Thứ sáu, 29/03/2024 20:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/04/2021 09:28 (GMT+7)

Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Khách hàng vẫn là người chịu ‘thiệt’

Theo dõi KTMT trên

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines đang gây nhiều lo ngại đối với khách hàng cũng như ảnh hưởng bất lợi cho ngành du lịch đang trên đà phục hồi.

Mới đây, Vietnam Airlines đã đề xuất áp giá trần và giá sàn vé máy bay. Cụ thể, với giá sàn, Vietnam Airlines đề xuất 2 phương án, trong đó phương án 1 là áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines) giai đoạn 2019.

Theo đó, giá sàn cho các đường bay dưới 500 km là 414.000 đồng; các đường bay 500 - 850 km là 570.000 đồng; các đường bay 850 - 1.000 km là 755.000 đồng; các đường bay 1000 - 1.280 km là 804.000 đồng và các đường bay từ 1.280 km trở lên là 917.000 đồng.

Ở phương án 2, Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án 1. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 - 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng.

Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Khách hàng vẫn là người chịu ‘thiệt’ - Ảnh 1
Các hãng hàng không cạnh tranh bằng giá vé, điều này có lợi cho hành khách.

Hết thời “săn” vé 0 đồng?

Hiện Bộ GTVT chỉ quy định khung giá trần vé máy bay nội địa, song không quy định giá sàn. Đây là lý do các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air thường đưa ra các chính sách giá khuyến mãi 0 đồng vào mùa thấp điểm để kích cầu. Vietjet và Pacific Airlines cũng thường đưa ra các chương trình khuyến mãi giá vé 39.000 đồng hoặc 99.000 đồng/vé (chưa gồm thuế, phí). Đề xuất áp giá sàn nếu được thông qua sẽ chấm dứt cuộc đua giá rẻ, cũng như đặt dấu chấm hết cho khái niệm vé 0 đồng.

Trên thực tế, Covid-19 khiến thị trường hàng không chứng kiến mặt bằng giá vé máy bay rẻ chưa từng có trong năm 2020. Thậm chí Tết Nguyên đán 2021, các hãng giảm giá vé máy bay chạm đáy, ngay cả Vietnam Airlines cũng đưa ra mức giá vé 98.000 đồng cho nhiều chặng bay. Để hút thị trường nội địa khi quốc tế đóng băng, hơn 1 năm qua, các hãng liên tục cuộc đua giá rẻ, thấp hơn giá thành, dẫn tới dù lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu phục hồi chậm.

Dù vậy, theo đại diện một hãng hàng không, việc áp giá sàn có thể giúp các hãng tăng doanh thu, song sẽ gây thiệt thòi cho khách hàng rất lớn, do không còn chính sách giá vé 0 đồng hoặc giá vé rẻ vài chục nghìn đồng. Ngành hàng không từng mất nhiều năm để bỏ giá sàn, theo cơ chế thị trường, nếu quay trở lại giá sàn sẽ làm giảm tính cạnh tranh giữa các hãng.

Đây là lần thứ 2 Vietnam Airlines đề xuất áp sàn giá vé máy bay. Trước đó, vào tháng 3/2017, hãng đề xuất Cục Hàng không, Bộ GTVT phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, còn giá trần là 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó nhận được nhiều quan điểm không đồng tình và không được Bộ GTVT chấp thuận.

Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đề xuất có thêm các hỗ trợ như được cấp hơn 50% lượng slot (số lượt cất/hạ cánh) và thương quyền được phân bổ; ưu tiên là hãng hàng không đầu tiên khai thác lại các điểm đến quốc tế, được chỉ định thực hiện các hoạt động quảng bá điểm đến, đẩy mạnh hình ảnh Việt Nam trên các diễn đàn trong và ngoài nước. Hãng cũng xin được thực hiện nghiệp vụ sale & leaseback (bán và thuê lại) với 50% số lượng máy bay trong đội máy bay.

Bất lợi đối với hành khách

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú cho rằng, việc Vietnam Airlines đề nghị tăng giá trần, áp giá sàn vé máy bay là chưa thực sự phù hợp, bởi: Theo Điều 28 Luật cạnh tranh thì Nhà nước sẽ chỉ áp đặt giá đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước nhằm kiểm soát, tránh trường hợp thống lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Hiện nay, hoạt động kinh doanh vận tải hàng không không phải là lĩnh vực độc quyền Nhà nước. Do đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Luật giá thì Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều này nghĩa là, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có quyền đưa ra giá vé, miễn là không vượt qua giá trần mà Nhà nước quy định.

Doanh nghiệp có quyền bán vé máy bay giá rẻ để tạo áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cân bằng được chi phí bỏ ra và lợi nhuận, lại tạo được “vé rẻ” có lợi cho người tiêu dùng, cho xã hội thì không có lý do gì để Nhà nước phải ra giá sàn khống chế việc doanh nghiệp giảm giá vé.

Vì vậy, việc việc áp giá sàn vé máy bay tại Việt Nam là không hợp lí, vừa trái với quy luật cung cầu của thị trường, vừa trái với luật giá.

Ngoài ra, việc áp dụng giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hành không, đồng thời người dân không có nhiều vé máy bay giá rẻ, chắn chắn số lượng người đi lại bằng đường hàng không không những không tăng mà có nguy cơ giảm. Từ đó, tác động tiêu cực đến nhiều thị trường điển hình là lĩnh vực du lịch.

"Dịch Covid-19 diễn ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các doanh nghiệp, trong đó các hãng hàng không bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Vietnam Airlines là doanh nghiệp hàng không có vốn Nhà nước lớn, đã được Nhà nước cho tiếp cận khoản vay lớn với lãi suất 0% nhằm phục hồi và tái tạo hoạt động kinh doanh sau dịch. Thế nhưng chính Vietnam Airlines lại cho rằng chi phí gia tăng, thiệt hại sau dịch là lớn nên cần áp dụng giá sàn vé máy bay là không hợp lí.

Với đề xuất của Vietnam Airlines, người tiêu dùng bị bất lợi lớn. Chi phí giá vé máy bay tăng, từ đó đẩy giá các tour du lịch hay dịch vụ kèm theo cũng tăng lên. Nếu vậy, đây chẳng khác nào đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu, vừa không có lợi cho người tiêu dùng, vừa triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các hãng", luật sư Trương Anh Tú nhận định.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, luật về giá quy định đối với những thị trường vẫn còn các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh như thị trường hàng không hiện nay với 2 hãng Vietnam Airlines và VietJet Air chiếm thị phần hơn 50%, tức là chưa có cạnh tranh thực sự nên nhà nước vẫn phải quy định giá trần và không quy định giá sàn.

"Nguyên nhân là vì nếu vượt giá trần sẽ bất lợi cho người tiêu dùng, còn doanh nghiệp muốn hạ giá như thế nào tùy doanh nghiệp, chỉ có lợi cho người tiêu dùng. Do vậy, đề xuất áp giá sàn là phi lý, không phù hợp với việc cạnh tranh theo thị trường", ông Long nhấn mạnh.

PGS.TS Ngô Trí Long cũng chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do Covid-19, việc áp giá sàn vừa không có lợi cho người tiêu dùng, vừa không khuyến khích cạnh tranh, vì một doanh nghiệp kinh doanh giỏi có thể hạ giá mà vẫn có lãi thì không nên hạn chế vì điều đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM nêu quan điểm: Việc áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa là không hợp lý, không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường, khiến quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng. Nếu những "yêu sách" và đòi hỏi của Vietnam Airlines được chấp thuận, khách hàng sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân.

"Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch...", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói. 

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Khách hàng vẫn là người chịu ‘thiệt’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.