Nhiều bãi rác quá tải dẫn tới sự cố môi trường tại Bến Tre
Sau khi xảy ra sự cố môi trường tại Bãi rác An Hiệp, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bến Tre đã có báo cáo về tình hình quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri.
Bãi rác quá tải tại nhiều địa phương
Theo báo cáo số 495-BC/BCSĐ về tình hình quản lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bến Tre ngày 24/7 thể hiện, cùng với sụ phát triển kinh tế - xã hội, khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng và nhanh chóng trở thành vấn đề môi trường bức xúc.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra các chỉ tiêu cho ngành tài nguyên môi trường là đến năm 2025 tỉ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 95%, tại khu vực nông thôn đạt 80% và tỉ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%.
Cũng theo báo cáo, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 1.011,6 tấn/ngày (số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến tre năm 2022). Trong khi đó, tỷ lệ thu gom, xử lý tại các bãi chôn lấp và nhà máy xử lý rác thải tập trung là 419,5 tấn/ngày.
Cụ thể, lượng rác thải phát sinh tại đô thị là 300 tấn/ngày, được thu gom, xử lý tại cơ sở xử lý rác thải tập trung là 281 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 93,7%; lượng rác thải phát sinh tại nông thôn là 711,6 tấn/ngày, được thu gom và xử lý là 458,3 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 64,4%. Đồng thời, tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn của tỉnh Bến Tre ước khoảng 15%.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày càng tăng và nhanh chóng trở thành vấn đề môi trường bức xúc. Nhiều bãi rác trải khắp các địa phương trong tỉnh đang trong tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Cụ thể, Nhà máy xử lý rác huyện Thạnh Phú tiếp nhận xử lý rác của huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Thạnh Phú với khối lượng 27 - 33 tấn/ngày (huyện Thạnh Phú: 20 - 25 tấn/ngày; huyện Mỏ Cày Bắc: 7 - 8 tấn/ngày). Người dân gần khu vực Nhà máy này luôn có phản ảnh về mùi hôi, ruồi và ô nhiễm môi trường từ Nhà máy.
Đưa ra giải pháp về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp và tỉnh Bến Tre, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường cho hay:Đơn vị vận hành bãi rác An Hiệp phải nhanh chóng khắc phục, ngăn chặn không để nước rỉ rác chảy ra sông Hàm Luông, ra đất của người dân sống xung quanh. Có biện pháp xử lý mùi hôi phát tán từ bãi rác.
Sớm hoàn thiện về quy hoạch bãi rác, xây dựng trạm xử lý rác đúng quy chuẩn, xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác đúng quy chuẩn, xử lý việc phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời phải xây hành lang bảo vệ môi trường xung quanh bãi rác, áp dụng các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Tiếp đến, huyện Giồng Trôm thu gom khoảng 20 -25 tấn rác/ngày và được vận chuyển về Bãi rác Châu Bình chôn lấp. Bãi rác này có diện tích 1,3ha với khả năng tiếp nhận rác của huyện chôn lấp chưa đến năm 2026 sẽ bị lấp đầy và nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
Trước đó, khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre chưa đóng cửa thì một phần rác của huyện Giồng Trôm phía tiếp giáp TP.Bến Tre được chuyển về Nhà máy để xử lý, còn lại được chuyển về Bãi rác Tân Thanh chôn lấp. Tuy nhiên, hiện tại Bãi rác Tân Thanh đã bị ô nhiễm, không còn khả năng tiếp nhận rác nên đã ngưng hoạt động, chờ xử lý ô nhiễm để đóng cửa theo quy định.
Tại huyện Mỏ Cày Nam, lượng rác thu gom khoảng 30 - 32 tấn rác/ngày được chuyển về Bãi rác An Thạnh xử lý. Bãi rác này có diện tích khoảng 2ha và hiện đã quá tải tiếp nhận rác, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đối với huyện Chợ Lách, khối lượng thu gom khoảng 20 - 25 tấn rác/ngày được chuyển về Bãi rác thị trấn Chợ Lách xử lý. Bãi rác này có diện tích hơn 0,6ha và hiện đã quá tải tiếp nhận rác. Bên cạnh đó, Bãi rác thị trấn Chợ Lách nằm trong thị trấn nên đã gây ô nhiễm môi trường khiến người dân thường xuyên phản ánh.
Còn tại Huyện Bình Đại, khối lượng thu gom khoảng 30 - 35 tấn rác/ngày được chuyển về Bãi rác thị trấn Bình Đại xử lý. Bãi rác này có diện tích khoảng 2ha, hiện đã quá tải tiếp nhận và rác tại đây không được xử lý rác dẫn đến nước rỉ rác, mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đặc biệt tại Bãi rác An Hiệp thuộc huyện Ba Tri, bãi rác này tiếp nhận lượng rác với khối lượng 210 - 220 tấn/ngày (huyện Ba Tri khoảng 50 tấn/ngày; TP.Bến Tre và huyện Châu Thành khoản 160 - 170 tấn/ngày).
Kể từ thời điểm tháng 10/2022, Bãi rác An Hiệp tiếp nhận lượng lớn rác của tỉnh Bến Tre, trong khi các hạng mục như tường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác,… và mở rộng diện tích (3ha)của bãi rác thực hiện chưa kịp thời.
Cùng với đó, do mưa nhiều dẫn đến tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1km thuộc địa phận 2 xã An Hiệp và xã An Đức (huyện Ba Tri).
Do bức xúc, vào lúc 14h ngày 15/7/2023, một số người dân chặn xe chở rác, ngăn cản không cho đổ rác tại Bãi rác An Hiệp. Từ thời điểm đó, các xe rác không có chổ đổ, dẫn đến lượng rác ùn ứ trong phạm vi lớn thuộc địa bàn huyện Ba Tri, huyện Châu Thành và TP.Bến Tre gây tác động đến nhân dân và an toàn xã hội.
Hiện nay, Bãi rác An Hiệp là nơi duy nhất tiếp nhận lượng lớn rác thải của tỉnh, việc không khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết các kiến nghị của người dân và thông tin lại cho người dân biết để tiếp tục thực hiện vận chuyển rác thì sẽ gây bất ổn về môi trường, an ninh và xã hội trên phạm vi rộng (huyện Ba Tri, huyện Châu Thành và TP. Bến Tre)
Nhiều giải pháp cấp thiết được đưa ra
Trước thực trạng trên, báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bến Tre cũng đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý rác thải của tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, về công tác quy hoạch khu xử lý rác thải, Dự thảo quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, về quy hoạch xử lý rác thải, tỉnh có 03 khu xử lý rác thải tập trung.
Cụ thể, Khu xử lý rác thải cho khu vực đô thị phía trên (xử lý rác thải của huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm và TP. Bến Tre) tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành mở rộng trên nền Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre cũ (diện tích khoảng 20ha) và vị trí tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam (diện tích 22ha).
Bên cạnh đó, Khu liên hợp xử lý rác thải cho khu vực kinh tế ven biển 20ha (định hướng cho phát triển hướng Đông của tỉnh sau năm 2030, định hướng đến năm 2050) được mở rộng trên nền Bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri).
Tiếp đó, về việc khẩn trương thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, UBND tỉnh đã ban hành Công văn thống nhất và chỉ đạo thực hiện phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, thời gian hoàn thành chậm nhất đến năm 2026 đi vào hoạt động trở lại, tiếp nhận và xử lý rác thải của tỉnh.
Đối với vấn đềgiải quyết rác tạm thời tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm trong thời gian chờ hoàn thành tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, sẽ tiếp tục phân loại rác thu phế liệu để giảm rác phải chôn lấp, thực hiện chôn lấp, thường xuyên phun xịt xử lý mùi; xem xét ngân sách Nhà nước đầu tư 3 lò đốt rác (công suất 12 - 15 tấn rác/ngày, kinh phí khoảng 7 tỷ đồng/lò) cho Bãi rác của 3 huyện; lò đốt rác hoạt động đốt rác trong thời gian 3 - 4 năm chờ đưa rác về Nhà máy rác của tỉnh xử lý.
Sau đó, lò đốt rác tiếp tục vận hành để đốt lượng rác tồn của huyện tại bãi rác và các khu vực khác (nếu có), giải quyết được ô nhiễm để thực hiện đóng cửa bãi rác các huyện, nên việc đầu tư lò đốt rác cho các huyện là cấp thiết, không lãng phí.
Còn về vấn đề giải quyết rác thải tại huyện Bình Đại, UBND huyện Bình Đại phải nâng cấp, cải tạo Bãi rác thị trấn Bình Đại, xử lý ô nhiễm để tiếp tục tiếp nhận xử lý rác của huyện trong thời gian chờ hoàn thành đầu tư Nhà máy xử lý rác huyện Bình Đại tại xã Đại Hoà Lộc (nhà đầu tư Công ty TNHH Phong Thạnh Phát).
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư Nhà máy, thực hiện đóng cửa Bãi rác thị trấn Bình Đại, giải quyết ô nhiễm khi Nhà máy được đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động.
Đặc biệt, tiếp tục thực hiện các công việc khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường tại Bãi rác An Hiệp, hoàn thành trước ngày 10/8/2023.
Cụ thể, phủ bạt với diện tích 1,4ha các ao lấp đầy rác đạt về độ cao (chỉ định thầu, với dự toán kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023 đã phân bổ cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện), gia cố chống nước rỉ rác thoát ra bên ngoài (không để nước rỉ rác thoát ra bên ngoài khi chưa xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường), nâng cao tường chắn rác bay.
Bên cạnh đó, tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình nâng cấp, cải tạo Bãi rác An Hiệp (ao chứa rác, hệ thống gom nước rỉ rác, ao đủ lưu chứa nước,…) và dự án mở rộng (03ha) để tiếp nhận rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, xem xét đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải rỉ rác (với công suất 30m3/ngày đêm, với kinh phí khoảng hơn 3,5 tỷ đồng) nếu cấp thiết để tiếp nhận rác của tỉnh khoảng 3 năm chờ hoàn thành tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre. Sau đó, hệ thống xử lý nước thải này tiếp tục vận hành xử lý nước thải do bãi rác vẫn tiếp nhận xử lý rác thải của huyện (nên đầu tư này không lãng phí).
Cam kết sẽ khắc phục vấn đề nước rỉ rác, bốc mùi,... trong vòng 30 ngày tại Bãi rác An Hiệp
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Võ Văn Đạt, Chánh văn phòng huyện Ba Tri cho hay, vừa rồi bên chính quyền cũng đã đối thoại với khoảng 80 hộ dân, cũng đã cam kết với dân trong vòng 30 ngày thì sẽ khắc phục vấn đề nước rỉ rác, vấn đề bốc mùi,...
Trước mắt, sẽ thuê một đơn vị có chuyên môn gia cố lại ao, có phủ bạt kín bãi rác. Còn về phần tường bao sẽ lắp thêm lưới B40 để ngăn rác không bay qua nhà dân. Đối với an sinh xã hội, những hộ dân xung quanh đó ai có còn nhiều khó khăn thì sẽ quan tâm, hỗ trợ cho họ nhiều hơn. Giải pháp lâu dài, sẽ thuê lại các khu đất của người dân liền ranh với bãi rác để trồng cỏ, cây xanh để giảm ô nhiễm từ bãi rác.
“Cam kết nếu trong 30 ngày không giải quyết được những vấn đề như rỉ rác, bốc mùi,... thì sẽ không đưa rác của TP. Bến Tre và huyện Châu Thành về Bãi rác An Hiệp, chỉ đổ rác của huyện Ba Tri, như vậy người dân sẽ hạ nhiệt vì rác tại huyện Ba Tri cũng không có nhiều”, ông Đạt nhấn mạnh.
Thanh Vũ