Thứ sáu, 19/04/2024 20:56 (GMT+7)
Thứ ba, 23/03/2021 17:20 (GMT+7)

Vì sao tốc độ sụt lún ở ĐBSCL tăng chóng mặt?

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia cho rằng, khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân chính gây ra sụt lún và làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt tại ĐBSCL.

Sụt lún ngày càng nghiêm trọng

Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT) cho thấy ĐBSCL đang sụt lún 1 cm/năm, với tốc độ trung bình lên tới 5,7 cm/năm tại một số địa điểm. Sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt.

Theo kết quả quan trắc sụt lún tại các mốc chuẩn độ cao của Bộ TN&MT đo được, độ lún tích lũy trung bình của 4 địa phương Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre trong giai đoạn 2005-2017 là gần 10,1 cm, Cần Thơ cao nhất với 15,49cm. Tốc độ lún trung bình hàng năm của 4 địa phương này gần 1cm. Trong đó, Cần Thơ là nơi có tốc độ lún cao nhất với trung bình 1,31 cm/năm, thấp nhất là Bến Tre với 0,55 cm/năm.

Vì sao tốc độ sụt lún ở ĐBSCL tăng chóng mặt? - Ảnh 1
Tốc độ sụt lún cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối.

Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, với lượng phù sa hạn chế do việc xây dựng đập ở thượng nguồn, không bù lại được tốc độ sụt lún, mức độ và tần suất lũ giảm và tình trạng khai thác cát sông là các nguyên nhân dẫn đến lún ròng ở ĐBSCL.

Tốc độ sụt lún cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối, cho thấy tốc độ mực nước biển tương đối chủ yếu là do sụt lún đất, kết hợp với cao trình thấp càng làm cho đồng bằng dễ bị tổn thương. Nếu tình trạng này tiếp tục xả ra, phần lớn diện tích của ĐBSCL có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.

Việc mất độ cao sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi triều cường vốn đã gây gián đoạn lớn cho cuộc sống đô thị. Hiện nay ngập theo mùa đã làm ngập nửa thành phố mỗi năm, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp được tính là gần 650 USD/gia đình/năm, tương đương 11% thu nhập trung bình của hộ gia đình (số liệu Ngân hàng Thế giới tính toán năm 2019).

TS Hà Quang Khải, Viện Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Trường đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết, mực nước ngầm trong các tầng chứa nước ở Cần Thơ đã xuống mức thấp nhất vào năm 2020 kể từ khi bắt đầu quan trắc năm 1991.

“Dự báo, nếu việc khai thác nước ngầm tiếp tục không suy giảm, phần lớn TP.Cần Thơ sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2080”, TS Khải cảnh báo.

Nước sông mênh mông vẫn hút nước ngầm

Theo TS Khải, hiện mỗi ngày cả vùng ĐBSCL khai thác khoảng hơn 2 triệu m3 nước ngầm, chưa kể trữ lượng khai thác từ các giếng khoan hộ gia đình. Ghi nhận từ các địa phương cho thấy, khâu quản lý khai thác nước ngầm ở ĐBSCL rất “lỏng lẻo” và kém hiệu quả; việc khai thác nước ngầm quá dễ dàng, chi phí sử dụng lại rẻ, trong khi đó các quy định xử phạt chưa nghiêm và rõ ràng.

Chưa kể, hiện nay không có bất cứ mối liên kết nào giữa các địa phương ĐBSCL trong quản lý khai thác nước ngầm, từ đó dẫn đến khai thác nước ngầm ngày càng tràn lan.

Bà Lê Đình Vân Khanh, Văn phòng UBND TP.Cần Thơ, cho biết: “Tỉnh đã có chủ trương hạn chế sử dụng nước ngầm. Nơi nào có nước sạch sử dụng sẽ không cho phép dùng nước ngầm, nhưng quản lý rất khó. Ví dụ, tại các khu công nghiệp ở Cần Thơ được xây dựng gần sát sông Hậu, nhưng doanh nghiệp vẫn ưu tiên sử dụng nước ngầm, bởi chi phí sản xuất rẻ hơn nhiều so với mua nước máy hoặc bơm nước mặt phải tốn rất nhiều chi phí xây dựng hệ thống xử lý nước”.

Thực trạng “vì lợi ích trước mắt” này cũng xảy ra ở hầu hết các địa phương khác có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gần sông như Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre... Ngoài ra, ở các tỉnh ven biển, vùng hạn mặn, việc người dân đào giếng lấy nước ngầm rất phổ biến không chỉ trong sinh hoạt mà cả trong sản xuất nông nghiệp, trồng rau màu, chăn nuôi...

Để quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018-NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo kế hoạch, đến tháng 2/2022, các tỉnh thành ĐBSCL phải hoàn tất phương án khoanh định phân rõ từng vùng được phép khai thác nước ngầm và quy mô khai thác. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước ngầm theo từng địa phương là chưa đủ.

TS Tô Quang Toản, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho rằng khai thác nước ngầm không phải phân theo địa giới hành chính mà là tính theo lưu vực nên cần có sự tính toán, quản lý, quy hoạch theo vùng, chứ không phải “chuyện riêng” của từng tỉnh, thành.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Vì sao tốc độ sụt lún ở ĐBSCL tăng chóng mặt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .