Thứ bảy, 23/11/2024 03:22 (GMT+7)
Thứ ba, 20/06/2023 13:00 (GMT+7)

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Mỗi cán bộ Phóng viên, Nhà báo, những người làm báo trong lĩnh vực môi trường, kinh tế môi trường luôn đẩy mạnh việc lan toả và thực hành Đạo đức môi trường - Văn hoá ứng xử của con người với thiên nhiên để bảo vệ, giữ gìn Mẹ Trái đất.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường từng chia sẻ quan điểm: Đạo đức môi trường – Văn hóa ứng xử của con người với thiên nhiên dẫn lối cho nhân loại chung tay bảo vệ Mẹ Trái Đất, nơi duy trì sự sống cho muôn loài. Vì thế, mỗi cán bộ Phóng viên, Nhà báo, những người làm báo trong lĩnh vực môi trường, kinh tế môi trường luôn đẩy mạnh việc lan toả và thực hành Đạo đức môi trường - Văn hoá ứng xử của con người với thiên nhiên để bảo vệ, giữ gìn Mẹ Trái Đất, thiết thực góp phần Vì một Việt Nam xanh, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Nhà báo Hồ Ngọc:Nghề báo và kỷ niệm về những chuyến đi thiện nguyện

Tháng 6 luôn là thời gian đặc biệt của những người làm báo với những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm. Bước chân vào nghề báo từ một chàng sinh viên không được đào tạo về chuyên môn nhưng với sở thích di chuyển và trải nghiệm, tôi đã đi, đã viết và đã có những kỷ niệm không bao giờ quên.

Hành trình xuyên tâm lũ

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Nhà báo Hồ Ngọc trong một chuyến công tác.

Sinh ra, lớn lên và thường xuyên tác nghiệp trên dải đất miền Trung – nơi luôn phải gánh chịu những thiên tai khốc liệt, tôi và các đồng nghiệp đã từng nhiều lần xuyên qua bão, lũ đến với người dân để đưa những hình ảnh, những thước phim đến với bạn đọc. Chính từ những phóng sự thực tế đó, người dân trên mọi miền Tổ quốc đã hiểu được nỗi khổ cực của đồng bào miền Trung ruột thịt.

Chỉ trong ít ngày sau khi cơn lũ quét qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, rất nhiều nhu yếu phẩm đã được bạn đọc cả nước chuyển đến tay người dân vùng lũ. Tôi không thể nào quên hình ảnh các bà, các mẹ thức thâu đêm để xếp chăn màn, quần áo, nấu bánh chưng, chuẩn bị đồ ăn sẵn, nước uống… để nhờ các nhà báo, phóng viên đem đến hỗ trợ cho người dân. Thức dậy từ tờ mờ sáng, tôi và các đồng nghiệp cùng các mạnh thường quân, bạn bè… bốc vội hàng hoá cứu trợ lên những chiếc xe tải để kịp giờ đến với những hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu nơi tâm lũ.

Vượt qua những hiểm nguy, những dòng nước cuộn đỏ cao lên đến đầu gối, tôi cùng các đồng nghiệp và bạn đọc đã phối hợp với chính quyền địa phương (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vào từng nhà, trao từng suất quà và động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Những nụ cười của người dân nơi tâm lũ có lẽ là hình ảnh không thể nào quên với những người làm báo khi đã góp một phần nhỏ để khắc phục những bề bộn khi nước lũ tràn qua.

Chuyến xe “Sưởi ấm bản cao”

Mưa lũ vừa qua đi nhưng cuộc sống thường ngày trên dải đất miền Trung đầy nắng gió vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh éo le, những phận đời cần được giúp đỡ, nhất là bà con nơi vùng cao, biên giới. Tiếp tục lan tỏa yêu thương, những ngày cuối năm, khi mùa đông giá lạnh bắt đầu, tôi cùng đồng nghiệp lại tiếp tục đồng hành cùng các nhà hảo tâm mong muốn đưa đến một mùa đông ấm áp, một cái Tết ấm no cho bà con dân tộc Thái tại xã Cam Lâm, huyện Con Cuông (Nghệ An) – nơi người già, trẻ em không có nổi tấm chăn, manh áo ấm, các gia đình lay lắt bên những mái nhà xuống cấp không đủ che gió, che mưa

Đêm 28/11/2020, ngay sau khi chọn được địa điểm, tại điểm tập kết quà thiện nguyện tạm thời ở thôn Mỹ Thịnh, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), nhiều người dân địa phương đã tập trung sắp xếp các phần quà cho bà con đồng bào dân tộc Thái ở vùng cao. Có người dù chưa một lần đặt chân đến Con Cuông nhưng khi nghe kể về cuộc sống khó khăn của đồng bào mình thì rất nhiệt tình tham gia công tác chuẩn bị cùng đoàn thiện nguyện. Một không khí nhộn nhịp và ấm áp khi các bà, các chị nhanh tay gấp gọn quần áo, chăn ấm vào túi; các đoàn viên thanh niên tranh thủ di chuyển gạo, nước uống, mỳ tôm… lên xe tải. Tất cả không ai bảo ai đều trách nhiệm, khẩn trương để kịp cho hành trình sáng sớm ngày mai.

Chuyến xe sẻ chia Tết ấm vượt hàng trăm km để đến với bà con Cam Lâm đã gặp rất nhiều khó khăn khi lăn bánh trên cung đường đất với đầy rẫy những “ổ gà”, “ổ voi”. Đoàn xe liên tiếp phải dừng lại để hỗ trợ chiếc xe tải ì ạch với hàng tấn hàng. Không lâu sau đó, chiếc xe tải bị lầy trong bùn đất giữa một con dốc cao và không thể tiếp tục hành trình mặc dù chỉ còn 3km nữa là đến UBND xã Cam Lâm - nơi đang có 120 hộ nghèo đang chờ đoàn thiện nguyện đến trao quà. Giữa con đường rừng hẻo lánh và lầy lội, đại diện của đoàn đã hội ý với lãnh đạo huyện và xã thống nhất thực hiện phương án bất đắc dĩ: Trao quà ngay trên đường đi. Lúc bấy giờ, lãnh đạo chính quyền địa phương đã liên lạc, mời bà con di chuyển thêm 3km để nhận quà vì số lượng hàng hóa là khá nhiều và xe của đoàn thì không thể tiếp tục di chuyển được. Chỉ một thời gian ngắn, rất đông bà con đã có mặt tại điểm tập kết và cũng rất vui vẻ, thông cảm cho đoàn vì họ cũng quá hiểu hoàn cảnh giao thông của địa phương.

Không lâu sau, trong hai ngày 25 và 26 tháng 11 năm 2021, tôi lại được vinh dự tham gia chương trình trao quà từ thiện và trồng cây xanh tại nhiều địa điểm của xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An do Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức. Tại đây, đoàn đã trao tặng 1 bộ máy tính, trồng cây xanh và động thổ xây dựng công trình công cộng trong khuôn viên chùa Chung Linh; trao tặng sữa và 5 quyển sổ tiết kiệm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Tiếp đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường và các nhà tài trợ đã trao 5 bộ máy tính, trồng cây tạo bóng mát trong khuôn viên trường THCS Phong Thịnh; trao tặng 5 bộ máy tính, 50 thùng sữa và trồng cây tạo bóng mát trong khuôn viên trường tiểu học Phong Thịnh; trao 50 thùng sữa và trồng cây xanh tại trường Mầm non Phong Thịnh.

Những ngày tháng 6, nhớ lại những chuyến đi thiện nguyện đầy ý nghĩa để nhắc nhở bản thân không ngừng học hỏi và cố gắng để tiếp tục đam mê, gắn bó với nghề, với những người dân nghèo trên dải đất miền Trung khó nhọc.

Nhà báo Nguyên Mạnh – Thường trú tại Thái Nguyên: Cần sự dấn thân vì màu xanh của “Mẹ Trái đất”

Từ khi được về làm việc tại Tạp chí Kinh tế Môi trường, tôi được trau dồi thêm nhiều kiến thức về lĩnh vực môi trường, hiểu được tầm quan trọng của khái niệm "giáo dục môi trường" mà  PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn tâm huyết và chia sẻ.

Phụ trách theo dõi thông tin trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên một tỉnh có nhiều thuận lợi về phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp nên vấn đề môi trường cũng rất “nóng”, đặt nhiều ra thách thức. Môi trường bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của những người sinh sống gần đó, tiếp đến là con người trên hành tinh này. Tôi nghĩ, với trách nhiệm của một nhà báo cần phải có tiếng bảo vệ môi trường. Báo chí là một trong những phương tiện giúp tôi có thể làm được điều đó.

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh 2
Nhà báo Nguyên Mạnh – Thường trú tại Thái Nguyên.

