Trung Quốc: ‘Sương mù’ xóa sổ các tòa nhà chọc trời do ô nhiễm nghiêm trọng
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã khiến tầm nhìn bị hạn chế đến mức đỉnh của các tòa nhà cao tầng trong thành phố biến mất trong lớp sương mù, buộc một số đường cao tốc phải tạm thời đóng cửa.
Ngày 4/11, Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã ban bố cảnh báo ô nhiễm nặng đầu tiên cho mùa thu và mùa đông. Đồng thời, yêu cầu đóng cửa đường cao tốc, dừng một số hoạt động xây dựng ngoài trời, hoạt động của nhà máy cũng như hoạt động ngoài trời của trường học.
Trong ngày 5/11, tình trạng ô nhiễm nặng nề bao trùm thủ đô Trung Quốc đã khiến tầm nhìn ở nhiều khu vực của Bắc Kinh chưa đến 200 m. Tầm nhìn bị hạn chế nghiêm trọng đến mức đỉnh của các tòa nhà cao tầng trong thành phố biến mất trong lớp sương mù.
Khu vực phát triển mạnh về công nghiệp Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc thường hứng chịu nhiều khói bụi ô nhiễm vào mùa thu và mùa đông, đặc biệt vào những ngày không có gió. Một đợt không khí lạnh tràn về từ Siberia vào cuối tuần này dự kiến sẽ giúp cải thiện tình hình ô nhiễm ở Trung Quốc.
Vào tháng 10/2021, Bộ Môi trường Trung Quốc tuyên bố, quốc gia này đặt mục tiêu cắt giảm trung bình 4% nồng độ bụi mịn PM2.5 so với cùng kỳ năm ngoái tại các thành phố chính trong mùa đông này.
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ở các khu vực thành thị ngày 5/11 đã lên tới 234 microgam/m3. Nồng độ này cho thấy, mức độ ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.
Hiện là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, Trung Quốc gần đây tăng cường khai thác và sử dụng than để giải quyết tình trạng thiếu điện trầm trọng, gây đứt gãy các chuỗi sản xuất.
Các nhà chức trách ở Bắc Kinh đổ lỗi cho tình trạng ô nhiễm là sự kết hợp của "điều kiện thời tiết không thuận lợi và sự lây lan ô nhiễm trong khu vực" và cho biết sương mù có khả năng tồn tại cho đến ít nhất là cuối ngày 6/11.
Tuy nhiên, Tổ chức Hòa bình xanh Đông Á lại cho rằng nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng sương mù dày đặc ở miền bắc Trung Quốc là do đốt nhiên liệu hóa thạch. Được biết, Trung Quốc hiện tạo ra khoảng 60% năng lượng từ việc đốt than, nhất là trong giai đoạn quốc gia này đã tăng sản lượng than để giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lượng khiến các nhà máy phải đóng cửa trong những tháng gần đây.
Ô nhiễm không khí trầm trọng tại thủ đô của Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu và trở thành vấn đề cấp bách ở quốc gia này. Trong nhiều năm, tình trạng ô nhiễm tại đây đã được ví một cách hoa mỹ như “sương mù” và khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Các chỉ số PM2.5 cao ngất ngưởng khiến nhiều người phải sắp xếp cuộc sống theo thời điểm mức độ ô nhiễm khác nhau.
Trước đó, một nnghiên cứu mới đăng trên tạp chí Frontier cho biết, chỉ riêng 23 thành phố của Trung Quốc (trong đó có Thượng Hải, Bắc Kinh và Hàm Đan), thủ đô Moskva (Nga) và Tokyo (Nhật Bản) đã chiếm tới 52% tổng lượng phát thải của 167 thành phố. Từ kết quả trên đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thành phố trong việc giảm lượng khí thải. Nếu không hành động thì chính những thành phố này “sẽ phải gánh chịu” hậu quả của biến đổi khí hậu.
Trung Quốc vốn được biết đến là nước phát thải nhiều nhất khí gây hiệu ứng nhà kính, tiếp theo sau là Mỹ, Ấn Độ và các nước châu Âu.
Liên Hợp Quốc ước tính, thế giới cần nỗ lực gấp 5 lần để hạn chế nhiệt độ Trái Đất nóng lên ở mức dưới 2 độ C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã đưa ra cảnh báo, lượng khí thải CO2 sẽ tăng 5% lên mức 33 tỉ tấn vào năm 2021, nhu cầu tiêu thụ than đá sẽ tăng 4,5%, cao nhất kể từ năm 2014.
Bước sang năm 2021, một loạt hội nghị thúc đẩy thế giới hành động vì biến đổi khí hậu đã được tổ chức trực tuyến. Trong đó, Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới do Mỹ tổ chức vào tháng 4/2021 đã đánh dấu sự tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ đó tạo ra những xung lực mạnh mẽ cho quyết tâm của các nước phát triển trong cuộc chiến cắt giảm khí phát thải nhà kính trong thời gian tới.
Lan Anh (T/h)