Vì sao vẫn chưa thể coi Covid-19 như một bệnh cúm?
Ngày 11/1, WHO cảnh báo các quốc gia chưa nên coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu như cúm. Bộ y tế hướng dẫn F0 cần chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân như hít thở sâu hoặc thực hành thiền để tăng sức đề kháng và đẩy lùi bệnh tật.
WHO cảnh báo chưa nên coi Covid-19 là bệnh đặc hữu như cúm
Ngày 11/1, bà Catherine Smallwood - một quan chức cấp cao của WHO khu vực châu Âu đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia chưa nên coi Covid-19 là căn bệnh đặc hữu như cúm, vì chưa thể đánh giá hết mức độ lây lan của biến thể Omicron.
“Vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, và loại virus này vẫn đang thay đổi nhanh chóng, đặt ra những thách thức mới. Chúng ta chắc chắn chưa thể gọi Covid-19 là bệnh đặc hữu”, bà Smallwood nói.
Cùng ngày, Giám đốc WHO khu vực châu Âu - Hans Kluge đưa ra một cảnh báo đáng lo ngại dựa trên tính toán của Viện Đo lường và Đánh giá y tế (IHME).
Theo ông Kluge, với tốc độ lây lan hiện tại của biến thể Omicron, hơn 50% dân số khu vực châu Âu có thể sẽ nhiễm biến thể mới trong vòng 6 đến 8 tuần tới.
Khu vực châu Âu của WHO bao gồm 53 quốc gia/vùng lãnh thổ. 50 quốc gia trong số đó đã ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron. Và 26 quốc gia đang ghi nhận hơn 1% dân số mắc Covid-19 mỗi tuần.
Trong tuần đầu tiên của năm 2022, châu Âu báo cáo tổng cộng 7 triệu ca mắc mới Covid-19. Con số này cho thấy tỷ lệ phổ biến của biến thể Omicron đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2 tuần.
“Omicron lây lan nhanh hơn bất cứ biến thế nào khác chúng tôi từng thấy trước đây”, ông Kluge nói.
Dù được cho là ít có khả năng gây bệnh nặng, nhưng biến thể Omicron vẫn khiến hệ thống y tế của nhiều quốc gia châu Âu rơi vào tình trạng quá tải.
Trong tuần trước, Pháp ghi nhận trung bình hơn 300.000 ca mắc mới Covid-19/ngày. Tại Anh, số ca bệnh chạm đỉnh hơn 218.000 ca vào ngày 4/1. Công suất một số bệnh viện ở Anh đã bị đẩy đến giới hạn, khi phần lớn những bệnh nhân phải nhập viện là người chưa tiêm chủng.
Hướng dẫn của chuyên gia khi F0 điều trị tại nhà
Bộ Y tế hướng dẫn F0 cần chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần của bản thân như hít thở sâu hoặc thực hành thiền; Cố gắng ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng; Tập thể dục thường xuyên, vừa sức, không thức khuya.
Đồng thời tránh sử dụng rượu/bia, thuốc lá, ma túy, các loại thức ăn nước uống có chất kích thích.
Dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Cố gắng thực hiện một vài hoạt động mà bản thân yêu thích như: đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, làm mô hình, nấu ăn (nếu có thể)...
"Gọi cho nhân viên y tế phụ trách nếu căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp. Thừa nhận là việc căng thẳng cũng không sao, không có gì là xấu hổ khi nhờ người khác giúp đỡ"- Bộ Y tế lưu ý.
Về vấn đề này, TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y cũng đưa ra lời khuyên cho người dân khi trở thành F1 hoặc F0 cần dự phòng một số thuốc và trang bị vật tư để đảm bảo cách ly và tự điều trị. Đó là:
Các thuốc hạ sốt: Efferalgan, Panadol…
Nhóm các thuốc chữa ho;
Nhóm các thuốc tiêu chảy;
Nước súc miệng;
Cồn sát trùng;
Các thuốc bệnh nền nếu F0 có bệnh nền (nên chuẩn bị đủ cho 4 tuần);
Các loại thuốc xịt mũi;
Vitamin C, kẽm, các loại thảo dược trị cảm, trị ho;
Nước uống thông thường, nước bù điện giải.
"Các loại nước này vô cùng quan trọng khi bạn bị sốt và đặc biệt khi nhiễm Covid-19. Uống đủ lượng nước cần thiết có thể giúp duy trì sự ổn định của niêm mạc mũi, giảm kích ứng khó chịu khi ho, hắt hơi hay thậm chí là thở. Độ ẩm này giữ cho bề mặt niêm mạc dễ lành hơn và giúp chống lại sự xâm nhập thêm của vi khuẩn bên ngoài"- TS.BS Hoàng Thanh Tuấn nhấn mạnh.
Chuyên gia cũng nói thêm: Đây là các thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình, đặc biệt trong mùa dịch vì triệu chứng có thể xuất hiện bất kể lúc nào. Đặc biệt các triệu chứng của Covid-19 lại thường xuất hiện vào ban đêm nên những thuốc này cần có để chúng ta có thể dùng ngay.
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn cũng lưu ý, người dân cần dự phòng các thiết bị cần thiết để cho việc tự cách ly, tự theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình như:
Nhiệt kế;
Máy đo SpO2;
Que test nhanh
Khẩu trang;
Găng tay y tế;
Các máy theo dõi bệnh nền.
Đồng thời, chuyên gia đã có kinh nghiệm trong quản lý F0 tại nhà ở đợt dịch cao điểm tại TP HCM này cũng đưa ra lời khuyên về nhóm các thuốc không nên dự phòng, không nên tự điều trị, đó là thuốc:
Kháng sinh,
Kháng viêm,
Kháng virus.
Mọi điều trị, chỉ định của bác sĩ cần cá thể hóa và phù hợp với từng bệnh nhân nên mọi người hết sức lưu ý không tự tiện mua và dùng thuốc sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, khi trở thành F1, F0, mỗi người cần chuẩn bị thêm:
Lương thực đủ cho thời gian cách ly (nếu 1 mình);
Dung dịch vệ sinh nhà cửa và khử khuẩn;
Giấy vệ sinh, khăn giấy, quần áo thoải mái;
Chỗ ở cách ly đảm bảo quy định;
Số điện thoại của các cơ sở y tế trong khu vực, phòng cấp cứu và các tài liệu, hướng dẫn cập nhật nhất về phòng chống dịch.
Nguyễn Linh (T/h)