Thứ năm, 25/04/2024 17:25 (GMT+7)
Thứ hai, 21/11/2022 09:55 (GMT+7)

Từ văn bản Luật Thuế bất động sản tới bước thực hiện còn khoảng cách xa

Theo dõi KTMT trên

Thuế đối với đất đai và tài sản đầu tư trên đất của Việt Nam so với các nước vẫn rất lạc hậu. Thuế tài sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,034% GDP, trong khi đó, thuế này của Indonesia chiếm 0,42%, của Thái Lan chiếm 0,25%, của Philippines chiếm 0,84%...

Thuế bất động sản của Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu

Kể từ 2008 đến nay, Bộ Tài chính có ít nhất 5 lần lấy ý kiến về các phương hướng xây dựng Luật Thuế tài sản liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Song, lần lấy ý kiến nào cũng chỉ gây ồn ã trên công luận, rồi sau đó lại rơi vào im lặng, theo chuyên gia cho biết.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường GS. TSKH Đặng Hùng Võ đã nêu rõ một thực trạng đáng buồn cho sự phát triển chung của nền kinh tế: “Thuế đối với đất đai và tài sản đầu tư trên đất của Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu, điều này thể hiện rõ nét ngay khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á chứ chưa cần ở đâu xa”.

Từ văn bản Luật Thuế bất động sản tới bước thực hiện còn khoảng cách xa - Ảnh 1
Thuế đối với đất đai và tài sản đầu tư trên đất của Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu. (Ảnh minh họa)

Hiện nay thuế tài sản của Việt Nam chỉ chiếm 0,034% GDP. Trong khi đó thuế này của Indonesia chiếm 0,42%, của Thái Lan chiếm 0,25% và của Philippines chiếm 0,84%, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho biết.

So với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), thuế tài sản của nhóm các nước G7 đều đạt từ 1-4% GDP, của các nhóm các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ cũng đạt từ 0,2-1%, trung bình toàn khối OECD đạt 1,856%.

Ở tất cả các nước, trong đó có cả Việt Nam, thuế này đều thu cho ngân sách địa phương. Tại các nước G7, Anh là quốc gia có mức đóng góp thuế cho ngân sách địa phương ở mức cao nhất (90%) và Đức là quốc gia thấp nhất (40%).

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ đưa ra nhận định: "Như vậy, thuế tài sản tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% của nhóm các nước phát triển trung bình thuộc Hiệp hội ASEAN, chỉ bằng khoảng 1,6% mức trung bình của nhóm các nước OECD, và chỉ bằng khoảng 1% của các nước thuộc nhóm G7. Hiệu quả của một hệ thống thu trong đó có thuế tài sản thấp sẽ cho thấy các hệ lụy xấu".

7 hệ lụy xấu có thể xảy ra nếu không có những cải cách thiết thực

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ đã chỉ ra 7 hệ lụy xấu có thể xảy ra nếu không có những cải cách thiết thực đối với hệ thống thuế bất động sản trong tương lai.

Thứ nhất, mọi người dân sẽ đều muốn trữ tiền tiết kiệm vào bất động sản thay vì đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, hiệu suất sử dụng đất rất thấp. Thực trạng các khu đô thị "ma" vắng bóng người ở, các dự án "treo" có đất rồi nhưng không triển khai dự án hoặc triển khai chậm trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất.

Thứ ba, chất lượng cuộc sống đô thị sẽ suy giảm nhanh chóng. Lý do là bởi "làn sóng" di cư về các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ, trong khi tốc độ đầu tư hạ tầng không thể theo kịp tốc độ gia tăng dân số.

Thứ tư không đủ kinh phí Nhà nước để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng tại đô thị vì không có nguồn thu thường xuyên cho mục đích này.

Thứ năm, tình trạng đầu cơ đất đai tăng lên vừa làm giá bất động sản tăng cao, vừa làm nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thấp, vừa gây khó khăn cho giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp.

Thứ sáu, thị trường bất động sản không ổn định, khi “sốt nóng” quá nhanh nhưng rơi vào trạng thái “đóng băng” cũng nhanh. Thực tế cho thấy thị trường bất động sản nước ta đóng băng trong giai đoạn 2003-2006, sốt giá mạnh trong giai đoạn 2007-2008, rồi lại rơi vào đóng băng trong giai đoạn 2009-2013, phục hồi và phát triển trong giai đoạn 2014-2018, giảm sâu cung từ 2018, sốt giá từ 2020 và lại đang đứng yên từ 2022 do gần như không có cung. Hiện nay, dự án treo rất nhiều, dự án nằm chờ phê duyệt cũng nhiều nhưng không thể phê duyệt.

Thứ bảy, chất lượng đô thị hóa thấp, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn chúng ta cần phải đẩy mạnh chất lượng quá trình đô thị hóa, cần nhiều kinh phí hơn để thực hiện việc xây dựng đô thị theo triết lý “phát triển xanh” và “phát triển thông minh”.

Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có tỷ suất thuế rất thấp chứ chưa đánh thuế vào tài sản gắn liền với đất.

“Thu nhập của người lao động tại Việt Nam hiện nay đa phần còn quá thấp, đồng lương kiếm được gần như không có đủ phần để dành dụm ra mua chỗ ở. Chính vì vậy, mọi cải cách về thuế bất động sản đều là những vấn đề rất nhạy cảm nếu đứng từ phía nhân dân, nếu như đề án luật thuế này không làm rõ việc không tăng thuế đối với đối tượng nào và tăng thuế đối với đối tượng nào”, ông Võ đưa ra nhận định.

Bộ Tài chính cho rằng, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí triển khai tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến chính sách thuế. Ngoài ra, tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan nhằm hoàn thiện, đồng bộ các quy định của pháp luật, xây dựng Bộ tiêu chí rủi ro đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Từ văn bản Luật Thuế bất động sản tới bước thực hiện còn khoảng cách xa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.