Thứ bảy, 23/11/2024 11:43 (GMT+7)
    Thứ sáu, 14/01/2022 16:00 (GMT+7)

    Vì sao Tổ hợp văn phòng nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng bị UBND TP.Hà Nội "bêu tên"?

    Theo dõi KTMT trên

    Nhiều tầng tại tòa nhà 30 Phạm Văn Đồng được đập thông, tạo thành căn hộ lớn sai với thiết kế ban đầu, thậm chí mua bán trục lợi trái phép.

    UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5488 về chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2021-2025".

    Theo UBND TP.Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 đã có 12.659 căn hộ NƠXH tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở. Việc xét duyệt cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục.

    Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng NƠXH, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê NƠXH sử dụng không đúng mục đích.

    Cụ thể như việc cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng. Trong đó, cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích ở dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và NƠXH tại 30 Phạm Văn Đồng, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.

    Vì sao Tổ hợp văn phòng nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng bị UBND TP.Hà Nội "bêu tên"? - Ảnh 1
    Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và NƠXH tại số 30 Phạm Văn Đồng.

    Quy mô dự án

    Chung cư 30 Phạm Văn Đồng có tên chính thức là Tổ hợp văn phòng cho thuê dịch vụ thương mại và NƠXH do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Dịch vụ Bắc Hà làm chủ đầu tư, sau đó dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Công trình gồm 01 tòa nhà cao 19 tầng, 01 tầng hầm, trong đó có 01 tầng lửng với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 32.639,56 m2, gồm 294 căn hộ.

    Tầng hầm diện tích 2.721,6 m2, một phần trong không gian tầng hầm được xây dựng một tầng lửng có diện tích 1.061,5 m2 có chức năng đỗ xe và làm tầng kỹ thuật.

    Tầng 1: Bố trí các sảnh khu nhà ở, khu nhà trẻ, khu dịch vụ công cộng, phòng hiệu bộ nhà trẻ (31,5 m2), phòng quản lý tòa nhà (31,5 m2) với tổng diện tích sàn khoảng 1.800 m2. 

    Tầng 2: Bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng, khu thể dục thể thao, không gian gửi trẻ với tổng diện tích sàn khoảng 1.138,2 m2. 

    Tầng 3,4,5: Bố trí văn phòng, diện tích sàn mỗi tầng khoảng 1.700 m2. 

    Thời gian thực hiện dự án: Từ quý III/2013 đến quý IV/2015.

    Từ tầng 6-19: Bố trí các căn hộ NƠXH được chia làm 02 đơn nguyên, bao gồm 21 căn hộ (có diện tích từ 57,6 dến 69,9 m2), diện tích sàn phủ bì mỗi tầng khoảng 1.700 m2 với tổng số 294 căn hộ.

    Dự án NƠXH 30 Phạm Văn Đồng nhiều căn hộ "biến mất"

    Trước đó, vào tháng 9/2016, báo Pháp Luật Plus đã đưa tin về Dự án NƠXH tại 30 Phạm Văn Đồng nhiều căn hộ "biến mất".

    Theo Pháp Luật Plus, đã nhận được thông tin từ bạn đọc về việc tại Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở xã hội tại số 30 Phạm Văn Đồng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, xuất hiện nhiều sai phạm trong quản lý mua bán và thay đổi thiết kế  căn hộ trái phép để trục lợi từ chính NƠXH.

    Được biết, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà là chủ đầu tư của Dự án xây dựng tổ hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại và nhà ở xã hội tại số 30 Phạm Văn Đồng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (sau đây gọi là dự án 30 Phạm Văn Đồng).

    Thời điểm báo Pháp Luật Plus đưa tin, tại nhiều tầng trong dự án 30 Phạm Văn Đồng, hai căn hộ riêng biệt liền kề nhau, với các chủ sở hữu đứng tên khác nhau bị đập thông với nhau tạo thành một phòng lớn sai với thiết kế ban đầu để cho thuê, thậm chí bán trục lợi trái với quy định.

    Vì sao Tổ hợp văn phòng nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng bị UBND TP.Hà Nội "bêu tên"? - Ảnh 2
    Căn hộ 1420 và 1421 tầng 14 được thông thành 1 căn 1421.

    Theo thiết kế, tòa nhà có 19 tầng. Trong đó, từ tầng 6-19: Bố trí các căn hộ nhà ở xã hội được chia làm 02 đơn nguyên, bao gồm 21 căn hộ (diện tích từ 57,6 đến 69,9 m2). Diện tích sàn phủ bì mỗi tầng khoảng 1.700 m2. Tổng số căn hộ 294 căn.

    Thế nhưng, theo ghi nhận của tờ báo này, tại các tầng 8, 9, 14, 18, các căn hộ số 20 và 21 được đập thông với nhau tạo thành căn lớn.

    Đặc biệt, ở tầng 19 có tới 6 căn hộ là 1901, 1902, 1906, 1907, 1920, 1921 được ghép thành ba căn hộ lớn.

    Cũng từ đó, theo quan sát của PV, nhiều căn hộ tại các tầng đã “biến mất “ và không đủ số lượng 21 căn ở các tầng theo thiết kế ban đầu mà chủ đầu tư đã công bố.

    Vì sao Tổ hợp văn phòng nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng bị UBND TP.Hà Nội "bêu tên"? - Ảnh 3
    Rất nhiều căn hộ được đâp thông nhau.

    Mặt khác, trên các thông báo danh sách đồng hồ nước tại các tầng, các căn hộ được cho là có dấu hiệu đập thông thành một phòng thì số nước các  phòng đó được tính gộp vào cho một người, nhưng họ tên người sở hữu căn hộ trên danh sách vẫn là hai người khác nhau.

    Cụ thể, theo danh sách đồng hồ nước căn hộ 1420, 1421 do bà Trần Thị T. và Đỗ Thị N. đứng tên nhưng số nước lại được tính gộp vào làm một cho bà Trần Thị T.

    Và trên thực tế ghi nhận của PV tại tầng 14 căn hộ số 1420 đã “biến mất” chỉ còn căn số 1421. Vậy căn hộ số 1420 đã đi đâu?. Liệu có hay không việc hai căn hộ trên đã được đặp thông tạo thành một căn lớn?

    Vì sao Tổ hợp văn phòng nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng bị UBND TP.Hà Nội "bêu tên"? - Ảnh 4
    Danh sách đồng hồ nước.

    Tờ báo này cũng đặt câu hỏi, “Vậy liệu có hay không việc chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại dịch vụ Bắc Hà và Ban Quản lý tòa nhà có biết sự việc trên, họ có tiếp tay cho các hoạt động mua, bán ngầm các căn hộ trái với pháp luật và việc thay đổi thiết kế (đập thông các căn hộ) căn hộ để trục lợi”.

    Theo Luật sư Trương Anh Tú Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP.Hà Nội:

    + Thời hạn của hợp đồng thuêNƠXHtối thiểu là 5 năm; Thời hạn thanh toán tiền thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm, kể từ ngày ký hợp đồng thuê mua nhà ở.

    + Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở trong thời gian thuê, thuê mua; Nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.

    + Bên thuê mua, bên muaNƠXHkhông được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; Trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

    + Bên mua, bên thuê muaNƠXHđược bán lại nhà ở này theo cơ chế thị trường cho các đối tượng có nhu cầu sau thời hạn 5 năm, kể từ khi đã thanh toán hết tiền mua, tiền thuê mua nhà ở và đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế; Trường hợp bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội quy định tại Luật này thì chỉ được bán với giá tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

    Cũng theo Luật sư, điều 90 Luật Nhà ở có nêu: “Việc bảo trì, cải tạo nhà ở phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng”. Mọi cá nhân có hành vi tự ý cải tạo nhà ở xã hội trái phép tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng và bị thu hồi lại nhà.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Vì sao Tổ hợp văn phòng nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng bị UBND TP.Hà Nội "bêu tên"?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới