VATA gửi văn bản góp ý Dự thảo Luật Đường bộ
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng và các cơ quan hữu quan góp ý về Dự thảo Luật Đường bộ.
Vận tải hành khách công cộng gồm những loại xe nào?
Trong văn bản này, VATA đã góp ý và kiến nghị sửa đổi 11 điều trong Dự thảo Luật đường bộ.
Cụ thể, văn bản của VATA khẳng định, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Dự thảo Luật Đường bộ không có khái niệm về “vận tải hành khách công cộng”, chỉ có quy định về “chính sách ưu tiên vận tải hành khách công cộng”.
VATA dẫn chứng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, “Điều 5. Chính sách phát triển giao thông đường bộ”, tại Khoản 2 “Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng; …”. Trong khi đó, điều 4, Dự thảo Luật Đường bộ có quy định: “Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ”, tại Khoản 2 “…; ưu tiên phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác”.
“Như vậy ngoài “vận tải hành khách bằng xe buýt” được gọi là “vận tải hành khách công cộng”, còn đối tượng, phương tiện vận tải hành khách nào, được gọi là “vận tải hành khách công cộng” và được hưởng “chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng””, VATA đặt câu hỏi?
Hiện nay, người dân ưa chuộng và thường xuyên sử dụng loại hình xe buýt và xe taxi để di chuyển trong nội thị, chiều dài các đoạn đường di chuyển ngắn. Loại hình vận tải khách này nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm thiểu phát thải và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, VATA Đề nghị bổ sung khái niệm, quy định về “vận tải hành khách công cộng” với nội dung xác định rõ nội hàm của vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô, gồm xe buýt, xe taxi dưới 9 chỗ ngồi vận chuyển khách nội thị và trung chuyển khách đi và đến bến xe khách.
Cần làm rõ về giá cước vận tải
Cũng tại văn bản này, VATA cũng kiến nghị làm rõ quy định về việc “quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ” tại Khoản 5 Điều 56. Cụ thể, Dự thảo Luật Đường bộ, Điều 56, tại Khoản 5 có nội dung “… quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ ….”. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải bằng ô tô trên đường bộ bao gồm hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động kinh doanh dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô. Tương ứng với 2 loại hình kinh doanh này có 2 loại cước phí.
“Làm rõ quy định về việc “quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ” tại Khoản 5 Điều 56 để phân định rõ giữa hoạt động kinh doanh vận tải và hoạt động kinh doanh dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô”, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.
VATA cũng kiến nghị sửa đổi tại Khoản 7, Điều 56 tại Dự thảo Luật Đường bộ. Cụ thể, Khoản 7 có nội dung: “Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là loại hình …… với lịch trình, hành trình cố định”. VATA cho rằng, cần sửa đổi thay thế cụm từ “cố định” bằng cụm từ “xác định”. Bởi trong quá trình hoạt động kinh doanh, vận tải có thể điều chỉnh lịch trình, tần suất chạy xe theo nhu cầu đi lại của hành khách và điều chỉnh hành trình phù hợp với hiện trạng tổ chức giao thông và kết cấu của hạ tầng đường bộ (do có thay đổi).
VATA dẫn chứng, trên cùng hướng lưu thông của phương tiện, có đoạn đường cao tốc hoặc đường tránh song hành mới được đưa vào khai thác, hoặc yêu cầu tổ chức giao thông phân luồng của cơ quan quản lý giao thông có thẩm quyền thì đơn vị vận tải có thể báo cáo cơ quan quản lý tuyến điều chỉnh lịch trình, hành trình cho phù hợp. Nếu dùng từ "cố định" như dự thảo khi các cơ quan quản lý có thể hiểu là không được thay đổi sẽ gây khó khăn, bất lợi cho các đơn vị vận tải.
Nhiều chuyên gia giao thông vận tải cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động giao thông đường bộ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã xuất hiện nhiều tồn tại và vấn đề phát sinh cần được khắc phục và hoàn thiện. Do vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Đường bộ để thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Anh Văn