Thứ sáu, 29/03/2024 16:02 (GMT+7)
Chủ nhật, 21/03/2021 13:45 (GMT+7)

'Vẽ' dự án điện mặt trời áp mái nhà để hưởng giá bán cao

Theo dõi KTMT trên

Nhờ chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời, chỉ trong 1 năm, nguồn phụ tải điện của Gia Lai tăng hơn 600 MWP. Tuy nhiên, có không ít cá nhân, doanh nghiệp đã "vẽ" ra những dự án trang trại giả, kho xưởng giả nhằm sản xuất điện mặt trời.

Dù đã được đấu nối và từ lâu đã hưởng giá mua ưu đãi áp dụng cho hệ thống điện MTAMN theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng giữa tháng 3/2021, bên dưới các hệ thống điện mặt trời tại làng Kte, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai vẫn chỉ toàn là cỏ dại. Cùng với cỏ, trên đất là hệ thống hàng chục cột kim loại được bố trí để chống đỡ hệ thống mái nhà và hàng trăm tấm quang điện bên trên.

Người được thuê trông nom ở đây cho biết, từ khi được xây dựng và đấu nối tới nay, đất này vẫn bỏ hoang, chưa từng trồng hay nuôi bất cứ cây, con gì: “Họ đang đảo đất, trồng đinh lăng hay trồng gì. Họ chỉ thuê mình trông coi thôi”.

'Vẽ' dự án điện mặt trời áp mái nhà để hưởng giá bán cao - Ảnh 1
Bên dưới hệ thống điện mặt trời áp mái nhà được đăng ký làm trang trại ở xã Hbông, huyện Chư Sê.

Thực tế, không có hoạt động sản xuất, nhưng vẫn làm hồ sơ và dựng công trình để hưởng giá điện ưu đãi áp dụng cho Điện mặt trời áp mái nhà theo quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ đang là tình trạng chung của đại đa số các dự án tại hầu khắp các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Phú Thiện (tỉnh Gia Lai). Ông Hồ Minh Hậu, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Chư Sê cho biết, giữa 2020, khi mới chỉ có 13 dự án được làm tại huyện, phòng đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động thực tế của các dự án điện mặt trời. Việc kiểm tra mới diễn ra được nửa đường thì bị yêu cầu dừng lại. Ông Hậu cho hay, 5/7 dự án đã được kiểm tra đều có hồ sơ là công trình trang trại, hoặc dự án nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế hoạt động sản xuất chỉ là ảo, làm điện mới là thực.

“Đọc hồ sơ mà có trang trại nấm, dược liệu là chắc chắn là điện áp mái. Kiểm tra có trồng đinh lăng, nhưng trồng kiểu đối phó, ví dụ trồng nấm, vào kiểm tra thấy 1 dãy nhà có 3 hàng nấm, mỗi hàng thưa cách nhau khoảng 2 mét. Hoặc treo xung quanh những trụ đỡ kiểu đối phó đoàn kiểm tra, đánh giá 10 đến 20% dự án, còn lại thì bỏ đất trống”, ông Hồ Minh Hậu nêu thực tế

'Vẽ' dự án điện mặt trời áp mái nhà để hưởng giá bán cao - Ảnh 2
Một dự án điện mặt trời mái nhà ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê.

Một nhà đầu tư điện mặt trời áp mái nhà trên dự án nông nghiệp cho biết, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg có chủ trương khuyến khích phát triển điện mặt trời. Theo chủ trương này, các dự án điện MTAMN được mua với giá cao nhất là 8,38 UScent/kW (tương đương với 1.943 đồng/ kW), cao hơn hẳn các dự án điện mặt trời khác. Tuy nhiên, theo văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 về hướng dẫn việc đầu tư điện MTAMN của Bộ Công Thương quy định đối tượng được thụ hưởng giá bán điện ưu đãi của chính phủ là các hệ thống điện được đặt trên các công trình xây dựng (theo đúng Luật Xây dựng 2014) và công trình này đang được sử dụng đúng công năng, mục đích.

Theo người này, vì lợi nhuận từ chênh lệch giá giữa các kiểu đầu tư, nên doanh nghiệp sẽ tìm cách lách và đối phó với cơ quan quản lý: “Nhiều người đối phó tới mức nuôi vài con gà. Có đoàn kiểm tra thì nói là gà mới chết do dịch bệnh. Còn giờ muốn nuôi con gì thì cũng phải có thị trường, có đầu vô, đầu ra. Nói thật với nhau là đối phó, chứ giờ đáp ứng 100% hoặc giải quyết bài toán sử dụng đất thì không làm nổi”.

Hiện nay, tỉnh Gia Lai có 3.248 hệ thống điện năng lượng mặt trời, tổng công suất 604 MWp. Trong đó có khoảng 400 hệ thống áp mái trên công trình công nghiệp, trang trại, nông nghiệp công nghệ cao, với tổng công suất trên 400 MWP. Tuy nhiên, cho tới nay, các dự án điện MTAMN đang được hưởng ưu đãi theo Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ được các địa phương và ngành điện quản lý về mặt hồ sơ. Cùng với đó, các đơn vị liên quan chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng.

'Vẽ' dự án điện mặt trời áp mái nhà để hưởng giá bán cao - Ảnh 3
Các dự án điện mặt trời ở xã Hbông, huyện Chư Sê.

“Năm 2020, huyện Đức Cơ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cho chuyển đối 20 ha đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác, đồng ý cho chủ trương để các nhà đầu tư đầu tư nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích chuyển đổi. Nhà đầu tư sản xuất cây dược liệu, nấm. Việc cấp phép kinh doanh điện thì huyện không cấp phép, mà thuộc về Công ty Điện lực Gia Lai”, ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết.

Huyện khẳng định chỉ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, còn việc sản xuất-mua bán điện là việc của DN và ngành điện. Nhưng ông Võ Ngọc Quý, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết, việc xem xét chủ dự án có triển khai sản xuất thực tế hay không, công trình có đảm bảo theo Luật Xây dựng 2014 như Bộ Công Thương yêu cầu không, không thuộc chức năng của đơn vị.

“Nhà đầu tư phải làm việc với cơ quan chức năng nhà nước quản lý về xây dựng để thẩm định công trình xây dựng. Công ty điện Gia Lai chỉ thực hiện thẩm định yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà. Khi muốn nghiệm thu đóng điện thì các nhà đầu tư phải cung cấp các văn bản pháp lý. Điện lực kiểm tra trên hồ sơ nhà đầu tư cung cấp, còn thẩm định về công trình xây dựng thì công ty điện không có chức năng”, ông Võ Ngọc Quý nói.

Ông Phạm Văn Binh giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, UBND tỉnh đã giao ngành Công Thương chủ trì thực hiện việc kiểm tra hoạt động thực tế của các dự án điện mặt trời tại địa phương. Việc này sẽ được triển khai vào cuối tháng 3 và tháng 4 năm nay./.

Nguyễn Thảo

Bạn đang đọc bài viết 'Vẽ' dự án điện mặt trời áp mái nhà để hưởng giá bán cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội dự kiến xây đường tàu dọc 2 bờ sông Hồng
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Thủ đô sẽ nghiên cứu hệ thống xe buýt hiện đại hoặc tuyến monorail (hệ thống đường tàu một ray) chạy ven 2 bờ sông Hồng để kết hợp du lịch, cảnh quan.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.