Thứ sáu, 19/04/2024 13:05 (GMT+7)
Thứ ba, 15/12/2020 12:04 (GMT+7)

Vì sao sụt lún ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng?

Theo dõi KTMT trên

TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình 4cm/năm, cá biệt có nơi đến 6-7cm/năm. Việc sụt lún ở TP.HCM có nguyên nhân rất lớn từ việc khai thác nước ngầm.

Tại hội thảo “Trao đổi và góp ý giải pháp mô phỏng biến dạng mặt đất, sụt lún đất nền khu vực TP.HCM” do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức ngày 11/12, ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin TN&MT, cho biết, theo đánh giá của Bộ TN&MT, TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún rất lớn, trung bình 4cm/năm, cá biệt có nơi đến 6-7cm/năm.

Ngoài việc do xây dựng công trình trên nền đất yếu và hoạt động giao thông, việc sụt lún ở TP.HCM có nguyên nhân rất lớn từ việc khai thác nước ngầm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhã, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Biển đảo, Sở TN&MT TP.HCM cho biết: "Khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguồn nước ngầm bị sụt giảm, làm thay đổi cấu trúc địa chất".

Hiện nay, tổng lượng khai thác nước ngầm trên toàn TP.HCM là 710.000 m3/ngày, trong đó 355.000 m3/ngày là do các hộ khai thác đơn lẻ, các đơn vị, doanh nghiệp khai thác 225.000 m3/ngày, còn lại là Tổng công ty cấp nước Sài Gòn.

Vì sao sụt lún ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng? - Ảnh 1
Tình trạng sụt lún ở TP.HCM đã được cảnh báo từ lâu. 

Theo một số nghiên cứu, nếu duy trì khai thác nước ngầm như giai đoạn 1999 - 2009 thì lún do khai thác nước ngầm cộng dồn lớn nhất cho các năm 2020, 2040 và 2100 lần lượt là con số “khủng khiếp”: 63,8 cm, 85,2 cm và 97,6 cm.

Theo ông Hoàng Văn Bẩy, tình trạng sụt lún đất tại từng khu vực là hệ quả tổng hợp của các yếu tố nhân tạo và tự nhiên.

Về yếu tố nhân tạo, theo ông Bẩy, TP.HCM sụt lún do các hoạt động xây dựng công trình tập trung, độ rung do hoạt động giao thông vận tải… và do khai thác nước dưới đất quá mức.

Về yếu tố tự nhiên, ông Bẩy nhận định: Khu vực TP.HCM và ĐBSCL nằm trong đồng bằng châu thổ, được tạo thành từ trầm tích thuộc loại trẻ, chủ yếu là các trầm tích hạt mịn, bề dày lớn và vẫn đang trong quá trình tự cố kết, nén chặt. Vì vậy, ngoại trừ các vấn đề do tác động của con người, quá trình sụt lún bề mặt đất đối với vùng này là xu hướng, quy luật của tự nhiên và không thể đảo ngược.

“Đối với những vấn đề thuộc nguyên nhân con người, chúng ta có thể từng bước can thiệp để thay đổi, điều chỉnh. Mặt khác, để giảm nguy cơ sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển thì cần tập trung vào nhóm giải pháp quản lý tài nguyên nước và nhóm giải pháp ứng phó với sụt lún (trữ nước mưa, nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm…)” - ông Bẩy phân tích.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Đất Việt, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết, tình trạng sụt lún của TP.HCM đã được chỉ ra từ lâu, vấn đề là không phải nơi nào cũng sụt lún và mức độ sụt lún khác nhau.

Những nơi như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức... có nền đất cứng, không bị sụt lún, trong khi các phía tây nam, đông nam thành phố lại bị lún nặng, tiêu biểu như Bình Chánh - theo nghiên cứu cách đây gần 10 năm, bị sụt lún 3cm/năm, quận 7, Nhà Bè. Nguyên nhân là do nền đất yếu, phía dưới có một lớp hữu cơ dày, cho nên khi xây nhà ở vùng này phải đóng cọc sâu xuống 50m, khu vực như Đại học Hutech phải đóng cọc sâu 55-60m vì đó là vùng biển cũ.

Nền đất TP.HCM yếu nhưng lại phải tải một khối lượng lớn công trình xây dựng, đường sá, nhà cao tầng, chung cư, các công trình xây dựng ồ ạt, dai dẳng khiến tình trạng sụt lún càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, GS Lê Huy Bá cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác như: nước xâm nhập vào đất, làm nhão đất; túi nước ngầm dưới sâu bị khai thác, tạo thành những khoảng trống ở trong đất, gây lún...

"Trong quy hoạch lẽ ra phải thuận theo quy luật tự nhiên mà làm, đằng này lại đi ngược. Thay vì phải mở ra nhiều đô thị vệ tinh thì người ta lại ồ ạt xây nhà cao tầng. Đô thị được phát triển mạnh ở cả những vùng trũng, thấp phía Đông Nam thành phố. Như khu vực quận 7, Nhà Bè càng đi về phía Cần Giờ thì địa chất càng yếu và dễ xuất hiện các đứt gãy trong lòng đất nhưng mức độ đô thị hóa ngày càng tăng", vị chuyên gia dẫn chứng và cho rằng không phải các nhà quy hoạch, thiết kế xây dựng không biết địa chất của TP.HCM ra sao, trái lại họ biết mà vẫn làm bởi lợi nhuận cao, xây thêm 1 tầng thì lợi nhuận kiếm được tốt hơn nhiều so với việc mở ra đô thị vệ tinh.

Điều nguy hiểm hơn, theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, có hiện tượng trượt trong lòng đất và hiện tượng này rất khó khắc phục. Theo đó, có lớp phù sa cận sinh và mới hoàn toàn nằm trên lòng nghiêng của dòng sông cổ nên chúng cứ truội xuống dần.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Vì sao sụt lún ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .