Việt Nam và những hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, nhiều tỉnh, thành đã có những hành động thiết thực, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia, nhất là với các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo giới chuyên gia, tốc độ biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn 20 - 50 lần so với bất kỳ giai đoạn biến đổi khí hậu nào trong lịch sử Trái Đất. Ngày càng có nhiều nước và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn và khả năng vượt qua yếu hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, hiện nhiều tỉnh, thành đang lên kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và đảm bảo cho công tác quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - xã hội.
Đà Nẵng ban hành kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu
UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu trên 75% cộng đồng dân cư và 100% công chức, viên chức nhà nước hiểu biết cơ bản về biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu; 100% công chức làm công tác quản lý, tham mưu biết cách lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong hoạt động quản lý kinh tế, xã hội của cơ quan, địa phương mình công tác.
Kế hoạch đưa ra các giải pháp như quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu tài nguyên nước; áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; bảo đảm nhu cầu sử dụng nước; chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại của cạn kiệt nguồn nước, xâm nhập mặn… do tác động của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu và phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng phòng hộ ven biển để phát huy vai trò “lá chắn tự nhiên”, bảo đảm chống chịu được với thiên tai theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn
Thừa Thiên Huế phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính
Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, mục tiêu nhằm nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, chiến lược gắn với tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với định hướng phát triển mới. Tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng carbon thấp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng tránh, cảnh báo thiên tai, giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu.
Đồng thời, phấn đấu giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; phát huy và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng năng lượng mới và tái tạo; đưa giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hải Dương đánh giá tác động thông qua bản đồ Atlas
Mới đây, đề tài “Xây dựng Atlas đánh giá tác động biến đổi khí hậu năm 2025, định hướng đến năm 2030” được triển khai, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về sự biến đổi khí hậu phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông qua bản đồ của 15 Atlas điện tử, các chuyên gia có thể đánh giá tác động của biến đổi khí hậu như: đánh giá yếu tố dễ bị tổn thương; các biểu hiện của biến đổi khí hậu thông qua chuỗi tài liệu quan trắc nhiệt độ, lượng mưa hơn 50 năm (1961 - 2018) và các tài liệu thống kê một số hiện tượng khí hậu cực đoan khác... Đặc biệt là mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến một số ngành, lĩnh vực của tỉnh.
Theo đó, 15 bản đồ Atlas được các nhà khoa học phân tích trên cơ sở tham chiếu theo kịch bản RCP 4.5 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong các Atlas này, các tác động hầu hết có liên quan đến vấn đề bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.
Hậu Giang triển khai dự án về tài nguyên nước
Dự kiến, từ năm 2022 - 2023, tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai Dự án nâng cao khả năng thích ứng với các tác động biến đổi khí hậu liên quan đến nguồn nước.
Dự án được thực hiện nhằm nâng cao năng lực của chính quyền cấp tỉnh trong việc quan sát, dự báo và phòng chống thiên tai và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở đất và sụt lún đất thông qua các công nghệ và công cụ hiện đại của Phần Lan.
Thông qua dự án, tỉnh Hậu Giang có cơ hội hiện đại hóa công nghệ thu thập, phân tích và chia sẻ dữ liệu môi trường dựa trên cách tiếp cận đô thị thông minh, người dân sẽ được cung cấp thông tin về các rủi ro trong hiện tại và tương lai đầy đủ hơn.
Dự án có 4 hợp phần với tổng mức đầu tư trên 417 tỉ đồng, trong đó vốn vay ưu đãi trên 292 tỉ đồng, còn lại là vốn viện trợ không hoàn lại. Nguồn vốn của dự án được cung cấp thông qua công cụ hỗ trợ đầu tư công (PIF) của Chính phủ Phần Lan.
Lan Anh (T/h)