Thứ năm, 09/07/2020 09:00 (GMT+7)
Về làng Bần với nghề làm tương truyền thống
Theo dõi KTMT trên
“Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Là món ăn truyền thống của người Việt, tương đi vào lòng người không chỉ bởi câu hát du dương của các bà, các mẹ mà còn nhờ hương vị đậm đà được nhiều người yêu thích.
|
Ngày nay, có rất nhiều địa phương sản xuất tương, nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến tương Bần thuộc thị trấn Bần Yên Nhân, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. |
|
Nằm cách Hà Nội khoảng 30 km, làng Bần Yên Nhân nằm ngay sát quốc lộ 5 trên tuyến đường giao thông tấp nập kết nối Hà Nội - Hải Phòng. Ngay khi đặt chân đến đây, du khách không chỉ ấn tượng bởi những chai tương đủ kích cỡ mà còn hương vị đặc trưng, nồng nàn trong không gian. |
|
Nguyên liệu làm tương Bần không khó kiếm, nhưng công đoạn làm tương cực kỳ công phu và mất thời gian. Hơn nữa, để có những bát tương vàng ươm, thơm nức và ngọt đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm của từng hộ gia đình. |
|
Nấu tương gồm ba công đoạn chính là cho xôi lên mốc, ngả đỗ và ủ tương. Đầu tiên, người nấu sẽ cho nếp ngâm sạch rồi đem đi nấu chín thành xôi dẻo. |
|
Khi xôi chín thì xới ra nong, nia rồi để khoảng hai ngày hai đêm đến khi xôi lên mốc vàng. |
|
Mỗi ngày dùng đũa đảo cơm nếp để mốc lên đều đồng thời đem xoa cho các hạt xôi tơi hơn. Gạo nếp lên mốc được nghiền trộn cùng đỗ tương, nước và gia vị rồi đem ủ ít từ hai đến ba tháng mới cho ra được một mẻ tương ngon. |
|
Để tương nhuyễn và lên màu, người làm tương phải thường xuyên khuấy tương vào buổi sáng và trưa. |
|
Ánh sáng mặt trời làm nóng chum, giúp tương chín nhanh hơn. Trời càng nhiều nắng thì tương chín càng nhanh. |
|
Dù qua nhiều thăng trầm, người dân làng Bần vẫn cố gắng giữ nghề, giữ lấy bí quyết làm ra loại nước chấm đặc sắc. Trung bình mỗi hộ làm tương tạo việc làm cho bốn đến năm lao động, nhưng khi vào vụ cao điểm từ tháng 3 đến 8, những cơ sở làm tương quy mô lớn thường thu hút 10 - 15 lao động với mức lương khoảng bốn đến năm triệu đồng/người/tháng. |
Đăng Anh - Vinh Phạm