Trường hợp nào phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước?
Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 2711/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước, nhiều trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Hiện dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Nhận diện những vướng mắc trong quản lý tài nguyên nước
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, thực hiện Nghị định số 201/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước 2013 (NĐ 201) cho đến nay, công tác cấp phép về tài nguyên nước đã được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Hiện nay, đã có khoảng hơn 24.000 công trình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua biện pháp, công cụ cấp phép.
Trong đó, Bộ TN&MT đã cấp 1.787 giấy phép tài nguyên (113 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 843 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 149 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 277 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất và 405 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước). Qua công tác thẩm định các dịch vụ công trong lĩnh vực tài nguyên nước, tính từ năm 2012, Bộ TN&MT đã thu gần 16 tỷ đồng nộp về ngân sách nhà nước.
Ở địa phương, theo số liệu báo cáo tại 54 tỉnh, thành phố đã cấp 23.794 Giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân (577 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 1.890 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, nước biển; 1.968 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 9.439 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất và 9.920 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước).
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ TN&MT, trong quá trình thực hiện NĐ 201 đã gặp nhiều vướng mắc, hạn chế trong việc cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên nước. Theo đó, NĐ 201 chưa có quy định cụ thể việc cấp phép khai thác nước mặt tại công trình hồ chứa, đập dâng, các công trình khai thác, sử dụng nước khác từ các hồ chứa, kênh dẫn,…của hệ thống công trình thủy lợi dẫn đến vướng mắc trong quá trình quản lý, cấp phép và thanh tra kiểm tra ở địa phương.
Trong NĐ 201 đã có quy định các trường hợp phải tổ chức lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên thực tế triển khai nhiều địa phương, doanh nghiệp không xác định rõ thuộc trường hợp nào, do đó thực hiện chưa thống nhất (cụ thể: theo quy định các trường hợp phải lấy ý kiến là công trình khai thác sử dụng nước mặt với lưu lượng từ 10 m3/s thì thực tế triển khai đã có nhiều công trình là hồ chứa, thủy điện cũng áp dụng theo quy định trên, trong khi theo quy định phải áp dụng quy định về hồ, đập có dung tích từ 500 triệu m3 trở lên).
Ngoài ra, qua thực tế triển khai thi hành cho thấy việc lấy ý kiến cộng đồng cần phải áp dụng cho tất cả các công trình hồ đập thuộc quy mô phải cấp phép vì hầu hết các công trình hồ, đập xây dựng trên sông suối đều gây ra tác động và ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường và các đối tượng sử dụng nước thượng và hạ du, thậm chí có nhiều trường hợp công trình hồ đập có quy mô nhỏ (dung tích nhỏ hơn 500 triệu m3) nhưng gây ra những hệ lụy lớn hơn các hồ chứa có quy mô lớn hơn. Chính vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh trường hợp lấy ý kiến cộng đồng đối với công trình hồ chứa, đập dâng (có bụng hồ).
Về chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước, NĐ 201 đã quy định cụ thể điều kiện của tổ chức, cá nhân chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước là tính đến thời điểm chuyển nhượng, tổ chức, cá nhân chuyển nhượng đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, đưa công trình khai thác vào hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều chủ giấy phép thực hiện quy định này không đúng thời điểm, công trình đã được cấp giấy phép, nhưng chưa được hoàn thành công tác xây dựng cơ bản thì chủ giấy phép đã thực hiện chuyển nhượng dự án từ trước đó (theo pháp luật về dự án đầu tư) và tính đến khi thực hiện hồ sơ cấp lại thì việc chuyển nhượng đã được thực hiện trước đó.
Ngoài ra, NĐ 201 đã quy định thành phần hồ sơ chuyển nhượng, tuy nhiên không có hướng dẫn cụ thể các mẫu của từng thành phần hồ sơ chuyển nhượng, vì vậy quá trình thẩm định hồ sơ chưa có cơ sở thực hiện việc thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dẫn đến có nhiều địa phương và nhất là các tổ chức, cá nhân có văn bản đề nghị hướng dẫn mẫu hồ sơ.
Bổ sung các trường hợp phải đăng ký, xin phép khai thác tài nguyên nước
Vì vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng, khai thác đảm tài nguyên nước, bảo phù hợp với thực tiễn là cần thiết. Hiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước đã được hoàn thiện, đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Tại Dự thảo, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung Điều 16a vào sau Điều 16, đề xuất trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, phải xin phép.
Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký bao gồm:
1- Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng khai thác từ 0,1 m3/s đến nhỏ hơn 0,5 m3/s (trừ hồ chứa thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,05 triệu m3 trở lên);
2- Khai thác, sử dụng nước mặt cho mục đích cấp nước sinh hoạt nông thôn, không bao gồm mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô từ 100 m3/ngày đêm đến 5.000 m3/ngày đêm;
3- Hồ chứa thủy lợi có dung tích toàn bộ nhỏ hơn 0,05 triệu m3;
4- Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với quy mô từ 10.000 m3/ngày đêm đến dưới 100.000 m3/ngày đêm;
5- Khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô nhỏ hơn 10 m3/ngày đêm thuộc khu vực quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định này;
6- Tái sử dụng tuần hoàn nước dưới đất để tuyển quặng trong các mỏ khoáng sản mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô mỏ, hố móng xây dựng.
Trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải xin phép
Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ, các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải xin phép, bao gồm:
a- Các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước không thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 và các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký nêu trên bao gồm cả các công trình hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,05 triệu m3 trở lên;
b- Các công trình không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 16 và các trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký nêu trên khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, hệ thống kênh thủy lợi có đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các hạng mục công trình khai thác, sử dụng nước để cấp cho các mục đích kinh doanh (bao gồm cả nước cho hoạt động giết mổ), dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt;
c- Khai thác, sử dụng nước dưới đất với quy mô trên 10 m3/ngày đêm không thuộc quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước và các trường hợp sử dụng công khai thác, sử dụng nước dưới đất để dự phòng.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, khi Dự thảo Nghị định được thông qua, việc thực hiện sẽ không làm phát sinh chi chí về nguồn nhân lực, tài chính so với NĐ 201 do vẫn thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc sử dụng kinh phí cho công tác thi hành pháp luật về tài nguyên nước đúng mục đích, nội dung, chế độ và định mức chi theo quy định của pháp luật về các chế độ chi tiêu tài chính.
Đối với tổ chức, cá nhân, khi thực hiện Nghị định sẽ không phát sinh các chi phí so với pháp luật hiện hành do những nội dung liên quan đến thủ tục hành chính vẫn được giữ nguyên như pháp luật hiện hành, Nghị định chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến đơn giản hoá thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Tổ chức, cá nhân được lợi ích rất lớn do rút ngắn thời gian cấp phép, thủ tục thực hiện đơn giản.
Đồng thời, Nghị định cũng quy định cụ thể các thủ tục chưa đầy đủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, việc thực hiện Nghị định không làm phát sinh chi chí về nguồn nhân lực, tài chính so với NĐ 201.