Tuyên Quang: Cận cảnh nhiều khu nhà trong bệnh viện huyện xây xong để...cỏ mọc
Sau nhiều năm hoàn thành các hạng mục xây dựng BVĐK huyện Lâm Bình nhưng chưa được đơn vị đưa vào hoạt động, tình trạng trên khiến hàng trăm tỷ đồng vốn đầu tư công không thể phát huy hiệu quả và gây bức xúc trong dư luận...
Nhiều người dân trên đia bàn huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang không khỏi thắc mắc khi các hạng mục công trình BVĐK huyện Lâm Bình đã hoàn thiện nhiều năm nhưng chưa được đưa vào hoạt động, làm lãng phí vốn đầu tư công, nhiều cơ sở hạ tầng mới xây dựng xuống cấp, cũng như ảnh hưởng quyền lợi của người dân.
Qua tìm hiểu, dự án BVĐK huyện Lâm Bình được xây dựng tại xã Lăng Can, có quyết định phê duyệt chủ trương xây dựng đầu tư công trình từ năm 2013 với mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong huyện và khu vực lân cần với quy mô đạt 100 giường bệnh nội trú.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2013 – 2015, xây dựng với quy mô 50 giường bệnh, ưu tiên xây dựng trước và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình: Khoa khám bệnh, khoa gây mê phẫu thuật, hồi sức cấp cứu; nhà điều trị nội trú bệnh nhân các khoa (nội, ngoại, sản, nhi); khu xử lý nước thải y tế, chất thải rắn và các hạng mục phụ trợ.
Giai đoạn từ sau năm 2015 xây dựng tiếp 50 giường bệnh để thực hiện các kỹ thuật chuyên môn sâu, các chuyên khoa và hạng mục phụ trợ còn lại, mua sắm và lắp đặt hoàn chỉnh trang thiết bị y tế, thiết bị nội thất cho công trình theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về y tế và xây dựng.
Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày 5/5/2023, dự án BVĐK huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang chỉ đưa 2 tòa nhà vào hoạt động trong số 5 tòa nhà của bệnh viện, 3 tòa nhà còn lại bị bỏ không, cỏ mọc um tùm, cơ sở hạ tầng xuống cấp...
Chia sẻ thông tin với PV, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Lâm Bình xác nhận có hiện trạng về một số tòa nhà xây xong nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng tại dự án xây dựng BVĐK huyện Lâm Bình. Và việc chậm bàn giao đưa vào sử dụng cũng có nguyên nhân của nó.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận:
Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ làm việc với các đơn vị hữu quan để ghi nhận ý kiến cũng như những khó khăn vướng mắc của tình trạng trên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần đặt đi đặt lại vấn đề lãng phí. Đồng chí đã từng nói: Cùng với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ, Quốc hội cũng cần coi trọng vấn đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí hằng năm và cả nhiệm kỳ. Bởi đôi khi thất thoát, lãng phí không kém gì thất thoát do các vụ án tham nhũng, tiêu cực gây ra, thậm chí còn lớn hơn cả tham nhũng.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Nhóm Phóng Viên