Tự hào là Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường
Trong chặng đường phát triển không ngừng của Tạp chí Kinh tế Mồi trường, đội ngũ phóng viên, biên tập viên luôn cống hiến hết mình, hoạt động hết sức, tự hào là phóng viên của Kinh tế Môi trường.
Nhà báo Hồ Văn Ngọc (Trưởng Văn phòng Đại diện tại miền Trung):Bước ngoặt may mắn với mỗi phóng viên
Vốn không thích sự thay đổi môi trường làm việc, sau nhiều năm gắn bó với một vài cơ quan báo chí, tôi đã may mắn nhận được lời đề nghị từ lãnh đạo Tạp chí Kinh tế Môi trường về việc xây dựng Văn phòng Tạp chí tại khu vực miền Trung.
Những ngày đầu tiên làm việc tại cơ quan mới bao giờ cũng có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn khi nhân sự vỏn vẹn chỉ vài người, cơ sở vật chất còn rất khó khăn nhưng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban Biên tập, các anh chị em phóng viên.
Dường như cái duyên đã gắn kết tôi với Tạp chí Kinh tế Môi trường bằng chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa về mảnh đất Thanh Chương (Nghệ An) vào cuối năm 2021. Các thành viên chủ chốt trong Ban Biên tập cùng với anh chị em phóng viên, biên tập viên đã không quản ngại đường sá xa xôi để trở về với những hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo học giỏi của xã nghèo Phong Thịnh, huyện Thanh Chương.
Những món quà từ quỹ “Gieo mầm xanh hạnh phúc” mặc dù còn nhỏ bé nhưng đó là tấm lòng, là tâm huyết của Tạp chí Kinh tế Môi trường với mong muốn chung tay cho nền giáo dục, trong đó xã Phong Thịnh có được những điều kiện học online tốt hơn khi trong đại dịch Covid-19. Những bộ máy tính, những suất học bổng đã giúp cho thầy và trò các cấp tại đây dạy và học hiệu quả hơn.
Với hoạt động ý nghĩa này, tôi đã quyết tâm sẽ cùng Ban Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường xây dựng một Văn phòng miền Trung vững mạnh để đồng hành trong sứ mệnh xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo vệ lá phổi xanh của nhân loại. Tôi cũng ý thức được rằng, đến với Tạp chí Kinh tế Môi trường chính là bước ngoặt may mắn đối với tôi và mỗi phóng viên trong Văn phòng Đại diện tại miền Trung.
Nhà báo Nguyễn Văn Công:Nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao
Mỗi dịp tháng sáu về, có lẽ là một dấu mốc tuyệt vời với những người làm báo bởi những bông hoa, lời chúc từ bạn bè, bạn đọc và những người yêu quý nghề báo, nhà báo.
Tôi đến với nghề báo là một cơ duyên. Giai đoạn hình thành nhân cách và kỹ năng đầu đời khi mới bén duyên, do đó tôi chịu nhiều ảnh hưởng của tư duy nói đúng sự thật, đi tìm sự thật mà các nhà báo tiền bối đã răn dạy. Đó cũng là lý do trong các lĩnh vực khác như học thuật, nghiên cứu… tôi cũng giữ đặc tính ấy – thường có xu hướng đi tìm nguyên nhân thật sự hoặc góc độ nhiều chiều của một sự việc, một dạng tư duy phản biện. Hành vi này xuất phát từ những động cơ trong sáng, mang tính xây dựng nhưng thường gây ra những quan điểm khác nhau. Và tôi cho rằng đó là động lực cho sự vận hành của xã hội.
Tạp chí Kinh tế Môi trường với vai trò và sứ mệnh là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, sau 16 năm hình thành và phát triển, đã và đang trở thành tờ tạp chí uy tín hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Tôi thật sự vui mừng khi được Tòa soạn tin tưởng và tạo điều kiện hỗ trợ trong công việc, tôi cam kết sẽ nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của Tạp chí Kinh tế Môi trường nói riêng và Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nói chung ngày một phát triển.
Nhà báo Đức Mậu (Phóng viên thường trú tại Yên Bái): "Giữ cái đầu lạnh" trong mọi tình huống
Với sự phát triển và khẳng định thương hiệu của Tạp chí Kinh tế Môi trường, đội ngũ nhà báo, phóng viên chúng tôi luôn tự xây dựng cho bản thân hình ảnh chuyên nghiệp, tự giác, chủ động và "giữ cái đầu lạnh" trong mọi tình huống đảm bảo đạo đức nghề nghiệp. Bản thân tôi luôn tự hào khi trở thành người cầm bút trên mặt trận tư tưởng, được đứng trong hàng ngũ nhà báo, phóng viên của Tạp chí Kinh tế Môi trường với mong muốn xây dựng và phát triển thông tin, tin tức đa chiều, chuyên sâu nhằm phục vụ bạn đọc vùng Tây Bắc và cả nước, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế môi trường. Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 16 năm thành lập Tạp chí, tôi kính chúc Tạp chí Kinh tế Môi trường nói riêng và báo chí nước ta nói chung ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin yêu.
Nhà báo Huy Tưởng (Phóng viên thường trú tại Hải Dương):Áp lực khi thực hiện các tuyến bài điều tra về môi trường
Nếu coi công việc báo chí là “chiến trường” thì những người làm báo là “chiến sĩ”, bởi họ cũng đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm, để mang tới những thông tin, hình ảnh chân thực cho bạn đọc về mọi mặt của cuộc sống.
Để có các loạt bài điều tra chất lượng thì chúng tôi phải “nhập vai” vào các điểm nóng để khai thác thông tin. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi thường phải đối mặt với những rủi ro như loạt bài “Chôn trộm rác thải ở Hải Dương” vào năm 2020. Để có loạt bài này, chúng tôi phải đi thực địa, cẩn trọng vén những cây lau dại cao hơn cả đầu người men theo bờ sông chừng 2km mới đến điểm chôn lấp rác. Do bãi chôn lấp có cảnh giới cao, nên nếu bị phát hiện bản thân sẽ gặp nhiều nguy hiểm, nhất là ở khu vực vắng vẻ, gần sông…
Tôi nhanh chóng dùng máy ảnh chụp và quay lại toàn bộ hiện trường bãi chôn lấp, bởi chính những bức ảnh, video đắt giá này cũng đã là bằng chứng cho hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường của những đối tượng làm ăn bất chính kia. Sau khi xong việc, chúng tôi trở lại con đường cũ mới thoát khỏi những ánh mắt “cú vọ” của nhiều đối tượng cảnh giới dọc bờ đê. Sau đó, chúng tôi quay về TP.Hải Dương và làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương.
Khi loạt bài được đăng tải, nhiều “áp lực” đã “đón chờ” nhóm phóng viên chúng tôi. Những lời “dụ dỗ”, những tin nhắn đe dọa, các cuộc điện thoại từ các bạn đồng nghiệp “hỏi thăm” khiến chúng tôi gặp nhiều áp lực. Nhưng cuối cùng, loạt bài được khởi đăng và các đối tượng vi phạm đã bị xử lý nghiêm minh.
Lĩnh vực môi trường những năm gần đây trở nên nóng, nhận được sự quan tâm của nhân dân cả nước. Vì thế, góp một phần công sức nhỏ bé vào việc bảo vệ môi trường tại địa bàn tỉnh Hải Dương được giao phụ trách không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của bản thân tôi.
Phóng viên Linh Chi: Dần hoàn thiện mình trong công việc
Là cô gái mới 22 tuổi, tôi đã có vinh dự được sống và làm việc tại Tạp chí Kinh tế Môi trường. Lẽ đương nhiên, đối với tôi và chúng tôi - thế hệ phóng viên trẻ, cảm xúc để nói ra còn nhiều hơn cả hai chữ "tự hào". Là một phóng viên mới bước vào nghề, tôi tự thấy mình may mắn khi có cơ duyên gắn bó cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường. Tại đây, tôi đã có cơ hội được tham gia nhiều sự kiện quan trọng của ngành Báo chí, trau dồi thêm kỹ năng nghiệp vụ của mình. Nghề báo, giúp tôi có thể tiếp xúc, chia sẻ với người, nhiều tầng lớp trong xã hội, trải nghiệm nhiều điều, lắng nghe nhiều hơn, để từ đó hoàn thiện bản thân và trưởng thành lên từng ngày. Sáu tháng gắn bó và học việc tại Tạp chí Kinh tế Môi trường khiến tôi hiểu được nghề nghiệp mình đã chọn vất vả và vinh quang đến như thế nào.
Học chuyên ngành truyền thông đa phương tiện nên cá nhân tôi chưa có nền tảng báo chí vững chắc, cơ quan đã tạo điều kiện để tôi có thể trải nghiệm mình ở nhiều lĩnh vực báo chí khác nhau. Sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của các anh chị đồng nghiệp giúp tôi trưởng thành lên từng ngày. Tạp chí Kinh tế Môi trường đã giúp tôi có cơ hội cống hiến cho cộng đồng, đem những thông điệp về lối sống xanh, thân thiện với môi trường đến gần hơn với bạn đọc. Cảm ơn Kinh tế Môi trường đã cho tôi cơ hội để có thể trải nghiệm và học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân để trở thành một phóng viên tốt trong tương lai.
Nhà báo Tuấn Quỳnh: Háo hức khi đến với Kinh tế Môi trường
Tôi đến với tòa soạn Tạp chí Kinh tế Môi trường, một cơ quan báo chí chuyên về mảng kinh tế, môi trường với lòng say mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Thủa ban đầu, khi tôi bước chân vào văn phòng Tạp chí, trong lòng tôi xuất hiện một cảm giác tự hào, bồi hồi xen lẫn háo hức lan tỏa. Nhìn các anh, chị phóng viên tất bật làm việc trong một môi trường năng động, bản thân tôi chợt nhận ra rằng, đây sẽ là nơi mình làm việc và gắn bó lâu dài.
Với lòng yêu nghề, nhiệt huyết, chịu khó học hỏi, tôi đã sớm hòa nhập vào “guồng quay” của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Từ đây, tôi đã rèn luyện theo văn phong và cách đưa tin bài, tiếp cận đề tài phù hợp với tôn chỉ mục đích của tòa soạn.
Những khi tác nghiệp ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, mặc dù có lúc cảm thấy mệt mỏi, nhưng may mắn phía sau tôi còn có cả một tòa soạn luôn động viên và tạo điều kiện cho tôi rèn luyện. Theo đó, bản thân tôi tự nhủ sẽ không ngừng nỗ lực hết mình để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao…
Nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), xin dành lời cảm ơn chân thành, lời chúc tốt đẹp nhất đến những người “chỉ huy” thấu hiểu, cảm thông và sẵn sàng chia sẻ. Chúc các anh chị luôn thành công, mạnh khỏe trong công cuộc phụng sự độc giả thân yêu.
Nhóm PV