Chủ nhật, 24/11/2024 23:18 (GMT+7)
Thứ tư, 21/09/2022 11:15 (GMT+7)

Tuyên Quang: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng tại Na Hang

Theo dõi KTMT trên

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, Chủ tịch tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh vụ phá rừng tại Na Hang.

Sáng 20/9, trao đổi nhanh với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết ngay sau khi Tạp chí đăng tải thông tin phản ánh về việc phá rừng ở Na Hang, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu Sở tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin Tạp chí nêu.

Tuyên Quang: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng tại Na Hang - Ảnh 1
Hàng trăm gốc cây lớn trong rừng tự nhiên bị chặt hạ. (Ảnh chụp ngày 13/6/2022).

Theo ông Việt, trong ngày 20/9, các cơ quan chức năng huyện Na Hang sẽ tiến hành kiểm tra khu vực rừng bị chặt hạ theo phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Sau khi tiến hành kiểm tra, có kết quả báo cáo, đơn vị sẽ tổ chức một buổi làm việc, trả lời chi tiết về từng vị trí cây bị chặt hạ mà Tạp chí đã phản ánh.

Ngoài ra trong quá trình trao đổi với phóng viên, ông Việt khẳng định khu vực rừng bị chặt hạ không phải là rừng đặc dụng mà chỉ là rừng sản xuất, đồi núi trọc. 

Tuyên Quang: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng tại Na Hang - Ảnh 2
Các gốc cây bị chặt hạ nằm trong khu vực rộng lớn. (Ảnh chụp ngày 13/6/2022)

Cũng theo vị Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh được quản lý chặt chẽ và không có chuyện bị chặt phá. 

Trước đó, vào tháng 6/2022, Phóng viên nhận được thông tin phản ánh của người dân thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang về việc rừng tự nhiên bị chặt phá. 

Tuyên Quang: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng tại Na Hang - Ảnh 3
Theo người dân địa phương việc phá rừng diễn ra trong một thời gian dài. (Ảnh chụp ngày 13/6/2022)

Tại hiện trường, chúng tôi lần lượt phát hiện ra những gốc cây gỗ lớn đã bị các lâm tặc chặt hạ. Theo ghi nhận của phóng viên, các gốc cây bị chặt hạ có đường kính từ 25 – 75cm. Rải rác xung quanh, có một số gốc cây chu vi rất lớn,... Theo người dân địa phương, những cây gỗ này bị chặt hạ mới vài tháng trở lại, vì vỏ cây vẫn còn tươi nguyên...

Liên quan đến việc xử lý giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân địa phương xung quanh việc rừng tự nhiên trên địa bàn bị chặt phá, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp công dân các huyện Na Hang, Yên Sơn, Chiêm Hóa tại trụ sở tiếp công dân tỉnh Tuyên Quang vào ngày 16/8.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Tuyên Quang hoàn thiện hệ thống sản xuất, xác minh các hành vi để xử lý.

Chủ tịch tỉnh giao UBND huyện Na Hang chỉ đạo giải quyết dứt điểm kiến nghị của các công dân và thông báo kết quả giải quyết.

Ngày 1/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Bày tỏ băn khoăn về nạn phá rừng, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, năm 2021 diện tích rừng bị thiệt hại là 2.081 ha, tăng 29,3% so với năm 2020. Trong đó, diện tích rừng bị cháy là 1.229 ha, gấp 1,7 lần, các vụ chặt phá rừng là 852 ha, thậm chí ngay cả rừng ở vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển vẫn bị chặt phá. Độ che phủ rừng cả nước đạt 42%, song bình quân hàng năm nước ta suy giảm khoảng 2.500 ha rừng. Từ năm 2001 đến 2019, gần 20% rừng nguyên sinh đã bị mất đi, diện tích rừng nguyên sinh còn lại ít, bị chia cắt, cô lập thành những khu vực nhỏ, phân bố rải rác ở một số khu vực như Tây Nguyên, Tây Bắc. Chất lượng rừng tự nhiên được đánh giá thấp nên khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.

Theo nghiên cứu của Quỹ châu Á cho thấy, trong 20 năm qua, Việt Nam là một trong năm quốc gia có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu với mức thiệt hại ước tính đến 1,5% GDP hàng năm. Diện tích rừng suy giảm lớn đã gây nhiều hậu quả nặng nề về lũ lụt, môi trường ngày càng khắc nghiệt, các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất ngày càng nhiều. Nơi cư trú của động vật hoang dã đã bị thu hẹp hoặc mất đi, sự đa dạng sinh học ngày càng suy giảm. Do đó, việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, các khu bảo tồn đa dạng sinh học là vấn đề cấp thiết.

“Tôi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi phá rừng. Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế tại các khu vực này cần đánh giá thận trọng. Việc trồng rừng thay thế cần phải được thực hiện nghiêm túc, tránh việc nộp tiền thay cho diện tích rừng bị mất đi”, đại biểu Bùi Xuân Thống nhấn mạnh.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Nam Cường

Bạn đang đọc bài viết Tuyên Quang: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xác minh thông tin phá rừng tại Na Hang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới