Thứ ba, 16/04/2024 22:57 (GMT+7)
Thứ tư, 09/02/2022 11:00 (GMT+7)

Việt Nam quyết không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế sau đại dịch

Theo dõi KTMT trên

Sau khó khăn của đại dịch, Chính phủ quyết tâm phục hồi nền kinh tế của Việt Nam bắt kịp với xu hướng của thế giới. Các địa phương phải tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19 đi đôi với Chương trình phục hồi kinh tế.

Gỡ "nút thắt" tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bị ảnh hưởng do dịch Covid–19 tiếp cận vốn như: cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ, chế biến xuất khẩu.

Đồng thời có các chính sách hỗ trợ như: Nghị định số 42/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết 406/2021/NQ-QH15 về một số giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của đại dịch; Thành lập Quỹ phát triển DNNVV; Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Việt Nam quyết không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế sau đại dịch - Ảnh 1
Gỡ 'nút thắt' tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại thu xếp các gói tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thương mại đối với doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng…

TS. Phạm Huy Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề xuất, phải xử lý “điểm nghẽn” khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Theo đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV chủ yếu là bảo lãnh tín chấp để đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng có sự bảo lãnh của Quỹ, rà soát lại điều kiện doanh nghiệp được bảo lãnh theo hướng “thoáng” hơn điều kiện vay vốn từ Ngân hàng, phối hợp với Ngân hàng tăng cường thẩm định tính hiệu quả của phương án, dự án vay vốn, tăng cường kiểm tra sau khi cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, đảm bảo doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn sẽ trả nợ gốc và lãi vay đủ, đúng hạn cho Ngân hàng, tiếp tục rà soát theo hướng giảm lãi suất cho vay sâu hơn đối với DNNVV.

Đồng thời, thực hiện gói hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Quốc hội thu xếp gói hỗ trợ lãi suất (khoảng 7 -10% GDP), tương đương với mức dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng với thời gian tối đa 2 năm để hỗ trợ DNNVV.

Đối với Quỹ Phát triển DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, theo ông Hùng, cần rà soát các điều kiện vay vốn theo hướng thông thoáng hơn, bằng cách tăng cường kiểm tra sau vay. Cần minh bạch trong các hoạt động của Quỹ từ khâu tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, thông tin cho vay và giải ngân thông qua dịch vụ công trực tuyến để giảm chi phí cho DNNVV.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng đề xuất, phát triển nền tảng gọi vốn cộng đồng cho DNNVV nhằm giúp lấp khoảng trống trên thị trường tín dụng, giúp DNNVV có vốn thông qua dòng tín dụng mới, với chi phí thấp hơn kênh tín dụng truyền thống. Trong điều kiện các DNNVV còn nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, việc huy động vốn cộng đồng thông qua hình thức trực tuyến là biện pháp rất cần được phát triển.

Chính phủ sẽ tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết Trung ương Đảng đã có Kết luận, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết; trong đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Việt Nam quyết không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế sau đại dịch - Ảnh 2
Chính phủ sẽ tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi. (Ảnh minh họa)

Vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

“Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể thấp hơn năm 2021; lạm phát ở nhiều nước tăng cao", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Với chủ đề trong năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển kinh tế,” Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, tận dụng các động lực tăng trưởng mới, bền vững.

Theo đó, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược.

Đồng thời, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế thực chất, hiệu quả; phát triển thương mại điện tử, kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; xử lý các vấn đề còn tồn đọng, kéo dài nhiều năm qua.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam quyết không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lắng nghe doanh nghiệp để khởi tạo cho giai đoạn phát triển mới
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe, hướng về DN, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".

Tin mới

Ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng
Ngày 16/4/2024, ra mắt Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng tại địa chỉ URL: http://gombattrang.fairs.vn/. Hệ thống này trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng Hệ thống AR/VR Làng gốm Bát Tràng” được các bên khởi động từ ngày 7/8/2023