Thứ sáu, 22/11/2024 19:51 (GMT+7)
Thứ hai, 03/01/2022 08:08 (GMT+7)

Vì sao một số người nổi hạch sau khi tiêm vaccine Covid-19 mũi 3?

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây, nhiều người cảm thấy lo lắng khi xuất hiện nổi hạch sau tiêm vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, tỉ lệ phản ứng hạch đã gia tăng hơn sau khi tiêm mũi 3.

Nổi hạch sau tiêm vaccine là một triệu chứng ít phổ biến. Trước đây, nó đã được báo cáo ở người lớn sau tiêm khi một số vaccine phòng bệnh do virus gây ra như HPV 18 hay virus cúm H1N1.

Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phản ứng nổi hạch sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 xảy ra khoảng 0,3% ở người tiêm vaccine Pfizer và 1,1% ở người tiêm vaccine Moderna. 

Trong nghiên cứu của Moderna, 11,6% người được tiêm bị sưng hạch bạch huyết sau liều tiêm đầu tiên và 16% sau liều thứ hai. Một số nghiên cứu cho thấy vaccine dựa trên mRNA có khả năng sinh miễn dịch cao hơn các loại vaccine khác, vì vậy tỉ lệ nổi hạch của các loại vaccine này cao hơn.

Vì sao một số người nổi hạch sau khi tiêm vaccine Covid-19 mũi 3? - Ảnh 1

Lý giải về hiện tượng này, TS.BS Nguyễn Huy Luân - trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, khi tạo ra các đáp ứng miễn dịch thì cơ thể đồng thời cũng sinh ra các phản ứng, hầu hết đều là trạng thái bình thường và nổi hạch là phản ứng ít gặp phải. 

"Với các phản ứng thường gặp như sốt, đau đầu, đau chỗ tiêm, mệt mỏi... thường sẽ xảy ra sau vài tiếng tiêm ngừa, hết trong 3 đến 5 ngày. Tuy nhiên, phản ứng nổi hạch thường bắt đầu trễ và kéo dài hơn.

Theo CDC Hoa Kỳ, thời gian bắt đầu nổi hạch sau tiêm vaccine Modena và Pfizer là 2 - 5 ngày. Thời gian nổi hạch kéo dài của vaccine Pfizer-BioNTech có thể lên đến 10 ngày", BS Luân nhận định.

Theo BS Nguyễn Huy Luân, tùy vào lượng kháng nguyên đưa vào cơ thể sẽ tạo ra các đáp ứng miễn dịch khác nhau. Có người phản ứng mạnh, có người phản ứng nhẹ, nên khả năng sinh kháng thể bảo vệ mỗi người cũng khác nhau.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, sau khi cơ thể được tiêm vaccine vào thì hệ thống miễn dịch tự động kích hoạt phát hiện "kẻ xâm nhập" từ bên ngoài là vaccine. Các tế bào bạch cầy ngay lập tức tràn đến bịt chặt vị trí tiêm, gây triệu chứng như đau nhức, ớn lạnh… Các tác dụng phụ gặp phải sau tiêm này là bình thường cho thấy cơ thể đang phản ứng, xây dựng hàng rào bảo vệ chống lại Covid-19.

Thực tế cũng cho thấy rằng thời gian vừa qua sau tiêm vaccine Covid-19, mỗi cá thể có những phản ứng khác nhau. Có người có biểu hiện sốt, có người lại đau đầu, có người lại không thấy khỏe bình thường. Trong đó, có những người lại có biểu hiện nổi hạch ở nách, dưới cánh tay hoặc sưng hạch bạch huyết ở vùng bẹn hay dưới cánh tay. Khi huy động miễn dịch để tạo ra kháng thể thì có một số người huy động mạnh thì tạo ra hạch là biểu hiện bình thường. Mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng vì biểu hiện này.

Chuyên gia cũng cho hay, thời gian nổi hạch sau tiêm vaccine phòng Covid-19 tồn tại trên cơ thể trung bình vài ngày sẽ hết. Việc lo lắng thái quá mà đòi đi sinh thiết với các hạch bạch huyết bị sưng sau khi vừa tiêm vaccine là điều không cần thiết. Trừ khi hạch sưng kéo dài hay có vấn đề sức khỏe khác, mọi người nên đi kiểm tra.

"Tốt nhất mọi người không nên đọc tin tức lung tung về vaccine trước khi tiêm làm gì. Các tác dụng ngoại ý nghiêm trọng là hiếm gặp. Những lợi ích mà vaccine mang lại cho cộng đồng nhiều hơn so với tác dụng ngoại ý. Việc lo lắng thái quá với những tác dụng phụ làm chần chừ việc tiêm vaccine phòng bệnh. Những người có bệnh nền ổn định càng nên tiêm sớm vaccine phòng Covid-19 vì khi mắc càng dễ biến chứng nặng" - BS Khanh khuyên.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Vì sao một số người nổi hạch sau khi tiêm vaccine Covid-19 mũi 3?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới