Thứ bảy, 23/11/2024 06:10 (GMT+7)
Chủ nhật, 15/08/2021 08:38 (GMT+7)

VIASEE: Tăng cường vai trò tư vấn phản biện và giám định xã hội

Theo dõi KTMT trên

20 năm qua, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội luôn được VIASEE xác định là một nhiệm vụ trọng yếu trong tiến trình hoạt động.

Chính trị xã hội - Kinh tế - Môi trường là những trụ cột chính, trọng yếu để phát triển bền vững đất nước. "Không hy sinh môi trường vì phát triển kinh tế" là thông điệp quan trọng, đầy tính nhân văn của Chính phủ. 

Tiên phong gìn giữ màu xanh đất nước

Có thể khẳng định, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã không ngừng nỗ lực, trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực trong cộng đồng.

VIASEE: Tăng cường vai trò tư vấn phản biện và giám định xã hội - Ảnh 1

Sáng 24/6/2015, VIASEE tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Kinh tế Môi trường trong tầm nhìn thời đại hướng tới nền kinh tế xanh”. Hội thảo này hướng tới kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; Chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng; Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội (2000 - 2015).

Hội thảo thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu, quản lý, đào tạo, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực kinh tế môi trường. Hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, góp ý vào dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng.

Rất vinh dự chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã có cuộc gặp mặt 40 đại biểu là các nhà khoa học, doanh nhân tham dự Hội thảo. Phó Chủ tịch nước yêu cầu mỗi hội viên, mỗi doanh nghiệp của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phải đi đầu, thực hiện là một doanh nghiệp xanh thực sự. Muốn vậy, TW Hội phải thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra giám sát các hội viên của mình để hướng tới sự phát triển bền vững.

Năm 2016, Dự án thủy điện cột nước thấp Phú Thọ dự kiến được xây dựng tại vị trí phía sau hợp lưu giữa sông Lô và sông Chảy, nơi cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho cả 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tại thời điểm năm 2016, mặc dù chưa triển khai nhưng dự án đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học, cán bộ quản lý có liên quan trong và ngoài tỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã đưa ra ý kiến, những năm qua, việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ đã có những đóng góp nhất định trong việc cung cấp năng lượng điện trong mạng lưới điện quốc gia. Song, ở một số địa phương, việc phát triển thủy điện đã gây nên nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội làm suy thoát môi trường, tác động trực tiếp đến an ninh xã hội của người dân nơi có thủy điện.

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, dự án thủy điện cột nước thấp ở Phú Thọ cũng thuộc loại nhỏ, công suất 105MW, hiện nay không thuộc diện khuyến khích ưu tiên vì dự án này không tạo hiệu quả đáng kể về năng lượng điện, không thúc đẩy sự phát triển năng lượng điện. Nếu dự án còn ở giai đoạn nghiên cứu, khảo sát ban đầu để trình cấp có thẩm quyền thì sau đó, không nên tiến hành.

Ngày 29/1/2019, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt 300 trí thức, nhà khoa học, những gương mặt tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, để lắng nghe các ý kiến về điều gì cản trở sự phát triển của khoa học công nghệ.

Ngày 30/1/2019, PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để góp ý một số vấn đề. 

Thứ nhất là cần có điều khoản giáo dục về bảo vệ môi trường trong Luật Giáo dục. Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, trong dự thảo hiện nay hầu như vắng bóng nội dung liên quan vấn đề quan trọng này mà chỉ nói tới vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung chung.

Thứ hai là coi trọng vấn đề đạo đức môi trường. Theo đó, PGS.TS Trương Mạnh Tiến bày tỏ ý kiến về việc hiện nay mới chỉ tích hợp trong một vài môn học có đề cập đến vấn đề môi trường. Như vậy chưa đủ mà cần đặt nội dung đạo đức môi trường rộng hơn, sâu hơn nữa để sớm trang bị cho mỗi học sinh - công dân mảng kiến thức quan trọng này.

Thứ ba là đội ngũ người thầy phải thực sự truyền cảm hứng, kiến thức, kinh nghiệm sống và là tấm gương (nêu gương) về đạo đức môi trường.

Thứ tư là đội ngũ người làm báo có kiến thức cơ bản chuẩn về môi trường. Việc này rất quan trọng nhằm định hướng dư luận đúng đắn, tuyệt đối không để xảy ra sai sót do không hiểu thực chất vấn đề khi đưa tin gây hoang mang trong nhân dân dẫn tới bị kẻ xấu lợi dụng và xuyên tạc làm mất an ninh trật tự xã hội.

Thứ năm là quy hoạch báo chí chú trọng báo chí lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong quy hoạch báo chí cả nước cần có sự quan tâm thỏa đáng đến mảng báo chí về an ninh môi trường, kinh tế môi trường/ kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Tiếp đó, nhằm đóng góp ý kiến cho công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Tiểu ban. Tháng 3/2020, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, đó là khai thác, chế biến khoáng sản Bauxite và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên. 

VIASEE đã chỉ rõ, với trữ lượng khoáng sản Bauxite lớn và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy Alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắc Nông, chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến Bauxite một cách hiệu quả, đặc biệt khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây không những là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước, mà còn chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của VIASEE đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng Bauxite Tây Nguyên.

Ngoài ra, VIASEE còn có những ý kiến tư vấn, phản biện trong quy hoạch phát triển cảng và dịch vụ cảng biển Quảng Ninh; quy hoạch sử dụng tài nguyên nước tỉnh Phú Thọ, tỉnh Thái Bình; dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; vấn đề an toàn hồ đập; dự án xây dựng đập nước mực thấp trên sông Lô, Phú Thọ; và một số đề tài dự án khác liên quan.

Tạp chí Kinh tế Môi trường năng động và xông pha 

Trong công cuộc gìn giữ bảo vệ môi trường, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của Tạp chí Kinh tế Môi trường, cơ quan ngôn luận của VIASEE, hoạt động khá hiệu quả trong suốt 15 năm qua, từ năm 2006.

Cuối năm 2020, Tạp chí Kinh tế Môi trường giới thiệu loạt bài liên quan đến hiện trạng phát triển Công trình Xanh tại Việt Nam. 

Sau khi khởi đăng tuyến bài, Tạp chí gửi Công văn đến Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ cần có những hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá, chứng nhận Công trình Xanh, phát huy vai trò quản lý của Bộ, giúp minh bạch hóa thị trường, tạo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các chủ đầu tư và cung cấp, trang bị đầy đủ thông tin cho khách hàng, người mua nhà. Đồng thời, Tạp chí kiến nghị Bộ Xây dựng cần thiết có bộ chứng chỉ Công trình Xanh riêng để áp dụng cho thị trường trong nước. 

VIASEE: Tăng cường vai trò tư vấn phản biện và giám định xã hội - Ảnh 2
Bộ Xây dựng phản hồi sau loạt bài về Công trình Xanh của Tạp chí Kinh tế Môi trường, nghiên cứu đưa các nội dung hướng dẫn cụ thể trong các văn bản thi hành Luật Xây dựng sửa đổi.

Phản hồi sau loạt bài phản ánh về Công trình Xanh của Tạp chí Kinh tế Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết đang nghiên cứu đưa các nội dung hướng dẫn cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng sửa đổi, trong đó có nội dung về việc đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, Công trình Xanh. 

Tháng 4/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên tiếp đăng tải loạt bài viết gồm 11 kỳ về đường dây khai thác đá bạc (đá thạch anh) trái phép tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Các bài viết thông tin khách quan, với nhiều cứ liệu xác thực đã “bóc trần” được đường dây xẻ núi, khai thác đá bạc trái phép, tận diệt tài nguyên, cho thấy những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương.

VIASEE: Tăng cường vai trò tư vấn phản biện và giám định xã hội - Ảnh 3
Trích kiến nghị của VIASEE gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường, giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản tại Hà Tĩnh.

Chính vì vậy, VIASEE đã có văn bản số 06/TN-BCH ngày 6/4/2021 do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường ký. Kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản. 

Tháng 7/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường liên tiếp đăng tải loạt bài viết liên quan đến việc khai thác tài nguyên khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trong đó có hai dự án bất động sản nghỉ dưỡng quảng cáo là sử dụng nguồn nước khoáng nóng là dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy của chủ đầu tư Công ty CP Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji và Dự án Vườn Vua Resort & Villas, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ.

Các bài viết với thông tin khách quan, với nhiều cứ liệu xác thực đã "bóc trần" việc tài nguyên khoáng nóng (tài nguyên quý hiếm và hữu hạn) đang bị khai thác tại huyện Thanh Thủy để làm lợi cho một bộ phận doanh nghiệp. VIASEE đã có văn bản số 11/TN-BCH, kiến nghị của VIASEE gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản, trong đó có tài nguyên khoáng nóng. 

Các văn bản này được xem là ý kiến chung của các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường.

VIASEE: Tăng cường vai trò tư vấn phản biện và giám định xã hội - Ảnh 4

Để làm tốt công tác chuyên môn, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ môi trường, thời gian qua, TW Hội đã không ngừng kiện toàn tổ chức, kết nạp thêm hội viên, thu hút các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, môi trường.

Trong giai đoạn tới, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và trở thành một trong các đơn vị tư vấn, đóng góp ý kiến đối với các dự án trọng điểm quốc gia, đưa ra kiến nghị, đề xuất chính sách với Chính phủ nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao.

Khánh Ly

Bạn đang đọc bài viết VIASEE: Tăng cường vai trò tư vấn phản biện và giám định xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới