VUSTA tham gia góp ý vào dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi
Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; Khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí,...
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết: Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm 2008 đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Hiện nay, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí; hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn, thách thức mới. Tiềm lực, cách thức hoạt động, địa vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ở một tầm cao mới, khác xa với trước kia. Trong bối cảng đó, Luật Dầu khí đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được nghiên cứu hoàn thiện.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công Thương trình Chính phủ tại Tờ trình số 9601/TTr-BCT ngày 14/12/2020 về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (thay thế Luật Dầu khí 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008), trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19/10/2021, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; Khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài; Đảm bảo tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tại hội thảo, các đại biểu nghe bà Mai Thị Nhật Lan – Quyền Trưởng phòng Ban pháp chế kiểm tra, Tập đoàn Dầu khí và bà Trần Thái Ninh – Phó Trưởng ban Quản lý hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí trình bày về kế hoạch xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi.
Góp ý về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất, cần hoàn thiện các quy định liên quan hợp đồng dầu khí. Cụ thể, bổ sung định nghĩa hợp đồng dầu khí: “Hợp đồng dầu khí được ký kết dưới hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí hoặc các hình thức hợp đồng khác bao gồm: Hợp đồng đầu tư/kinh doanh duy trì và gia tăng sản lượng, hợp đồng dịch vụ thăm dò và khai thác tận thu”.
Để bảo đảm khuyến khích đầu tư và duy trì hoạt động dầu khí, ông Nguyễn Quốc Thập cho rằng cần xem xét bổ sung trường hợp: Sau giai đoạn thăm dò, các phát hiện dầu khí có quy mô nhỏ, các mỏ khó có khả năng phát triển khai thác thương mại hay duy trì tiếp tục khai thác thì nhà đầu tư, nhà thầu có thể đề xuất các điều kiện để dự án có tính khả thi. Ông Nguyễn Quốc Thập cũng kiến nghị điều chỉnh và bổ sung các quy định việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi; Quy định về ưu đãi đầu tư; Quy định về các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí; Công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán; Quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho Luật Dầu khí sửa đổi như cần bổ sung thêm loại hình hợp đồng dịch vụ; Phân chia lại thẩm quyền trong các thủ tục hành chính; Luật hóa rõ hơn quyền hạn giám sát, quản lý kỹ thuật của PVN.
Thanh Tân