Vì sao DIC Corp ‘dứt tình’ với Him Lam tại dự án 10.500 tỉ đồng?
Từng bắt tay làm dự án khu đô thị du lịch Long Tân, tỉnh Đồng Nai, nhưng mới đây, Đại Hội đồng cổ đông DIC Corp đã không thông qua chủ trương hợp tác với Công ty Cổ phần Him Lam thực hiện dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu.
Cổ đông phủ quyết bắt tay Him Lam
Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) đã thông báo kết quả lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản với việc không thông qua chủ trương hợp tác đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu và các nội dung ủy quyền cho HĐQT theo Tờ trình số 09/TTr-DIC Corp-HĐQT ngày 27/8/2020. Bởi chỉ có 33,07% cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý, 26,57% cổ phần không đồng ý, và 20,31% số cổ phần không có ý kiến.
Dự án này có quy mô 90,5 ha, được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt chọn DIC Corp làm chủ đầu tư vào cuối tháng 6/2009 và được chấp thuận đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án vào đầu tháng 8/2017. Thời hạn thực hiện dự án 15 năm, tính từ quý I/2015 đến quý IV/2026.
DIC Corp đang bế tắc về nguồn vốn để thực hiện dự án khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. |
Đến cuối tháng 7/2020, dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý về lựa chọn chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, thiết kế cơ sở; đã bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 7,2 ha/90,5 ha… Nhưng dù đã qua một nửa thời gian, doanh nghiệp vẫn chưa thể thi công do vướng mắc ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Vấn đề khó khăn nhất là chủ đầu tư chưa thể bố trí nguồn vốn khoảng 10.000 tỉ đồng riêng cho dự án này giai đoạn 2020-2026. Theo kế hoạch, vốn vay đầu tư năm nay là 2.260 tỉ đồng bao gồm 800 tỉ đồng vay cho dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Công ty cần huy động thêm vốn bên ngoài khoảng 2.300 tỉ đồng ngay trong quý IV/2020 và quý I-II/2021 để chi bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất giai đoạn 1.
Việc vay vốn ngân hàng hiện tại cũng rất khó khăn. Do đó, Hội đồng quản trị DIC Corp đưa đề xuất hợp tác với Công ty Cổ phần Him Lam – đơn vị được đánh giá có năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai các dự án đô thị lớn, có mối liên hệ với các tổ chức tín dụng lớn và thu xếp được nguồn vốn để triển khai dự án theo kế hoạch. Cụ thể, DIC Corp sẽ hợp tác với công ty con do Công ty cổ phần Him Lam chỉ định để thực hiện đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. DIC Corp và công ty đó sẽ góp vốn thành lập Công ty TNHH hai thành viên có mức vốn 700 tỉ đồng, trong đó DIG góp 65% vốn điều lệ, công ty con của Him Lam góp 35%.
Him Lam cũng không phải xa lạ vì trước đó, năm 2019, Him Lam và DIC Corp đã kí hợp đồng hợp tác kinh doanh và thành lập một Chi nhánh để quản lý thực hiện dự án Trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Thế nhưng, các cổ đông DIC Corp đã bỏ phiếu không tán thành chủ trương hợp tác với Him Lam khiến cho dự án khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu rơi vào bế tắc về nguồn vốn.
Hiện, chưa rõ ban lãnh đạo DIC Corp sẽ có phương án nào thay thế để đảm bảo nguồn vốn và tiến độ đầu tư khả thi cho dự án này.
Dấu ấn “mờ nhạt” của đại gia Him Lam
Năm 2017, DIC Corp từng gây xôn xao thị trường khi tuyên bố đầu tư phát triển dự án khu đô thị Bắc Vùng Tàu với tổng mức đầu tư lên tới 4.000 tỉ đồng, kì vọng trở thành đô thị kiểu mẫu, thúc đẩy kinh tế địa phương. Mặc dù tiến độ dự án vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, chưa xong khâu giải phóng mặt bằng thì mức đầu tư của dự án hiện đã được “thổi” lên 10.500 tỉ đồng.
Không chỉ bế tắc về nguồn vốn lớn để triển khai, DIC Corp còn “méo mặt” vì giá đất khu vực làm dự án ở Vũng Tàu tăng mạnh, dẫn tới đội chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, cũng như công tác thu hồi đất phức tạp hơn…
Trước tiến độ chậm trễ khiển khai dự án của chủ đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã 2 lần nhắc nhở DIC Corp về việc chậm tiến độ, trong khi gần trăm ha đất đai bị bỏ hoang gây lãng phí rất lớn. Tại kì họp ĐHCĐ năm 2020, lãnh đạo DIC Corp cho biết dự án khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu là 1 trong 4 dự án trọng điểm đầu tư vốn. Còn nguồn vốn cân đối ở đâu để thực hiện dự án này lại chưa được đề cập đến, bởi hiện tại dòng tiền đầu tư đang rất khó khăn, gánh nặng nợ vay rất lớn.
Quay trở lại mối quan hệ hợp tác đầu tư, DIC Corp từng kì vọng bắt tay với Him Lam để triển khai thực hiện các dự án bất động sản lớn. Điển hình như dự án Khu đô thị du lịch Long Tân (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) có tổng diện tích hơn 600 ha, tổng mức đầu tư khoảng 7.730 tỉ đồng. Dự án được phân kỳ 2 giai đoạn đầu tư thực hiện trong 8 năm (2018 – 2026). Nguồn vốn thực hiện dự án có hơn một nửa từ vốn ngân sách nhà nước, còn lại là vốn vay, vốn viện trợ và vốn từ doanh nghiệp.
DIC Corp đã phát hành hơn 47,46 triệu cổ phiếu trong năm 2019, thu được 616,7 tỉ đồng để sử dụng thanh toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư dự án khu đô thị du lịch Long Tân. Công ty cũng đã thu xếp được hạn mức tín dụng 980 tỉ đồng trong thời hạn 6,5 năm từ ngân hàng Agribank để phục vụ dự án này.
Cặp đôi DIC Corp – Him Lam đã bắt tay thực hiện các dự án bất động sản lớn song đều rơi vào tình trạng… đói vốn. |
Thế nhưng, từ sau khi ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, thành lập Chi nhánh Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng – Ban quản lý dự án DIC Him Lam đến nay, DIC Corp không hề thông tin về việc đối tác là Công ty cổ phần Him Lam thực hiện nhiệm vụ gì, đóng góp vốn ra sao? Nhất là việc Him Lam có hỗ trợ thu xếp vốn cho dự án của DIC Corp hay không, ngoài cái tên “Him Lam” được nhắc lại trong tờ trình 09 về chủ trương hợp tác ở dự án Vũng Tàu.
Dường như, Him Lam đang tìm cách thâu tóm các dự án bất động sản lớn thông qua vai trò nhà tư vấn, đối tác hợp tác phát triển dự án, mà thực tế tiến độ triển khai sau đó lại nằm bất động do… đói vốn. Không ít dự án mà Him Lam tham gia đã có tai tiếng như “quên” góp vốn ở dự án 61 Trần Phú (Hà Nội), đem thế chấp dự án nhà ở xã hội… làm dấy lên nghi vấn đại gia này “tay không bắt giặc”, không đủ năng lực đầu tư.
Những thông tin xấu của Him Lam ở loạt dự án này phải chăng khiến cổ đông DIC Corp lo ngại, bỏ phiếu phủ quyết chủ trương hợp tác đầu tư?
Cẩm Anh