Ùn ứ rác thải tại tỉnh Bến Tre: Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre lên tiếng
Theo Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre, để xử lý vấn đề rác thải, tỉnh sẽ thực hiện tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải, thời gian hoàn thành đầu năm 2026 đi vào hoạt động trở lại với công suất 650 tấn/ngày (công nghệ đốt điện) vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trước thực trạng sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp, việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang xảy ra nhiều bất cập do Nhà máy xử lý rác thải tỉnh Bến Tre ngưng hoạt động. Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre.
- Thưa ông, việc nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng này? Biện pháp nào để xử lý tình trạng trên?
Ông Bùi Minh Tuấn - Dù có quy hoạch xử lý rác thải nhưng quỹ đất dành cho đầu tư xử lý rác thải chưa đáp ứng kịp thời với khối lượng rác thải phát sinh ngày một tăng (lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh phát sinh hơn 1.000 tấn/ngày). Chủ trương xã hội hóa quản lý rác thải được đặt ra nhưng triển khai chưa hiệu quả, cụ thể: nhà đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre không hiệu quả, phải tạm dừng hoạt động kể từ ngày 20/10/2022 để giải quyết ô nhiễm; Dự án Nhà máy xử lý rác huyện Mỏ Cày Bắc đã ngưng đầu tư kể năm 2022; Dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn huyện Bình Đại đến nay chưa triển khai, đang xin điều chỉnh chủ trương gia hạn tiến độ đầu tư.
Nguồn lực tài chính để hoàn thiện hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải còn hạn chế (tỉnh chưa bỏ ra nguồn kinh phí lớn để đầu tư); năng lực của các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải (tài chính, nhân lực, thiết bị, máy móc...) còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật môi trường là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, chậm mở rộng mạng lưới thu gom rác. Chưa đồng bộ hạ tầng thiết bị từ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải dẫn đến hạn chế triển khai nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn (theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, phân loại rác thải tại nguồn theo lộ trình tiến đến bắt buộc thực hiện sau ngày 31/12/2024).
Một số giải pháp quản lý rác thải của tỉnh:
- Tiếp tục quan tâm giải quyết vấn đề môi trường tại Bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri để tiếp nhận rác thải của tỉnh; giải quyết ô nhiễm môi trường bãi chôn lấp rác của các huyện.
- Khẩn trương thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre: UBND tỉnh ban hành Công văn số 4373/UBND-TCĐT ngày 21/7/2023 về việc thống nhất thực hiện phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre cho các cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO, nhằm tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải, thời gian hoàn thành đầu năm 2026 đi vào hoạt động trở lại với công suất 650 tấn/ngày (công nghệ đốt điện), vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, tiếp nhận và xử lý rác thải trên địa bàn: Thành phố Bến Tre, các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và huyện Chợ Lách.
- Từng bước mở rộng phạm vi thu gom rác thải khi điều kiện hạ tầng đảm bảo (phương tiện thu gom, vận chuyển, khu xử lý rác thải); từng bước triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.
- Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường và quản lý rác thải sâu rộng đến Nhân dân; xác định bảo vệ môi trường và quản lý rác thải là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội để thúc đẩy được tính tự giác. Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
- Đối với bãi rác An Hiệp, theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bến Tre ngày 24/7/2023, kể từ ngày 17/7/2023 sau khi đối thoại với người dân xã An Đức và An Hiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cùng với UBND huyện Ba Tri đã thực hiện khẩn cấp khắc phục ô nhiễm tại Bãi rác An Hiệp.Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của Phóng viên thì một số công việc trên chưa được thực hiện, một số chưa thực hiện xong. Vậy Sở đã có chỉ đạo gì liên quan đến vấn đề này?
Ông Bùi Minh Tuấn - Hiện Bãi rác An Hiệp đang được khắc phục ô nhiễm, không có việc nào chính quyền cam kết với dân mà chưa thực hiện; một số kết quả công việc đã thực hiện:
- Gia cố bờ tường, chống rò rỉ nước rỉ rác ra môi trường với chiều dài 205m/255m (đạt khối lượng 80,5%), tiếp tục hoàn thành trước ngày 10/8/2023.
- Nâng chiều cao tường rào cũ để ngăn chặn phát tán rác thải từ bãi rác ra bên ngoài bằng lưới B40: đã hoàn thành lắp ráp thanh sắt, đã dựng lưới B40 đoạn hơn 20m, hoàn thành hạng mục này trước ngày 10/8/2023.
- Nước rỉ rác thường xuyên được thu gom vào các ao chứa bên trong khuôn viên bãi rác, đã không còn chảy tràn ra môi trường bên ngoài; đã đào bổ sung 01 ao chứa nước rỉ (diện tích 870m2), tuyệt đối không để nước rỉ rác thoát ra ngoài mà chưa xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Đã hoàn thành phủ bạt với diện tích 12.000m2, đạt khối lượng 86%, tiếp tục hoàn thành 100% diện tích phủ bạt trước ngày 10/8/2023.
- Công trình nâng cấp, cải tạo Bãi rác An Hiệp: đào ao chôn lấp rác mới khoảng 0,7 ha, đạt tiến độ 80%, công việc này hoàn thành trước ngày 17/8/2023.
- Thường xuyên phun xịt bãi rác bằng chế phẩm sinh học EM để hạn chế mùi hôi, ruồi; đồng thời hỗ trợ cho gia đình xung quanh bãi rác phun xịt ruồi.
Ngày 02/8/2023 Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Lãnh đạo Công an tỉnh, Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành và huyện khảo sát tiến độ khắc phục ô nhiễm Bãi rác An Hiệp, ghi nhận kết quả đã cơ bản khắc phục, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường; các công việc vẫn tiếp tục thực hiện sẽ được hoàn thành trước ngày 17/8/2023 theo như cam kết với người dân.
- Theo người dân phản ánh, tình trạng bơm nước rỉ rác từ trong bãi rác An Hiệp trực tiếp ra ngoài môi trường vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này bên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre có nắm được hay không?
Ông Bùi Minh Tuấn - Như đã nêu nước rỉ rác đã cơ bản dẫn và thường xuyên được bơm vào các ao chứa bên trong khuôn viên bãi rác, không để nước rỉ rác chảy tràn ra môi trường bên ngoài, nhưng tại một số đoạn tường rào cũ chưa gia cố kịp thời (còn đoạn khoảng 55m), gặp mưa lớn liên tục trong những ngày qua nên vẫn còn rò rỉ nước rỉ rác ra ngoài, dự kiến hoàn thành gia cố chậm nhất đến ngày 10/8/2023; tuyệt đối không để nước rỉ rác thoát ra ngoài mà chưa xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Thưa ông, hiện nay, tình hình xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre được thực hiện ra sao khi nhà máy xử lý rác thải của tỉnh đang ngưng hoạt động? Trước khi vận hành, nhà máy xử lý rác Bến Tre đã được nghiệm thu đạt tiêu chuẩn hay chưa?
-Ông Bùi Minh Tuấn - Sau khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre bị đình chỉ hoạt động, để khắc phục các vi phạm về môi trường kể từ ngày 20/10/2022, UBND tỉnh quyết định chuyển rác từ Thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành về bãi rác An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Ba Tri); chuyển rác từ huyện Mỏ Cày Bắc về Nhà máy xử lý rác huyện Thạnh Phú; huyện Giồng Trôm tự xử lý rác của huyện bằng hình thức chôn lấp tại Bãi rác Châu Bình.
Tuy nhiên, với lượng lớn rác của Thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành về bãi rác An Hiệp, với bãi rác có diện tích 4,8ha, tiếp nhận khối lượng rác từ 210 đến 220 tấn/ngày, trong khi các hạng mục như: Xây tường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác,... và mở rộng thêm diện tích (03ha) chưa được thực hiện chưa kịp thời, bên cạnh đó, diễn biến thời tiết phức tạp đầu năm 2023 (mưa nhiều) nên dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi đã phát tán gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1.000m thuộc địa phận 2 xã An Hiệp và An Đức. Dẫn đến ngày 15/7/2023, khoảng 70 người dân (đa phần là người dân quanh khu vực bãi rác An Hiệp) đã tập trung tại ngã ba đường dẫn vào Bãi rác An Hiệp (ấp 9, xã An Đức) ngăn chặn không cho xe rác của tỉnh, huyện vận chuyển rác vào bãi rác, gây tình trạng ùn ứ xe rác.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre do Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2016 và đưa vào sử dụng tiếp nhận xử lý rác thải vào tháng 6/2018. Nhà máy gồm các hạng mục: Nhà bảo vệ, trạm cân, nhà xưởng, dây chuyền phân loại rác thải bán tự động, khu vực ủ phân compost có thể tích 60 m3, lò đốt rác có công suất 120 tấn/ngày đêm, hệ thống xử lý khói thải từ lò đốt, hệ thống nước thải công suất 50 m3/ngày đêm và các hạng mục phụ trợ khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre vẫn còn nhiều hạng mục thực hiện dang dở, chưa hoàn thiện như hợp đồng, rác thải tập kết về chưa được xử lý triệt để (chỉ xử lý khoảng 45 - 55%) nên chưa được nghiệm thu đạt chuẩn và xác nhận hoàn thành công trình xử lý môi trường.
- Hàng năm, tỉnh Bến Tre chi ra bao nhiêu tiền ngân sách để xử lý rác, nhà máy xử lý rác Bến Tre được phân bổ bao nhiêu? Vì sao nhà máy được phân bổ số tiền lớn nhưng hiện vẫn không thể hoạt động?
