Chủ nhật, 28/04/2024 14:02 (GMT+7)
Thứ tư, 20/12/2023 10:54 (GMT+7)

Vì sao Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng lương tối thiểu 6,5%-7,3%, mức cao hơn trước?

Theo dõi KTMT trên

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), hiện tình hình kinh tế xã hội có dấu hiệu tốt hơn. Trong khi đó, mục tiêu tăng lương tối thiểu từ 1/1/2024 không thực hiện được vì thủ tục pháp lý.

Sáng nay 20/12, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ hai năm 2023 để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Bước đầu, phía đại diện người sử dụng lao động và người lao động đã đưa ra những quan điểm riêng về vấn đề này.

Lùi thời gian tăng lương thì phải nâng mức để bù đắp

Trao đổi với báo chí trước khi diễn ra phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, tại phiên họp lần này, phía đại diện cho người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5%-7,3%, thời điểm tăng lương từ 1/7/2024.

"Hai mức đề xuất được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, cân nhắc nhiều mặt, gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động. Hy vọng các bên sẽ có tiếng nói chung để chốt được mức lương tối thiểu vùng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Trong bối cảnh lương của khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ tăng từ 1/7 năm sau, việc điều chỉnh lương với người lao động là phù hợp", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Lý giải mức tăng đề xuất lần này cao hơn so với phiên họp lần trước, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, hiện tình hình kinh tế xã hội có dấu hiệu tốt hơn. Trong khi đó, mục tiêu tăng lương tối thiểu từ 1/1/2024 không thực hiện được vì thủ tục pháp lý.

Vì sao Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng lương tối thiểu 6,5%-7,3%, mức cao hơn trước? - Ảnh 1
Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng lương tối thiểu 6,5%-7,3%.

"Lùi thời điểm tăng lương một khoảng thời gian (6 tháng) thì cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động. Chúng tôi đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng cùng với thời điểm tăng lương ở khu vực công để đảm bảo tính đồng bộ, thể hiện trách nhiệm chung ở cả 2 khu vực", ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Mức lương tối thiểu đang quá thấp

Theo khảo sát do Viện Công nhân và công đoàn thực hiện tháng 11 vừa qua với 3.100 người thuộc các ngành nghề, loại hình sở hữu, quy mô lao động tại 10 tỉnh, thành phố, có 21,4% người lao động cho biết mức lương tối thiểu hiện nay và của những năm trước là không có ý nghĩa gì so với tốc độ trượt giá; 26,8% cho rằng mức lương tối thiểu là quá thấp, không phản ánh mức chi trả thực tế của thị trường lao động và 10,1% cho rằng mức lương như hiện nay không tạo ra động lực cho người lao động phấn đấu.

Còn theo khảo sát do LĐLĐVN thực hiện hồi tháng 7, tiền lương tối thiểu hiện tại chỉ đáp ứng 1/3 hoặc 1/4 chi tiêu của gia đình người lao động; 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, trong đó thấp nhất chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu; 52,3% người lao động phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

Đáng chú ý, vẫn có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ và 12,3% người lao động từng rút bảo hiểm xã hội một lần để bù đắp chi tiêu và trang trải các chi phí phát sinh trong cuộc sống. Bên cạnh đó, gần 60% người lao động tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn tăng lương.

ILO khuyến nghị điều chỉnh lương tối thiểu theo kịp lạm phát

Trước phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã gửi Báo cáo Tổng thuật về lương tối thiểu khu vực ASEAN trong khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao tới Bộ LĐTB&XH.

Báo cáo nêu rõ, lương tối thiểu danh nghĩa do Chính phủ quy định, còn lương thực tế có tính đến tác động của lạm phát và sức mua. Giai đoạn 2015 - 2022, Việt Nam điều chỉnh lương tối thiểu với quỹ đạo đi lên, từ 119 USD tháng 12.2015 lên 168 USD vào tháng 12.2022. Lần gần nhất điều chỉnh ngày 1.7.2022 với mức trung bình 6% sau 2 năm rưỡi trì hoãn vì đại dịch Covid-19.

Song lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều. ILO thống kê thời kỳ 2015 - 2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% nhưng lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 - 2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.

ILO khuyến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lương tối thiểu theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của việc tăng lương cho người lao động, đo lường nhu cầu của họ và gia đình để thúc đẩy công bằng xã hội. Tuy nhiên, điều chỉnh lương cũng cần dựa vào số liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Tổng LĐLĐVN đề xuất tăng lương tối thiểu 6,5%-7,3%, mức cao hơn trước?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới