Rộn ràng mùa thu hoạch cói ở làng nghề 200 năm tuổi
Bình Định xưa nay nổi tiếng là vùng “đất võ” đồng thời là “thủ phủ” của rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như rượu Bàu Đá, bánh tráng dừa…, và đặc biệt, chúng ta không thể không nhắc tới làng chiếu cói 200 năm tuổi, tại xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn đã vang danh khắp nơi.
Hiện nay, có hàng trăm hộ dân ở xã Hoài Châu Bắc, vẫn gắn bó với nghề trồng và làm chiếu cói, có từ cách đây 200 năm với quy mô lớn nhất miền Trung.
Những ngày này, đang là thời điểm thu hoạch cây cói. |
Chị Võ Thị Hiền, thôn Gia An Đông, xã Hoài Châu Bắc, một người có nhiều năm trong nghề dệt chiếu cói cho biết, hiện nay đang là mùa thu hoạch cây cói, thời điểm này người dân ở đây phải thức khuya, dậy sớm ra đồng chặt cói sau đó mang đi phơi để sẵn sàng nguyên liệu đưa vào sản xuất chiếu.
Sau khi thu hoạch cây cói, người dân phải mang đi phơi rất nhiều nắng để cói bạc màu. |
“Nghề làm chiếu tuy có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, nhưng cũng rất vất vả. Để hoàn thành một chiếc chiếu cói thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, bao gồm: Phơi cói, nhuộm màu cói, sau đó dệt, cắt và cột phần đầu và đuôi rồi đem đi may biên. Tất cả các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ. Hiện nay, chiếu cói thành phẩm được bán ra thị trường với giá dao động từ 65.000 đến 100.000 đồng/chiếc tùy theo kích cỡ”. Chị Hiền cho biết thêm.
Cói sau khi nhuộm màu được mang ra phơi nắng để đảm bảo màu nhuộn không bị phai. |
Được biết, hiện nay, xã Hoài Châu Bắc có diện tích trồng cói lớn nhất trong khu vực, với gần 50 ha. Trước đây hầu hết các công đoạn sản xuất đều bằng thủ công, năng suất mang lại không cao. Tuy nhiên, hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, máy dệt đã được đưa vào sử dụng nhiều hơn mang lại năng suất cao, với mỗi máy dệt người thợ lành nghề có thể làm ra 10 chiếc chiếu trên ngày.
Ngày nay chiếu được dệt bằng máy rất tiện lợi, mỗi ngày người thợ lành nghề có thể làm ra được 10 chiếc chiếu cói thành phẩm. |
Những công đoạn làm chiếu cho thấy được sự công phu, khéo léo của người thợ dệt. |
Chiếu sau khi hoàn thiện các bước, được mang đi phơi nắng thêm một lần nữa để đảm bảo độ bền. |
Chiếu cói của xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân trong tỉnh Bình Định mà còn vươn mình ra cả nước, khẳng định vị thế ở các thị trường lớn như Đông Âu, Đông Nam Á.
Tháng 9/2019, vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chiếu cói Hoài Nhơn”, có thể nói đây là cơ hội để Hoài Nhơn khẳng định chất lượng và quảng bá hình ảnh chiếu cói đi xa hơn nữa trên thị trường.
Đại Nghĩa