Thứ tư, 01/05/2024 10:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/09/2023 15:49 (GMT+7)

Vụ 17 mỏ đá bao vây xã Cao Dương - Hòa Bình: Người dân mong muốn gì? (Bài 4)

Theo dõi KTMT trên

Hàng ngày, người dân thôn Đồng Om, xã Cao Dương chịu sự "tra tấn" từ tiếng nổ mìn của hàng chục mỏ khai thác đá, môi trường ô nhiễm, cuộc sống, sinh hoạt đảo lộn, bất an.

Cần kiểm tra lại ĐTM

Theo danh sách Sở TNMT tỉnh Hòa Bình cung cấp cho Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường các dự án khai thác đá tại khu vực thôn Đồng Om như: Công ty TNHH MTV XNK TM và PTĐT Hiệp Cường được cấp phép khai thác số 65/QĐ-UBND ngày 19/5/2011, quyết định phê duyệt ĐTM/cam kết bảo vệ môi trường số 2482/QĐ-UBND ngày 30/12/2010. Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành: Đang tạm dừng hoạt động (chưa có – PV). Tuy nhiên, mỏ đá này đã đi vào hoạt động từ ngày 5/2/2023.

Vụ 17 mỏ đá bao vây xã Cao Dương - Hòa Bình: Người dân mong muốn gì? (Bài 4) - Ảnh 1
Mỏ đá thường xuyên gây tiếng ồn, bụi do hoạt động khai thác.

Đối với mỏ đá của công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Phú Đỉnh được cấp phép khai thác số 78/QĐ-UBND ngày 22/6/2011, quyết định phê duyệt ĐTM/cam kết bảo vệ môi trường số 965/QĐ-UBND ngày 09/6/2011. Tuy nhiên, giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành số 63/GXN -UBND ngày 10/11/2020 (sau 9 năm).

Công ty TNHH Công nghiệp dầu nhớt Valine được cấp phép khai thác số 55/QĐ-UBND ngày 10/5/2011, quyết định phê duyệt ĐTM/cam kết bảo vệ môi trường số 965/ QĐ-UBND ngày 09/6/2011. Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành số 123/XN-UBND ngày 20/8/2018 (sau 7 năm).

Cũng tương tự như vậy đối với công ty Cổ phần Cao Dương Phát Đạt được cấp phép khai thác số 17/GP-UBND ngày 25/3/2020, quyết định phê duyệt ĐTM/cam kết bảo vệ môi trường số 2499/ QĐ-UBND ngày 27/8/2019. Đang trong quá trình xây dựng cơ bản và hoàn thiện đất đai (chưa được phép khai thác-PV).

Vụ 17 mỏ đá bao vây xã Cao Dương - Hòa Bình: Người dân mong muốn gì? (Bài 4) - Ảnh 2
Quá trình khai thác đá tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương.

Công ty TNHH MTV Thạch Kim Hòa Bình được cấp phép khai thác số 20/QĐ-UBND ngày 16/03/2016, quyết định phê duyệt ĐTM/cam kết bảo vệ môi trường số 154/QĐ-UBND ngày 25/1/2016. Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT phục vụ giai đoạn vận hành số 99/XN-UBND ngày 11/7/2018.

Người dân địa phương cũng đưa ra nhiều dấu hỏi về việc ĐTM được phê duyệt, vậy trong phần lấy ý kiến cộng đồng bị ảnh hưởng môi trường đã được thực hiện như thế nào. Các ý kiến có đại diện cho người dân địa phương hay không? Do đó, các cơ quan chức năng cần công khai thông tin tới người dân. Cũng như một số dự án chưa đủ điều kiện đã hoạt động khai thác.

Mắc kẹt giữa "thủ phủ" khai thác đá

Trong các buổi làm việc trực tiếp cũng như tiếp nhận đơn thư của người dân thôn Đồng Om họ chỉ có mong muốn gửi tới các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Hãy lắng nghe nguyện vọng chính đáng của bà con là được di dời đi nơi khác sinh sống, làm ăn. Cho dù nơi đây đã gắn bó từ thời cha ông họ.

Nhưng đi đâu, ở đâu lại là cả câu chuyện lớn nên gần 50 hộ dân với trên 200 nhân khẩu mắc kẹt giữa nơi được coi là thủ phủ khai thác đá của huyện Lương Sơn. Khiến cho họ “đi không nổi, ở cũng không xong”.

Vụ 17 mỏ đá bao vây xã Cao Dương - Hòa Bình: Người dân mong muốn gì? (Bài 4) - Ảnh 3
Con đường dân sinh cũng là đường vào các mỏ khai thác đá tại thôn Đồng Om.

Nói như bà Vi Thị Yến (50 tuổi): “Nếu không giải quyết được vấn đề môi trường, dân sinh cho dân thì các cấp chính quyền, cơ quan chức năng phải có phương án di dời chúng tôi khỏi sự bao vây của cả chục mỏ khai thác đá. Chứ đừng hứa rồi đâu lại vào đó, không giải quyết được gì. Cuộc sống chúng tôi đang yên lành giờ đảo lộn hết cả và cứ thế này sự chịu đựng của chúng tôi cũng đã đến mức cực hạn không biết có trụ nổi không nữa”.

Vụ 17 mỏ đá bao vây xã Cao Dương - Hòa Bình: Người dân mong muốn gì? (Bài 4) - Ảnh 4
Người dân cực chẳng đã phải chặn đường vào mỏ.

Hiện nay, người dân thôn Đồng Om đang rất mong chờ UBND tỉnh Hòa Bình cần vào cuộc xem xét nguyện vọng chính đáng của nhân dân thôn Đồng Om, xã Cao Dương. 

Luật sư Phan Văn Tú (Văn phòng Luật sư Nhật Bình - Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Khoáng sản là tài nguyên quốc gia, tuy nhiên, việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản ở một số địa phương vẫn còn có sự lỏng lẻo.  Việc khai thác không tuân thủ các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản không chỉ làm thất thu nguồn ngân sách nhà nước. Hành vi này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phần môi trường khác như đất, nước, không khí, hệ sinh thái… Chính vì thế, ngành chức năng ở các địa phương cần nâng cao hơn nữa vài trò quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản. Cụ thể, tăng cường thanh kiểm tra, xây dựng đường dây nóng tiếp nhân phản ánh của người dân liên quan đến việc khai thác khoáng sản,.... Bên cạnh đó, đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thì cần phải xử lý nghiêm để răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Văn Dân - Kiên Giang

Bạn đang đọc bài viết Vụ 17 mỏ đá bao vây xã Cao Dương - Hòa Bình: Người dân mong muốn gì? (Bài 4). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Dương: Rộn ràng pháo đất Ninh Giang
Pháo đất từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Ninh Giang (Hải Dương). Nhất là cứ mỗi độ hè sang, tiếng pháo lại âm vang, rộn rã khắp mọi miền quê.