Thứ sáu, 19/04/2024 14:54 (GMT+7)
Thứ tư, 28/08/2019 17:11 (GMT+7)

Ô nhiễm hạt vi nhựa: Thảm họa môi trường và sức khỏe con người

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), năm 2012, các nước thuộc Liên minh châu Âu EU đã sử dụng hơn 4.300 tấn hạt vi nhựa. 1 năm sau đó, con số đã lên hơn 299 triệu tấn. Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ độc.

Hạt vi nhựa là gì?

Vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm. Nguồn gốc của vi nhựa có thể từ các vật phẩm nhựa lớn hơn bị vỡ nhỏ ra nhưng chủ yếu từ các mặt hàng tiêu dùng chứa hạt microbead như kem đánh răng, xà phòng, sữa rửa mặt tẩy tế bào chết.

Ô nhiễm hạt vi nhựa: Thảm họa môi trường và sức khỏe con người - Ảnh 1
Hạt vi nhựa siêu nhỏ có trong một số loại kem đánh răng, sữa rửa mặt,... - Ảnh minh họa,

Các hạt này theo đường thoát nước đổ ra suối, sông và cuối cùng tập trung ra biển.Với số lượng thải ra môi trường ngày càng tăng một cách đáng kể, các hạt nhựa gây nên hậu quả nghiêm trọng: hiện tượng ô nhiễm rác thải vi nhựa.

Ô nhiễm hạt vi nhựa - thảm họa của môi trường

Sự hiện diện của vi nhựa trong đại dương đã được phát hiện vào đầu những năm 1970, nhưng mãi đến năm 2004, các nhà khoa học mới tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về sự phân bố và tác động của hạt vi nhựa.

Ô nhiễm hạt vi nhựa được gây ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên toàn cầu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy hạt vi nhựa ở mọi nơi: trong không khí, đất, sông hồ và kể cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Ô nhiễm hạt vi nhựa: Thảm họa môi trường và sức khỏe con người - Ảnh 2
Các đại dương bị ô nhiễm vì hạt vi nhựa siêu nhỏ - Ảnh minh họa.

Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Chúng cũng được tìm thấy trong các mẫu phân người lần đầu vào tháng 10 năm ngoái - bằng chứng cho thấy con người đã ăn phải hạt vi nhựa.

Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Journal of Environmental Science and Technology (Mỹ), lấy dữ liệu từ 26 nghiên cứu trước đó đã đo lượng hạt vi nhựa trong cá, động vật có vỏ, đường, muối, bia và nước, cũng như không khí trong các thành phố lớn.

Một nghiên cứu từ năm 2014 đã chỉ ra rằng có hơn 5 nghìn tỉ những mảnh nhựa nhỏ trên khắp các đại dương, và 90% trong số đó có chiều dài nhỏ hơn ¼ inch (= 6.35 mm). Nó được gọi là những hạt vi nhựa, những hạt nhỏ li ti này được cho là một sự đe dọa ghê gớm nhất, vì chúng thường bị những loài phiêu sinh vật và những sinh vật nhỏ tưởng nhầm là “đồ ăn” và từ đó theo chuỗi thức ăn vào những con cá, con chim lớn hơn hoặc vào cơ thể những sinh vật khác.

Tính mạng con người bị đe dọa do ô nhiễm hạt vi nhựa

Theo một nghiên cứu mới đây, mỗi người trung bình ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và hít vào một khối lượng tương tự. Theo báo The Guardian (Anh), đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính lượng chất thải nhựa ô nhiễm mà con người đã hấp thụ.

Ô nhiễm hạt vi nhựa: Thảm họa môi trường và sức khỏe con người - Ảnh 3
Mỗi người trung bình ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm - Ảnh minh họa.

Con số thật có thể còn cao hơn nhiều lần khi chỉ một lượng nhỏ thực phẩm và nước uống được đưa vào phân tích. Theo các nhà khoa học, việc uống nước đóng chai làm gia tăng trầm trọng số lượng hạt vi nhựa mà con người tiêu thụ.

Hiện vẫn chưa rõ cụ thể tác hại của việc ăn hạt vi nhựa đối với con người, nhưng chúng có thể chứa các chất độc hại. Một vài hạt nhỏ đến mức có thể gây tổn thương đến các mô trong cơ thể, gây ra các phản ứng miễn dịch như ho, dị ứng…

Ngoài ra, các nhà khoa học ước tính trung bình một người trưởng thành đưa vào cơ thể xấp xỉ 2 ngàn hạt vi nhựa mỗi năm thông qua muối ăn. Đây là mối nguy thực sự.

Ô nhiễm hạt vi nhựa: Thảm họa môi trường và sức khỏe con người - Ảnh 4
Hạt vi nhựa đã xuất hiện cả trong muối ăn - Ảnh minh họa.

Có thể tạm hiểu rằng, những rác thải từ nhựa mà con người đã ném xuống đại dương và sau đó chúng quay lại bằng cách xuất hiện trong bữa ăn thông qua thực phẩm là muối. Khi con người sử dụng muối biển nhiễm hạt vi nhựa đồng nghĩa sẽ mang theo hóa chất độc hại vào cơ thể.

Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Phòng Y tế Công cộng, Yếu tố Môi trường và Xã hội của WHO cho rằng, cần phải tìm hiểu nhiều hơn về tác động sức khỏe của hạt vi nhựa vì chúng có mặt ở khắp mọi nơi - kể cả trong nước uống của chúng ta. Dựa trên những thông tin hạn chế có được, hạt vi nhựa trong nước uống ở mức hiện tại dường như chưa gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên “chúng ta cần tìm hiểu thêm. Chúng ta cũng cần ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới”, bà Maria nhấn mạnh.

Theo phân tích, tóm tắt những kiến ​​thức mới nhất về hạt vi nhựa trong nước uống, hạt vi nhựa lớn hơn 150 micromet không có khả năng được hấp thụ trong cơ thể con người và việc hấp thu các hạt nhỏ hơn dự kiến ​​sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, sự hấp thụ và phân phối các hạt vi nhựa rất nhỏ trong phạm vi kích thước nano có thể cao hơn, mặc dù dữ liệu về điều này còn rất hạn chế. Do đó, cần phải có những nghiên cứu sâu để có được một đánh giá chính xác hơn về việc tiếp xúc với hạt vi nhựa và các tác động tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe con người.

Nguyễn Luận (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm hạt vi nhựa: Thảm họa môi trường và sức khỏe con người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .