường kém là những trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển của thành phố. Nằm ở khu vực trũng thấp ven sông Tiền, khoảng 60% diện tích của thành phố có nguy cơ bị ngập lụt.
Do đó, dự án Phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vĩnh Long, với tổng kinh phí 202,2 triệu USD sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn về cơ sở hạ tầng trong khu vực lõi đô thị thông qua việc xây dựng các hệ thống kiểm soát ngập úng, thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, và xây dựng những tuyến đường trọng điểm.
Ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long nhận định rằng, biến đổi khí hậu đã gây hậu quả với ngày càng nhiều loại hình thiên tai cực đoan xuất hiện hơn cho địa phương này, điển hình là mưa lớn, giông, lốc xoáy, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn và triều cường.
Theo đó, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nhanh hơn liên tiếp các tháng mùa khô năm 2009, 2010, 2011, 2016 và 2019, độ mặn cao nhất trên các sông lớn của địa bàn. Hai huyện Vũng Liêm và Trà Ôn đều xấp xỉ 5‰. Đặc biệt, mùa khô 2019, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu và lập kỷ lục mới vượt đỉnh năm 2016 và kéo dài đến tháng 5. Đỉnh mặn đo được trên sông Cổ Chiên tại hai huyện Vũng Liêm và Mang Thít lên cao từ 6,2-10‰, sông Hậu tại huyện Trà Ôn lên đến 7,8‰.
Đáng chú ý, phía sông Tiền tại các xã cù lao Bình Hòa Phước, Đồng Phú dù cách cửa biển đến 90km nhưng vẫn xuất hiện nước mặn với nồng độ 4‰. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Long có hơn 100 điểm sạt lở mất hàng chục ha đất. Thiệt hại do thiên tai ở Vĩnh Long từ đầu năm đến tháng 8/2020 là 334 tỷ đồng.
Trước đó, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng kế hoạch về các kịch bản biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh đến năm 2050. Kế hoạch nhằm đánh giá tác động, thách thức, cơ hội của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, phát thải khí nhà kính đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội để đề ra các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ.
Cụ thể, tỉnh đề xuất 61 danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn (2021-2030). Trong đó có một số dự án, chương trình lớn, như: Xây dựng hồ chứa nước thô nhà máy nước Trường An 1,2 triệu m3. Dự án hoàn thiện đê bao sông Măng Thít. Xây dựng đê bao sông Cổ Chiên huyện Mang Thít. Kè sông Tiền thượng lưu cầu Mỹ Thuận. Chương trình điều tra đánh giá tiềm năng khai thác các nguồn năng lượng gió, mặt trời. Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Lan Anh (T/h)