Nhà báo không thể nói suông, và dữ liệu chính là một loại bằng chứng như vậy! Vì thế để có được những dữ liệu trong việc khai thác các vấn đề về môi trường cũng không hề đơn giản, đòi hỏi sự công phu. Lĩnh vực môi trường có đặc thù là sẽ động chạm, ảnh hưởng đến quyền lợi hoặc miếng cơm manh áo của một số người, một số đối tượng phạm pháp. Nên khi lấy thông tin thường bị cản trở, bị bưng bít, không nhận được sự phối hợp của cán bộ cơ sở khi họ là “bảo kê” hoặc có lợi ích ở trong đó. Ví dụ như chuyện lấn chiếm đất đai, khai thác khoáng sản, chặt phá rừng…Đôi khi tính mạng người làm báo cũng bị ảnh hưởng bởi các đối tượng dở thói côn đồ. Tuy nhiên, khi có dữ liệu đầy đủ, bài báo sẽ có cái nhìn toàn cảnh và biến dữ liệu thành câu chuyện.

Nghề báo là nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn song những ai đã trót mang nghiệp làm báo luôn sẵn sàng “dấn thân” vì nghề. Các cơ quan báo chí cần lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ môi trường. Vấn đề môi trường là vấn đề vô cùng cấp thiết đối với toàn nhân loại. Giáo dục môi trường phải luôn song hành với giáo dục tri thức, để thế hệ tương lai sẽ nhận thức được một cách đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ Mẹ Trái Đất.

Phóng viên Phạm Thạch:Lan toả đạo đức môi trường đến mỗi người dân!

Hơn 2 năm về dưới mái nhà Tạp chí Kinh tế Môi trường, mỗi phóng viên chúng tôi đều được học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm mới về linh vực Kinh tế môi trường, phát triển bền vững.

Trong quá trình tác nghiệp, dù còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với sứ mệnh của mình trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, chúng tôi luôn cố gắng lan toả đến mỗi người dân hay các cấp chính quyền nơi đến công tác về tôn chỉ Tạp chí Kinh tế Môi trường.

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh 3
Phóng viên Phạm Thạch. 

Như PGS. TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường chia sẻ, Trái Đất hiện là nơi duy nhất có sự sống do đó việc bảo vệ môi trường, bảo vệ mẹ thiên nhiên không chỉ cho chúng ta mà còn để bảo vệ sự sống cho con cháu chúng ta sau này. Do đó, dù là trong công việc hay cuộc sống, mỗi phóng viên chúng tôi đều ý thức trong bảo vệ mẹ thiên nhiên, lan toả ý nghĩa và đạo đức về bảo vệ môi trường đến mỗi người dân xung quanh.

Ngoài việc tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững, công tác phản biện về các chính sách, vấn đề môi trường luôn được các phóng viên văn phòng phía Nam quan tâm thực hiện. Các tuyến bài phản biện về môi trường luôn được các phóng viên đi đến cùng sự việc. Do đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn được người dân tin tưởng, chính quyền các địa phương ghi nhận, đánh giá cao về chuyên môn trong công tác phản biện về bảo vệ môi trường.

Không chỉ trong công tác chuyên môn, Tạp chí Kinh tế môi trường cũng chính là ngôi nhà thứ 2 của chúng tôi, nơi chúng tôi coi nhau là gia đình, gọi nhau là anh em, chú cháu. Nơi mà những khó khăn trong cả công việc cũng như cuộc sống đều được mọi người chia sẻ một cách chân tình, yêu thương.

Phóng viên Thanh Tùng: Tình yêu với nghề giúp tôi vững bước 

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo từ lãnh đạo Tòa soạn, tôi luôn đề cao tinh thần khách quan, chính xác, chân thực từ việc tác nghiệp thực tế đến khi tác phẩm báo chí ra đời. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc như khó tiếp cận thông tin, chính sách từ chính quyền các địa phương, chính quyền một số địa phương cố tình không cung cấp thông tin với lý do tôn chỉ mục đích mặc dù phóng viên thực hiện các chuyên đề, phản biện về lĩnh vực kinh tế môi trường phát triển bền vững.

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh 4
Phóng viên Thanh Tùng.

Bên cạnh những khó khăn, Phóng viên cũng nhận được hỗ trợ, động viên tinh thần từ lãnh đạo tòa soạn, lãnh đạo văn phòng. Đồng thời, các buổi chia sẻ về kinh nghiệm trong tác nghiệp, trong công tác chuyên môn, phóng viên cũng luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của ban biên tập, lãnh đạo các phòng ban. Do đó, không chỉ được công tác chuyên môn được cải thiện mà Phóng viên còn nhận được nhiều kiến thức mới về kinh tế môi trường, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ mẹ thiên nhiên.

Bên canh đó, trong các buổi họp giao ban, lãnh đạo cơ quan đã kịp thời nhắc nhở, chỉnh sửa và quán triệt tư tưởng đối với từng Phóng viên. Qua đó, kiến thức về báo chí, về kinh tế môi trường phát triển bền vững cũng ngày càng được nâng cao. Nhận thức chính trị xã hội cũng được cải thiện góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng sắc bén, chân thực và chất lượng.

Phóng viên Thanh Vũ: Thật may mắn khi được làm việc tại Tạp chí Kinh tế Môi trường

Là một phóng viên trẻ về tuổi đời cũng như tuổi nghề, trong quá trình tác nghiệp tôi đã được cơ quan, anh chị em đồng nghiệp hỗ trợ nhiệt tình về kiến thức nghiệp vụ tác nghiệp, được trang bị đầy đủ các phương tiện tác nghiệp như máy ảnh, flycam, phương tiện di chuyển,...

Đồng thời, phóng viên luôn được cơ quan hộ trợ, bổ trợ kiến thức về lĩnh vực Kinh tế môi trường, phát triển bền vững và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, bảo vệ mẹ thiên nhiên.

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh 5
Phóng viên Thanh Vũ.

Trong quá trình tác nghiệp, tôi cũng gặp nhiều vấn đề khó khăn, cản trở, nhưng thường xuyên xảy ra nhất là việc nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp gây khó dễ khi tác nghiệp như việc đòi hỏi thẻ phóng viên (dù thẻ này theo quy định không được cấp), hay việc viện dẫn tôn chỉ mục đích dù thực hiện đề tài liên quan đến lĩnh vực Kinh tế môi trường, bảo vệ môi trường...

Tuy nhiên vượt lên những khó khăn trước mắt, tôi không ngừng trau dồi thêm kỹ năng nghiệp vụ, học hỏi những kinh nghiệm kiến thức của các anh chị em đồng nghiệp để dần hoàn thiện mình hơn, đáp ứng được yêu cầu công việc của nền báo chí cách mạng hiện đại.

Nhà báo Doãn Kiên – Long Giang: Phóng viên thời công nghệ số

Để bắt kịp thời đại công nghệ số phóng viên đã dần bỏ cây bút, quyển sổ truyền thống để thay vào đó là trang bị các phương tiện kỹ thuật và những kỹ năng ứng dụng các phần mềm công nghệ. Nếu nắm bắt được điều này chính là sự khẳng định vị trí cũng như giá trị của phóng viên trong cơ quan truyền thông báo chí.

Để đồng hành cùng với tòa soạn và hạ tầng kỹ thuật thời công nghệ số, phóng viên thời nay còn phải nắm bắt được các kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật như flycam, các phần mềm dựng hình ảnh, video hay Longform. Khi đó việc truyền tải thông tin đến đọc giả sẽ nhanh chóng, trực quan và hiện quả hơn so với việc thể hiện theo kiểu bài viết truyền thống.

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh 6
Phóng viên sử dụng kỹ thuật bay flycam.

Câu chuyện mới đây của nhóm phóng viên chúng tôi có thể không mới nhưng cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm cho anh em đồng nghiệp trong cơ quan. Đó là khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về khu trang trại chăn nuôi xả thẳng chất thải không qua xử lý ra môi trường. Sau khi ghi nhận ý kiến của người dân, hiện trường xung quanh nhưng cũng khó để xác định được trang trại nào đang hoạt động. Bởi vì muốn vào trang trại phải quan rất nhiều bước, cho dù được sự đồng ý của chủ trang trại nhưng cũng phải khử trùng, cách ly và đủ 24 tiếng sau mới được vào khu chăn nuôi.

Nhờ biết kỹ thuật bay flycam mà chúng tôi đã làm rõ được điều này, nhất là việc những trang trại không có khu xử lý trước khi xả thải ra môi trường.

Nội dung này đã được dựng video kèm theo bài viết khi đăng tải và gửi cho các cơ quan chức năng địa phương. Trước những hình ảnh không thể chối cãi, cùng với việc đối chiếu với các quy đinh pháp luật, các cơ quan chức năng địa phương đã có cơ sở để xử lý. Sau này chính cơ quan chức năng cũng đã chia sẻ: “Nhờ có video này mà chúng tôi mới có những hình ảnh chân thực điều này trước đây chúng tôi đã không làm được”.

Điều vui hơn là khi các trang trại sau đó đã làm lại hệ thống phát thải, từng bước thực hiện theo đúng cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan chức năng. Người dân địa phương cũng không còn chịu cảnh ô nhiễm như trước đó.

Phóng viên Đình Đông:Chạy đua với nắng nóng

Mùa hè năm nay, ngoài trời thời tiết báo trên 40 độ C, người ở trong nhà còn bức bối vì cái nóng quá sức chịu đựng của cơ thể, vậy nhưng vì đam mê với nghề, trách nhiệm với cơ quan, tôi và nhiều đồng nghiệp vẫn thường xuyên di chuyển trên những cung đường khô khốc để mang thông tin đến với độc giả.

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh 7
Phóng viên Đình Đông.

Vốn đã lên kế hoạch từ trước nhưng đến phút cuối, anh bạn đồng nghiệp bận việc đột xuất nên tôi một mình tức tốc lên xe, cơ động đến vị trí tác nghiệp. Mặc dù đã dậy từ rất sớm nhưng nếu không nhanh sẽ hứng trọn cái nắng 40 độ C bởi quãng đường từ nhà lên đến con đường mới làm đã bị sạt lở nghiêm trọng theo phản ánh của người dân là khoảng hơn 90km, chưa kể đường rừng núi khó đi. Vị trí tuyến đường lại nằm trên địa bàn của một xã mà tôi chưa có dịp đặt chân đến, do đó mọi thứ phải hết sức khẩn trương.

Lên xe, tôi phóng thẳng một mạch mà quên cả ăn sáng. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ cơ động, con đường bê tông người dân phản ánh cũng đã hiện ra trước mắt. Ghi nhận hiện trường, chụp hình, phỏng vấn… khi mọi thứ đã tươm tất, tôi lại tức tốc lên xe trở về thị trấn để còn kịp làm việc với Ban quản lý dự án huyện, vì sợ trời nắng nóng họ nghỉ sớm.

Công việc cứ quay như chong chóng, khiến tôi mệt lả, tuy nhiên không phải vì thế mà nhụt chí, bởi hơn chục năm làm báo, tôi đã rèn giũa được nhiều thứ, khiến mình ngày càng thêm yêu nghề, yêu cuộc sống.

Phóng viên Hoàng Đức:Tự hào khi là phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường

Phóng viên cùng với đội ngũ báo chí là những người phụ trách việc thu thập, xử lý thông tin và truyền tải thông tin ấy đến với độc giả, và chính quyền. Hòa cái chung của nền báo chí, họ còn mang trên mình sứ mệnh riêng của bản thân và cơ quan gắn bó. Những ngày tháng 6 cận kề này cũng vừa tròn một năm tôi gắn bó với Tạp chí Kinh tế Môi trường, quãng thời gian không đủ dài nhưng cùng với sự giúp đỡ của cơ quan, đồng nghiệp, tôi đã trưởng thành hơn. Bản thân mình ngày càng có thêm những kiến thức, trải nghiệm, và những góc nhìn về cuộc sống…

Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường - Ảnh 8
Phóng viên Hoàng Đức.

Sau những ngày tháng chạy theo sự vụ, sự việc ở thế bị động, giờ đây tôi đã dần chủ động hơn trong việc đón nhận và xử lý thông tin. Điều đặc biệt hơn nữa, là qua những bài viết đăng lên được người dân và chính quyền đón nhận. Để rồi từ đó, tôi đã có nhiều hơn những cuộc gọi phản ánh từ bạn đọc và người dân liên quan đến đời sống xã hội, và nhất là liên quan đến môi trường. Là một phóng viên địa bàn, không đặt nặng phải đi theo dạng tin nóng, thời sự, tuy nhiên có những cuộc gọi giữa đêm phản ánh khai thác tài nguyên trái phép, rồi đến xả thải môi trường hay là những đám cháy bất thường khiến tôi cảm thấy có trách nhiệm với nghề, với sự tin tưởng của cơ quan đã giành cho mình.

Và điều đặc biệt ở năm nay, khi tôi thực hiện chuyên đề “Phòng chống đuối nước ở trẻ em” đã nhận được sự quan tâm ủng hộ và đồng hành của các cấp chính quyền, của người dân và các doanh nghiệp. Ở những địa vị khác nhau, nhưng tất cả cùng chung nỗi đau khi một ngày bình thường, lại phải đón nhận những tin buồn ở đơn vị này, địa phương nọ xảy ra tình trạng đuối nước.

Với tôi, nghề báo đã giúp mình gom nhặt những kỷ niệm thật đẹp về nghề, về hơi thở cuộc sống sinh động, về những người tôi đã gặp, đã viết. Để rồi, mỗi độ tuổi nhất định nhìn lại, đọc lại mỗi bài viết bằng cả nhiệt huyết tuổi trẻ vẫn thấy bồi hồi, xao xuyến, vẫn cảm nhận được "lửa nghề".

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới