Vì đâu loạt dự án về môi trường ở Hà Nội chậm tiến độ?
Mặc dù được kỳ vọng sẽ góp phần cải tạo môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, nhưng đến nay các dự án về môi trường tại Hà Nội vẫn chậm triển khai chưa hẹn ngày về đích.
Nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân Thủ đô, UBND TP.Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP.Hà Nội (Ban QLDA) triển khai một loạt dự án về môi trường.
Dự án cải tạo hồ Linh Quang
Kỳ vọng sẽ trở thành "lá phổi xanh" của Hà Nội, thế nhưng sau 16 năm, dự án cải tạo Hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa) đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện.
Hồ Linh Quang từ lâu đã trở thành nơi chứa nước thải của các hộ dân trong khu vực, gây ô nhiễm môi trường. Để cải thiện tình hình, dự án cải tạo hồ Linh Quang đã được triển khai.
Dự án được kỳ vọng sẽ là điểm nhấn đô thị cho phường Văn Chương, tạo cảnh quan và sân chơi bổ ích cho người dân. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn và vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) nên dự án bị chậm tiến độ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.
Người dân xung quanh phản ánh, việc hồ Linh Quang chậm triển khai nhiều năm gây ra hàng loạt vấn đề về ô nhiễm môi trường, vi phạm trật tự xây dựng, cho đến những vấn đề khiếu kiện về chế độ, chính sách của người dân. Nhiều cá nhân còn tranh thủ tận dụng công trường làm bãi đỗ xe để thu phí…
Giám đốc Ban QLDA Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đến nay, Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang đã cơ bản hoàn thành thi công các hạng mục nạo vét bùn, kè, đường tại phần được bàn giao mặt bằng (đạt khoảng 80% khối lượng). Hiện còn khoảng 200m kè và đường chưa thể thi công do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Trao đổi với báo Tiền phong, ông Trần Hoàng – Chủ tịch UBND phường Văn Chương cho biết, dự án bị chậm tiến độ là do chậm trễ trong công tác GPMB, có 17/208 hộ dân chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng, công tác bố trí nhà tái định cư chưa ổn thoả. Việc bàn giao không liền tuyến, ngắt quãng, không có đường thi công nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, hiện còn khoảng 200m kè và đường chưa thể thi công được. Chính quyền địa phương cũng rất mong mỏi chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Theo Chủ tịch UBND phường Văn Chương, Dự án cải tạo Hồ Linh Quang hiện do Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP.Hà Nội quản lý. Tháng 5/2020, Ban QLDA đã tổ chức họp lên ngành với UBND quận Đống Đa, Sở Xây dựng… để kiểm tra, xác nhận những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong việc triển khai dự án. Đồng thời đưa ra mốc thời gian dự kiến hoàn thành, bàn giao dự án vào tháng 6/2021.
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá
Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) có tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu yên (tương đương hơn 16.293 tỉ đồng). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư; còn lại là vốn đối ứng của TP.Hà Nội. Dự án được phát lệnh khởi công ngày 7/10/2016.
Tại thời điểm khởi công, dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào tháng 10/2019, trước 2 năm so với thiết kế ban đầu - năm 2021. Việc rút ngắn thời gian này được tính toán sẽ tiết kiệm khoảng 40 triệu USD. Tuy nhiên, với tiến độ lựa chọn nhà thầu như nêu trên, dự án không thể hoàn thành mục tiêu tiết kiệm này, mà còn có nguy cơ khó hoàn thành đúng hạn vào năm 2021 khi tiến độ đang chậm so với kế hoạch được duyệt.
Lý giải nguyên nhân các gói thầu của dự án được đóng thầu vào khoảng tháng 9/2018 nhưng tới nay mới có kết quả lựa chọn nhà thầu, bà Trương Thu Hiền, cán bộ của Ban QLDA cho biết, do quy trình tổ chức đấu thầu phải tuân thủ quy định sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, việc phê duyệt các văn bản trong đấu thầu phải nhận được sự thông qua của các cơ quan, đơn vị của 2 chính phủ trong Hiệp định vay là JICA, Bộ Tài chính…
Mặt khác, một số gói thầu thuộc dự án có thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài do những nguyên nhân riêng.
Ngoài ra, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Trong đó chủ yếu do các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào Việt Nam; việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ thi công cũng không thể thực hiện được.
Về tiến độ, với gói thầu số 1 (xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ ngày - đêm, khởi công từ ngày 17/1/2019), đến nay nhà thầu đang thi công trạm bơm nước thải đầu vào, bể phản ứng bùn hoạt tính, bể lắng, nhà điều hành, nhà xử lý nước tái sử dụng, nhà xử lý bùn, cống xả nước thải đầu ra và bể lọc cao tải.
Với gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính) và gói thầu số 3 (xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ), đều bắt đầu thi công từ ngày 18/5/2020.
Gói thầu số 4 (xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới) bắt đầu thi công từ ngày 17/7/2019. Hiện, các gói thầu đều bảo đảm tiến độ kế hoạch.
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn giai đoạn II
Chậm giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân khiến Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn giai đoạn II (huyện Sóc Sơn) bị chậm tiến độ. Theo Ban QLDA, đến nay, khu phía Nam, diện tích 36,26ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã tổ chức thi công xong. Tuy nhiên, khu phía Bắc, diện tích 37,47ha, vẫn còn hơn 14ha đất ở, chưa được bàn giao.
“Được giao đất đến đâu, Ban yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thi công ngay tới đó. Từ ngày 25/8/2020 đến nay, nhà thầu đã thi công đào đắp được khoảng 45% khối lượng trên phần mặt bằng đã có”, ông Chu Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Ban QLDA nói.
Dự án Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, Hoài Đức
Ngày 26/8/2013, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 5118/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội do Sở Tài nguyên và Môi trường làm chủ đầu tư, Ban QLDA đầu tư xây dựng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội làm đại diện chủ đầu tư.
Đề án này được UBND TP.Hà Nội phê duyệt nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng về thoát nước và xử lý nước thải của khu vực, nâng cao điều kiện sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng dự án. Nhà máy xử lý nước thải này có công suất 8.000 m3/ngày đêm, diện tích 4.900m2 với tổng mức đầu tư hơn 200 tỉ đồng, sử dụng ngân sách của TP.Hà Nội.
Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các làng nghề gây ô nhiễm khu vực như Đắc Sở, Sơn Đồng, Đức Giang, Tiền Yên của huyện Hoài Đức rồi xử lý đạt các chỉ tiêu về môi trường theo quy chuẩn Quốc gia về vệ sinh môi trường trước khi xả ra sông Nhuệ. Thời gian thực hiện dự án là 02 năm từ năm 2014 – 2016.
Tuy nhiên, sau 5 năm thi công, trạm xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng vẫn chưa đi vào hoạt động và sử dụng.
Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ, đại diện Ban Quản lý cấp thoát nước và môi trường TP.Hà Nội, Ban QLDA là chủ đầu tư được giao triển khai thực hiện dự án cho biết, có 4 nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ nhất, trong quá trình triển khai thi công xây lắp, nhiều hạng mục phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp hiện trạng, bổ sung thiết kế chi tiết, đảm bảo điều kiện thi công và bàn giao công trình như bổ sung hệ thống chống sét, đề án xả thải…
Thứ hai, dự án được phê duyệt năm 2013 trước khi có Nghị định 40/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ có hiệu lực, theo đó, để đủ điều kiện bàn giao công trình cần thiết phải bổ sung hạng mục trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục vào dự án.
Thứ ba, dự án còn một phần chưa triển khai thi công được do vướng vào đất của người dân. Thứ tư, dự án được chuyển đổi qua nhiều chủ đầu tư, do công tác phối hợp triển khai giữa các đơn vị, tập hợp hồ sơ pháp lý, quản lý chất lượng công trình còn chưa đồng bộ nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
“Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ xuất phát từ trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu khi chưa thực hiện quyết liệt trong triển khai, thiết kế còn nhiều thiếu sót dẫn đến phải chỉnh sửa” - Ban QLDA cấp nước, thoát nước và môi trường cho hay. Cũng theo lãnh đạo Ban này, cuối năm 2020, công trình nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng sẽ hoàn thiện nếu không có phát sinh ngoài ý muốn.
Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ
Trước tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, hồi tháng 9 vừa qua, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã có Thông báo số 344/TB-VP, thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án về môi trường.
Cụ thể, về Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá TP.Hà Nội. Đây là dự án trọng điểm, xử lý môi trường cấp bách được nhân dân quan tâm. Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Ban QLDA chủ động phối hợp các sở ngành, đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồng bộ 4 gói thầu, bảo đảm chất lượng, vệ sinh môi trường; giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Về Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II. Đây là dự án đặt biệt cấp bách, cần sớm triển khai hoàn thành. Yêu cầu Ban QLDA chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công tập trung nhân lực, máy móc, dành thời gian tối đa thi công dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn. Giao UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương hoàn thành công tác GPMB; có phương án bảo vệ thi công, đảm bảo thi công liên tục; lập phương án cưỡng chế đối với các hộ dân có hành vi cản trở thi công nếu đã phê duyệt phương án bồi thường, GPMB và công khai theo đúng chính sách, quy định của pháp luật…
Đối với dự án mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, giai đoạn 3. Phó Chủ tịch Thành phố giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, đồng thuận với phương án mở rộng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 3, phục vụ nhu cầu xử lý rác thải của Thành phố.
Về Dự án xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch, huyện Đông Anh và Dự án hệ thống thoát nước, hồ điều hòa, trạm bơm Vĩnh Thanh, huyện Đông Anh. Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Hùng giao UBND huyện Đông Anh phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA trong công tác GPMB; khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư phục vụ công tác GPMB dự án. Ban QLDA có trách nhiệm lựa chọn các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công bảo đảm đủ năng lực, kinh nghiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Về Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang, Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng rút kinh nghiệm, khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục, xác định giá bán nhà tái định cư đối với quỹ nhà nhà tái định cư phục vụ công tác GPMB của Dự án. Đồng thời rà soát nguồn quỹ nhà tái định cư còn dư của các dự án khác, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố để bố trí phục vụ Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang. UBND quận Đống Đa tiếp tục tập trung GPMB; phối hợp với Ban QLDA xây dựng phương án cưỡng chế đối với các trường hợp đã được nhận đủ kinh phí bồi thường, chính sách hỗ trợ theo quy định…
Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức: Ban QLDA phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thực hiện các nội dung công việc còn lại của dự án, đấu nối thiết bị và vận hành chạy thử nhà máy, hoàn thành trong năm 2020.
Hà Linh