Nghịch lý: Omicron lây lan càng nhanh càng là một may mắn?
Khả năng lây nhiễm cao của Omicron hiện nay cũng có thể là một "may mắn", vì nó giống như một "vaccine tự nhiên". Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO khẳng định: "Năm 2022 là năm chúng ta có thể kết thúc đại dịch".
Omicron đang lây lan trên khắp thế giới với tốc độ nhanh đến mức nhiều nước đang ghi nhận ca lây nhiễm tăng cao chưa từng thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Giới chuyên gia toàn cầu lo ngại số lượng kỷ lục ca lây nhiễm Omicron có thể dẫn tới làn sóng bệnh nhân phải nhập viện, gây quá tải các hệ thống y tế vốn đã bị bào mòn sau hai năm đại dịch diễn biến phức tạp.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Omicron đã từ mức chiếm 0,4% số lượng nhiễm virus lưu hành ở Mỹ trong tuần tính đến ngày 4/12 leo lên mức 2,9% vào tuần tiếp theo. Nhưng tỷ lệ này cao hơn nhiều ở các bang là New York và New Jersey, với ước tính của CDC là 13,1% các trường hợp do Omicron gây ra, so với chỉ 2% trong tuần trước.
Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, nói rằng Omicron sẽ trở thành biến thể coronavirus chiếm ưu thế ở Mỹ, nhưng không rõ điều đó sẽ có ý nghĩa gì đối với các mức độ bệnh nặng.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá tốc độ gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới có thể do sự kết hợp của cả khả năng né tránh miễn dịch và tính chất dễ lây lan hơn của biến chủng Omicron. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, tốc độ lây truyền này chính là dấu hiệu kiệt sức của virus.
Tờ Tin tức Vùng Vịnh đã có bài tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, chỉ rõ rằng khả năng lây nhiễm cao của Omicron hiện nay cũng có thể là một "may mắn", vì nó giống như một "vaccine tự nhiên".
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật ứng phó Covid-19 của WHO khẳng định: "Năm 2022 là năm chúng ta có thể kết thúc đại dịch Covid-19. Chúng ta đã có đủ các công cụ ngay tại thời điểm này".
Tiến sĩ Ashish K Jha - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Brown, Mỹ cho rằng: "Chúng ta sẽ chứng kiến số ca mắc tăng nhanh trong vài tuần tới, có khả năng đạt đỉnh vào giữa tháng Giêng. Và sau đó, may mắn là số ca mắc mới sẽ giảm nhanh chóng như lúc nó tăng lên, xuống con số rất thấp vào cuối tháng Hai. Chúng ta chỉ có từ 6-8 tuần để đối phó với dịch bệnh".
Cũng theo các chuyên gia, Omicron lây lan nhanh và nhắm đến những người chưa tiêm chủng hoặc dễ bị tổn thương. Thực tế chỉ ra, số ca lây nhiễm ở Nam Phi và Anh đang trên đà giảm. Do đó, một tháng tới là thời điểm quan trọng để con người tăng cường hệ miễn dịch nhờ tiêm chủng vaccine liều tăng cường và các biện pháp phòng dịch để đủ sức chống chọi với cơn bão Omicron khi nó quét qua. Bên cạnh đó, WHO đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tuyệt đối không thể coi nhẹ biến thể này và khuyến nghị các nước tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch.
Biến thể này có ảnh hưởng đến đường hô hấp trên thay vì tác động đến phổi.
Biến thể Omicron có thể lây lan nhanh hơn Delta 500%. Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của vi rút SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Theo ông Abdi Mahamud, một quan chức WHO cho biết, ngày càng thêm nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đây. Theo đó, biến thể này có ảnh hưởng đến đường hô hấp trên thay vì tác động đến phổi như các biến thể trước.
Chuyên gia này cho rằng các thông tin nêu trên là tích cực. Tuy nhiên, với khả năng lây nhiễm cao, Omicron có thể trở thành biến thể chủ đạo tại nhiều nước trong vài tuần tới và đây là mối đe dọa với các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng không cao.
Ngoài ra, chuyên gia trên cũng cho rằng còn quá sớm để đề cập việc cần một loại vaccine đặc hiệu cho Omicron. Đến nay, biến thể Omicron đã xuất hiện tại hơn 110 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Nguyễn Linh (T/h)