Thứ bảy, 07/09/2024 21:19 (GMT+7)
Thứ tư, 02/02/2022 22:00 (GMT+7)

Trong năm 2022, loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi ‘khủng’

Theo dõi KTMT trên

2022 được kỳ vọng là năm phục hồi kinh tế mạnh sau 2 năm bị Covid-19 cản trở, trong đó nhiều doanh nghiệp đã lạc quan đưa ra chỉ tiêu vượt trội, cao nhiều lần năm ngoái.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) hiện doanh nghiệp đặt kế hoạch 2022 cao nhất. Trong năm nay, doanh nghiệp của bầu Đức lên kế hoạch doanh thu thuần 4.820 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.120 tỷ đồng; Tăng 116% về doanh thu và gấp 9,3 lần về lợi nhuận so với năm 2021.

Năm 2021, HAGL đạt 2.230 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 30% so với năm 2020; Lợi nhuận sau thuế là 120 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lỗ 2.383 tỷ đồng.

Trong năm 2022, loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi ‘khủng’ - Ảnh 1

2022 được kỳ vọng là năm phục hồi kinh tế mạnh sau 2 năm bị Covid-19 cản trở.

Theo ban lãnh đạo HAGL, cơ sở để doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng vọng như vậy là dự án “heo ăn chuối” đang mang lại tín hiệu rất tích cực. Công ty dự kiến đầu tư trồng thêm 2.000 ha chuối, nâng tổng diện tích chuối lên thành 7.000 ha.

Cùng với đó, tập đoàn sẽ xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại chăn nuôi heo nái và heo thịt, gồm hai cụm chuồng trại tại Lào và hai cụm chuồng trại tại Campuchia. Khi hoàn thành, cụm chuồng trại của HAGL sẽ là 16 cụm, với công suất hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm.

Doanh nghiệp của bầu Đức có lợi thế cạnh tranh trong ngành trồng chuối và nuôi heo như quỹ đất rộng lớn ở xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý đến cảng biển, thị trường tiêu thụ gần… Hơn nữa, chuối và thịt heo là hai loại thực phẩm thiết yếu, nhu cầu cao cùng thị trường xuất khẩu tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán TAR, sàn HNX) trong khi đó đặt mục tiêu năm nay sẽ mang 3.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần gấp 6 lần so với kế hoạch năm 2021 (105 tỷ đồng).

TAR trước đó cho biết, doanh thu quý IV/2021 dự kiến đạt 700 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 45 tỷ đồng; Tăng 570% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất trong suốt hơn 20 năm hoạt động của công ty. Lũy kế cả năm 2021, TAR ước đạt 2.655 tỷ đồng doanh thu thuần và 102,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong năm qua, TAR liên tục trúng những gói thầu lớn như xuất khẩu gạo qua Hàn Quốc hay cung cấp 25.413 tấn gạo cho quỹ dự trữ quốc gia của chính phủ. Tính cả năm 2021, Trung An đã trúng thầu tới 48.763 tấn trên tổng số hạn ngạch 50.000 tấn mà Hàn Quốc dành cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Mức giá trúng thầu của TAR cũng luôn cao hơn 9-10% so với mức giá các doanh nghiệp khác chào thầu.

Trong năm 2022, TAR dự định chuyển nhượng khu đất diện tích hơn 10.900 m2 tại Lô 96, khu phố 4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều.

Trong năm 2022, loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi ‘khủng’ - Ảnh 2

Trong số các ngân hàng, Eximbank (mã chứng khoán EIB) là trường hợp hiếm hoi thể hiện tham vọng lớn trong kế hoạch năm. Trong năm 2022, nhà băng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, gấp 2,2 lần năm trước; thu nhập ngoài lãi đạt 1.159 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021.

Trong năm 2022, loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi ‘khủng’ - Ảnh 3
TAR liên tục trúng những gói thầu lớn.

Năm 2021, Eximbank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế lên tới 2.150 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020. Tuy nhiên sát mốc kết thúc quý IV, ban lãnh đạo ngân hàng đã điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với kế hoạch cũ và giảm 1,5% so với mức thực hiện năm 2020.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Eximbank ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2020. Với kết quả này, Eximbank mới chỉ hoàn thành 84,6% chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận, mặc dù đã được điều chỉnh giảm mạnh so với ban đầu.

Tập đoàn có nhiều sự kiện gây chú ý trong năm qua là FLC cũng đặt mục tiêu doanh thu gần 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận 2.100 tỷ trong năm 2022. Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu.

Hiện tại FLC vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2021. Tuy nhiên lãnh đạo tập đoàn này tiết lộ, doanh thu trong lĩnh vực bất động sản cán đích với tỷ lệ thực hiện 104% so với kế hoạch năm. Trước đó, doanh nghiệp của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.250 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.100 tỷ.

Trong năm 2022, loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi ‘khủng’ - Ảnh 4
Showroom FJC tại Bamboo Airways Tower.

Mục tiêu của năm 2022 của FLC cao hơn lần lượt 77% và 91% kế hoạch năm 2021. Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, cơ sở để FLC đưa ra mục tiêu cao như vậy là “của sáng” của bất động sản trong năm 2022. Hiện, FLC có khoảng 300 dự án đang được xúc tiến pháp lý trên hơn 40 tỉnh thành cả nước; quỹ đất của công ty đang tiếp tục được mở rộng từ Bắc vào Nam. Dự kiến năm 2022, Tập đoàn sẽ hoàn thành pháp lý để khởi công mới gần 25 dự án.

Mặt khác, một lĩnh vực khác trong hệ sinh thái FLC cũng có triển vọng tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát là hàng không. Bamboo Airways, hãng có gần 70 đường bay phủ khắp các tỉnh thành Việt Nam; đồng thời đã và đang triển khai các đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ, Anh, Australia, Đức.

FLC vừa qua còn tiếp tục lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, trang sức. Theo đó chuỗi showroom mang thương hiệu FJC sẽ được mở tại những khu mua sắm, trung tâm thương mại trong các quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị phức hợp do FLC đầu tư tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hạ Long, Sầm Sơn, Quy Nhơn…

Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán DIG) thì đặt kế hoạch doanh thu và các thu nhập khác trong năm 2022 là 4.612 tỷ đồng, tăng 62% so với 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.910 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với ước thực hiện năm trước.

Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của DIC Corp ước đạt 1.200 tỷ đồng, trong đó quý IV đóng góp đáng kể nhất với 1.015 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp dự kiến tỷ lệ chia cổ tức ở mức 20-25% trong năm 2022.

Trong năm 2022, DIC Corp cũng kỳ vọng vốn điều lệ từ khoảng 5.700 tỷ đồng như hiện nay lên 8.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt gần 12.000 tỷ đồng.

DIG hiện đang đầu tư khu đô thị du lịch Long Tân (Đồng Nai) với quy mô lên tới gần 332ha, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai xây dựng diễn ra trong 18 năm, từ 2018–2036.

Dự kiến trong quý I/2022, DIC Corp sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý để khởi công các dự án: Chung cư Silver (A4 - Khu Trung tâm Chí Linh, TP Vũng Tàu); Điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí hồ Ba Hang (huyện Ba Sao, tỉnh Hà Nam); Khu phức hợp nghỉ dưỡng – sân golf DIC Star Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình).

Trong năm 2022, loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi ‘khủng’ - Ảnh 5
Phối cảnh Dự án Khu đô thị du lịch Long Tân.

Ngoài các doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 tăng trưởng bằng lần, nhiều công ty cũng đưa ra mục tiêu vượt 50-60% năm trước. Trong đó có Tập đoàn Dabaco (mã chứng khoán DBC) đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu mục tiêu đạt 22.559 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD).

Lợi nhuận trước thuế và sau thuế ước đạt lần lượt là 1.004 tỷ đồng và 918 tỷ đồng. Kết thúc năm 2021, Dabaco cho biết doanh thu đạt được trên 18.000 tỷ đồng, tương đương tăng gần 77% so với năm trước. Song, do giá vốn tăng cao, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm 40% so với 2020 nhưng vẫn hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.

CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã chứng khoán SJS) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 72,4% lên 150 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính năm 2021, Công ty đạt doanh thu 660 tỷ đồng và lợi nhuận 87 tỷ đồng; Lần lượt đều bằng 100% so với kế hoạch năm. Ngoài kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cao, SJS còn đưa ra kế hoạch đầu tư lên tới 747 tỷ đồng, tăng 375,8% so với ước tính thực hiện trong năm 2021.

Vận tải và xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán HAH) dự kiến sản lượng năm 2022 đạt 948 TEU, tức giảm so với thực hiện năm 2021. Song công ty kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh với các con số mục tiêu là 2.388 tỷ đồng (tăng 26% so với thực hiện năm 2021) và lợi nhuận hợp nhất sau thuế ước đạt 550 tỷ đồng (tăng hơn 41% so với thực hiện năm 2021).

Năm 2021, công ty ước đạt sản lượng 1.019 TEU, tăng gần 4,9% so với kế hoạch đề ra, doanh thu gần 1.900 tỷ đồng, tăng 14% so với kế hoạch đề ra. Mặc dù sản lượng và doanh thu tăng ở mức vừa phải song lợi nhuận sau thuế của công ty đạt tới 389 tỷ đồng, gấp 2,46 lần kế hoạch đề ra.

Bùi Hằng (T//h)

Bạn đang đọc bài viết Trong năm 2022, loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi ‘khủng’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.