Ông Bùi Minh Tuấn - Ngân sách tỉnh hỗ trợ các huyện, thành phố (huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Tp Bến Tre) chi trả tiền xử lý rác cho Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre khoảng 15 tỷ đồng/năm, giá xử lý rác được tạm tính 150.000 đồng/tấn (rác tồn tại Nhà máy không được chi trả chi phí xử lý); kể từ ngày 20/10/2022 Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre tạm ngưng hoạt động, tỉnh ngưng chi trả chi phí xử lý rác cho Nhà máy.
Nhà máy không được phân bổ số tiền lớn như nội dung đặt vấn đề trên; Nhà máy không thể hoạt động do hiệu quả hoạt động xử lý kém, lượng rác tồn tại Nhà máy ngày càng lớn (khoảng 98.000 tấn), gây ô nhiễm môi trường, gần như không còn khả năng tiếp nhận, xử lý rác nên Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định xử lý hành, buộc đóng cửa để khắc phục môi trường.
- Tại báo cáo quy hoạch chung tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 – 2030 và báo cáo môi trường chiến lược của quy hoạch tỉnh, hiện tỉnh Bến Tre vẫn chưa đưa ra được giải pháp về chất thải rắn. Vậy Sở đã có phương án gì về vấn đề này, kể cả khi nhà máy xử lý rác tạm ngưng?
Ông Bùi Minh Tuấn - Quy hoạch khu xử lý rác thải, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trong đó quy hoạch xử lý rác thải, tỉnh có 03 khu xử lý rác thải tập trung:
- Khu xử lý rác thải cho khu vực đô thị phía trên (xử lý rác thải của huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm và Thành phố Bến Tre):
+ Khu 20ha tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành mở rộng trên nền Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre cũ.
+ Khu 20ha tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam.
Phương án quy hoạch 02 khu này được lựa chọn trước mắt mở rộng thêm 02ha đầu tư tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định); khu còn lại (xã An Thạnh) để dự phòng rác thải cho tỉnh, đưa vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đến giai đoạn 2025 hoặc sau 2025 đề xuất giải phóng mặt bằng khoảng 10ha để làm phương án dự phòng rác thải của tỉnh (trong trường hợp Nhà máy xử lý rác của tỉnh ngưng hoạt động sửa chữa hoặc gặp sự cố trong hoạt động không thể tiếp nhận rác thải của tỉnh), đồng thời tạo mặt bằng sạch mời gọi đầu tư xử lý rác thải công nghiệp, nguy hại và khu chứa bùn thải (đổ thải bùn thải từ nạo vét cống rảnh đô thị, bùn từ hệ thống xử lý nước thải).
- Khu liên hợp xử lý rác thải cho khu vực kinh tế ven biển 20 ha (định hướng cho phát triển hướng Đông của tỉnh sau năm 2030, định hướng đến năm 2050) được mở rộng trên nền Bãi rác An Hiệp huyện Ba Tri.
Khẩn trương thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre: UBND tỉnh ban hành Công văn số 4373/UBND-TCĐT ngày 21/7/2023 về việc thống nhất thực hiện phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, chuyển nhượng cổ phần của Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre cho các cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO, nhằm tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải, thời gian hoàn thành đầu năm 2026 đi vào hoạt động trở lại với công suất 650 tấn/ngày (công nghệ đốt điện), vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, tiếp nhận và xử lý rác thải trên địa bàn: Thành phố Bến Tre, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách.
Kiến nghị về giải pháp trong quy hoạch xử lý rác thải của tỉnh Bến Tre và bãi rác An Hiệp, PGS -TS. Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho hay: Sau khi tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm môi trường, sự cố rác thải tại tỉnh Bến Tre hiện nay và cũng là một trong những nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu, góp ý tại hai báo cáo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tôi nhận thấy, tỉnh Bến Tre cần sớm triển khai có trọng tâm hai báo cáo quy hoạch nêu trên.
Trước đó, các quy hoạch tỉnh Bến Tre cần kiện toàn các nội dung liên quan đến vấn đề môi trường. Cụ thể, chất thải rắn là một trong 5 vấn đề môi trường chính được tỉnh Bến Tre đưa vào hai báo cáo nêu trên. Tuy nhiên, cả hai báo cáo chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể nào. Do đó, tôi đã kiến nghị tỉnh Bến Tre cần bổ sung các giải pháp cụ thể vào báo cáo trước khi phê duyệt.
Cùng với đó, tỉnh Bến Tre cần phải có giải pháp tổng thể để xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt là xây dựng các trung tâm thu gom và xử lý tổng hợp tập trung, ưu tiên việc tái chế, xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh như đốt rác phát điện, làm phân bón compost,... hạn chế tối đa việc chôn lấp rác (mất đất, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nước...). Do đó, tỉnh cần xây dựng kế hoạch lâu dài, có kinh phí phù hợp cho vấn đề này và thực hiện triệt để các giải pháp trong hai báo cáo nêu trên.
Thanh Vũ