Thứ tư, 15/01/2025 11:30 (GMT+7)
Thứ bảy, 31/08/2024 17:00 (GMT+7)

Bài toán bảo tồn rừng ở Hang Kia – Pà Cò

Theo dõi KTMT trên

Thiếu nguồn lực tài chính, kèm theo sức ép từ việc đảm bảo đời sống kinh tế cho cộng đồng sinh sống và “điểm nóng” tội phạm là những trở ngại đối với nỗ lực bảo vệ và bảo tồn rừng tại Khu bảo tồn thiên nhân Hang Kia – Pà Cò (Mai Châu, Hoà Bình).

Nhiều thách thức bảo tồn

Hang Kia - Pà Cò là một trong những điểm nhấn sinh thái với khu vực rừng già trên cung đường Tây Bắc ven quốc lộ 6. Tuy nhiên, do sức ép từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, hiện nay phần lớn rừng trong khu bảo tồn chỉ còn ở các đỉnh núi. Tại các thung lũng thấp và các sườn núi độ cao tương đối thấp, ít dốc, rừng đều đã chuyển thành nương rẫy. Việc phục hồi hệ sinh thái rừng đang là thách thức lớn đối với Khu bảo tồn này.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Sùng A Vàng, Phó trưởng Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò, cho biết: Từ trước khi thành lập khu bảo tồn, người dân đã sinh sống tại đây trong nhiều đời. Việc người dân sống xen kẽ trong khu vực bảo tồn là một vấn đề phức tạp bởi họ đã quen với nếp sống, sinh hoạt, làm nương rẫy từ lâu. Do đó, việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho bà con để cải thiện hiệu quả bảo tồn cần thêm thời gian, nguồn lực hỗ trợ người dân.

Bên cạnh việc ngăn chặn người dân xâm lấn, khai thác rừng trái phép, Ban quản lý Khu bảo tồn cũng vận động cộng đồng trồng lại rừng để cải thiện môi trường cũng như tình trạng đất. Tuy nhiên, trồng rừng không phải chuyện đơn giản khi phần lớn diện tích trong khu bảo tồn là núi đá, phải đi vài km mới có một vị trí có thể trồng được cây rừng.

Bài toán bảo tồn rừng ở Hang Kia – Pà Cò - Ảnh 1
Ban quản lý khu bảo tồn và người dân tham gia chương trình trồng cây "Góp lá vá rừng" tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò

Ngoài sức ép từ việc đảm bảo đời sống cho cộng đồng dân cư, Hang Kia – Pà Cò còn là một khu vực trọng điểm liên quan tới đối tượng truy nã của cả nước. Việc nhiều đối tượng bị truy nã lẩn trốn trong rừng già gây ra nhiều nguy cơ đối với người dân trong khu vực và cả lực lượng kiểm lâm khi làm nhiệm vụ tuần tra.

“Chúng tôi đang xây dựng quy chế phối hợp với lực lượng công an, quân sự liên quan tới trọng điểm có đối tượng lẩn trốn. Chúng tôi phải về làm việc với chính quyền địa phương, xin ý kiến cấp trên phối hợp với các lực lượng đó để nắm bắt tình hình ở địa bàn. Đối với đơn vị lực lượng như công an, họ có trách nhiệm theo dõi, nắm bắt tình hình đó để anh em cán bộ kiểm lâm yên tâm công tác, tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn hành vi vi phạm”, ông Sùng A Vàng thông tin.

Đi tìm lời giải

Để giải quyết những vấn đề nói trên, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò đã áp dụng nhiều cách làm khác nhau.

Trong đó, đối với công tác bảo tồn và công tác quản lý bảo vệ rừng ở khu bảo tồn, hàng năm Khu bảo tồn đều có kế hoạch kiện toàn các tổ bảo vệ rừng, các xóm phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng.

Từ đầu năm 2021, để giữ rừng, Ban quản lý đã chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn bảo vệ rừng tận gốc, tham mưu chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý rừng đặc dụng, chủ động phối hợp lực lượng công an, quân sự, UBND 6 xã thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn người dân vào khai thác, vận chuyển lâm sản và truy quét luồn sâu trong rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và giám sát đa dạng sinh học, kiểm tra việc làm nương, đốt nương của người dân, phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các vụ phát lấn, phát ven rừng đặc dụng.

Bên cạnh đó, Ban quan lý cũng thành lập chốt bảo vệ rừng; phối hợp các xóm mở hòm thư tố giác tại 15 xóm định kỳ 1 tuần 1 lần, nếu có ý kiến, kiến nghị của người dân về công tác quản lý, chố bảo vệ rừng sẽ báo cáo kịp thời đến UBND các xã, lãnh đạo Ban quản lý cùng phối hợp chỉ đạo xử lý.

Ban quản lý dự kiến triển khai chế độ chính sách theo các quy định, nghị định của chính phủ, hỗ trợ người dân trong khu bảo tồn.

Đối với cộng đồng người dân sống xen kẽ trong khu bảo tồn, Ban quản lý luôn bám sát chính quyền địa phương và các trưởng xóm, tổ chức họp xóm lồng ghép các mô hình tuyên truyền để cộng đồng hiểu rằng bảo vệ chính nguồn sống của bà con, qua đó phối hợp với khu bảo tồn.

Trọng tâm hoạt động tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận thức vai trò của việc trồng rừng và hiểu rằng họ sẽ được lợi việc bảo vệ rừng. Đồng thời, Ban quản lý cũng đề xuất kế hoạch bàn giao cho cộng đồng quản lý các diện tích rừng được trồng lại.

“Xuất phát từ nỗ lực tuyên truyền bảo tồn, phối hợp với địa phương, hiện nay bà con đã nhận thức được vấn đề, giúp chúng tôi khắc phục những khó khăn trước đây”, ông Sùng A Vàng chia sẻ.

Đến nay, tình trạng người dân vào rừng lấy gỗ chưa thể ngăn chặn được 100% nhưng đã được cải thiện rõ rệt. Trong đó, người dân sống trong vùng lõi khu bảo tồn đã hiểu được vai trò của việc bảo vệ rừng cũng như các quy định xử phạt đối với hành vi xâm lấn rừng.

Bài toán bảo tồn rừng ở Hang Kia – Pà Cò - Ảnh 2
Ông Sùng A Vàng tham gia trồng cây ở Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò

Để nâng cao hiệu quả tuần tra, bảo vệ rừng, các cán bộ kiểm lâm cũng đã bắt đầu ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, các cán bộ đã sử dụng điện thoại thông minh cập nhật ứng dụng theo dõi diễn biến rừng trên điện thoại. Nhờ vây, kiểm lâm có thể dễ dàng nắm bắt tình hình tại từng điểm trong rừng.

“Từ khi ứng dụng công nghệ, hoạt động của chúng tôi cũng thuận lợi hơn. Ngày xưa đi tuần tra chúng tôi phải cầm bản đồ giấy, không may mưa dễ bị hỏng, mà bản đồ cơ quan cũng chỉ có 1 tờ, khi đi phải cử cán bộ kỹ thuật đi cùng. Hiện nay, mỗi chiếc điện thoại thông minh là một công cụ kỹ thuật hỗ trợ quá trình tuần tra, kiểm tra rừng, anh đến vị trí nào thì có thể ghi nhận dữ liệu tại vị trí ấy và khi mang về có thể chuyển dữ liệu vào trong máy tính. Các điểm vi phạm được phát hiện cũng phải lưu lại hồ sơ”, ông Sùng A Vang cho hay.

Song song với việc quản lý, bảo vệ rừng, Ban quản lý cũng đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn, giám sát đa dạng sinh học. BQL đã thực hiện kiểm tra, giám sát 15 tuyến điều tra cây thông Pà Cò, thông đỏ, bác xanh, pơ mu… và một số loài đặc hữu khác. Kiểm tra toàn bộ số cây thông Pà Cò hiện còn và đánh giá lại sự phân bố, phát triển loài cây này trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò; giám sát, đánh điểm trên GPS và có mã hoá cho các cây để tiện theo dõi. Phối hợp UBND xã, Công an xã Đồng Tân, tổ BVR 3 xóm Tam Hòa, Bò Báu, Bò Liêm tuyên truyền và bảo vệ đàn chim di cư về địa bàn.

Dù đạt được một vài tín hiệu tích cực trong nỗ lực bảo tồn tuy nhiên, để tăng hiệu quả giữ rừng ở Hang Kia – Pà Cò vẫn là một bài toán nan giải. Bài toán này sẽ cần tới sự chung tay của cộng đồng, ban quản lý khu bảo tồn và chính quyền địa phương. Đồng thời, cần nâng cao năng lực và khả năng tiếp cận khoa học công nghệ, tăng cường các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng, Vì một Việt Nam xanh và bền vững hơn.

Bạn đang đọc bài viết Bài toán bảo tồn rừng ở Hang Kia – Pà Cò. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới