Venice ban bố thảm họa vì ngập lụt
Venice, “thành phố kênh đào” xinh đẹp ở Đông Bắc Italy, đang hứng chịu đợt nước dâng cao thứ hai từng được ghi nhận tại đây. Mưa lớn kéo mực nước của hệ thống kênh bao quanh Venice dâng lên, khiến nhà thờ cổ kính bị ngập và các quảng trường, con hẻm chìm trong nước.
Người dân đi bộ trên lối đi được thiết kế để sử dụng trong trường hợp mực nước tại Venice dâng cao. (Ảnh: AP) |
Thị trưởng thành phố Venice Luigi Brugnaro cho biết, ông sẽ ban bố tình trạng thảm họa và cảnh báo về những thiệt hại nghiêm trọng. Theo giới chức thành phố này, mực nước đã cao tới 187cm vào lúc 10 giờ 50 phút đêm 12/11, gần chạm mức kỷ lục 194cm vào năm 1966. Ông Brugnaro cho rằng, nước dâng 187cm sẽ gây ra cho Venice “một vết thương không thể xóa nhòa”.
Trên mạng xã hội Twitter, Thị trưởng Brugnaro chia sẻ, tình hình hiện nay rất nghiêm trọng và chính quyền Venice đã đề nghị chính phủ giúp đỡ. “Chi phí sẽ rất cao. Đây là hậu quả của biến đổi khí hậu”, ông Brugnaro viết.
Mực nước cao hơn 1m đang nhấn chìm Quảng trường Saint Mark. Nhà thờ Saint Mark kế bên cũng hứng chịu đợt ngập lụt lần thứ sáu trong 1.200 năm qua. Đáng chú ý, bốn trong sáu lần nhà thờ Saint Mark bị ngập xảy ra chỉ trong vòng 20 năm qua. Hiện, chưa có ghi nhận về thiệt hại (nếu có) bên trong nhà thờ. Sau đợt ngập lụt vào tháng 10/2018, Ban Quản lý nhà thờ Saint Mark đánh giá, công trình này đã “già thêm 20 tuổi” trong vòng một ngày.
Những ngày gần đây, mưa lớn bắt đầu hoành hành tại nhiều khu vực của Italy, kéo theo tình trạng ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là tại phía nam nước này. Dự báo, thời tiết tại Italy sẽ diễn biến xấu trong những ngày tới.
Nước lênh láng trên Quảng trường Saint Mark. (Ảnh: AP) |
Người bán rau quả kéo xe trên Quảng trường Saint Mark. (Ảnh: AP) |
Người phụ nữ cõng con đi qua quảng trường vốn rất nổi tiếng với du khách. (Ảnh: AP) |
Lối vào Nhà thờ Saint Mark. (Ảnh: AP) |
* Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng cũng xảy ra tại miền bắc nước Anh từ ngày 7/11 vừa qua. Hậu quả là hàng trăm ngôi nhà bị tàn phá và hơn 1.200 tài sản cần được di dời. Sau khi bị lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn chỉ trích vì không ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định chủ trì cuộc họp của ủy ban phản ứng khẩn cấp Cobra của chính phủ trong ngày 12/11.
Nhân viên của lực lượng khẩn cấp đưa người dân tại Fishlake, South Yorkshire, Anh, tới nơi an toàn, sau khi ngôi làng của họ bị ngập. (Ảnh: Guardian) |
Sau cuộc họp này, Chính phủ Anh thông báo sẽ cấp tiền hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả của thiên tai tại những địa phương có nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của mưa lớn và ngập lụt. Theo đó, các khoản trợ cấp sẽ được chuyển đến các hội đồng địa phương và mỗi hộ gia đình chịu ảnh hưởng của thiên tai sẽ nhận được 500 bảng Anh và số tiền hỗ trợ các doanh nghiệp có thể lên tới 2.500 bảng Anh/trường hợp. Chính phủ Anh cũng sẽ huy động bổ sung 100 binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang tới miền bắc nước này để đối phó tình hình lũ lụt trên diện rộng.