Thứ năm, 18/04/2024 12:00 (GMT+7)
Thứ tư, 27/10/2021 10:51 (GMT+7)

Hà Nội bước vào tháng cao điểm về ô nhiễm không khí

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay ngày 27/10, chất lượng không khí tại nhiều khu vực của thành phố Hà Nội đã chạm mức rất xấu gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân.

Theo Tổng cục Môi trường, khi chất lượng không khí (CLKK) ở mức "Xấu" và "Rất xấu", những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể gặp những vẫn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, đối với khu vực có CLKK ở mức xấu, nhóm nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn, tránh hoạt động ngoài trời. Nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà. Nhóm người nhạy cảm nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội, vào 8h30 sáng 27/10, chỉ số CLKK (AQI) tại nhiều khu vực đã diễn biến xấu hơn rất nhiều so với những ngày trước đó. Cụ thể, tại 9 trạm quan trắc không khí tự động có 5 khu vực ở mức xấu, 2 khu vực ở mức kém và 1 khu vực ở mức trung bình. Tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) có mức độ ô nhiễm tới mức 191 (tức gây xấu cho sức khỏe).

Hà Nội bước vào tháng cao điểm về ô nhiễm không khí - Ảnh 1
Số liệu quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) và Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Cũng tại thời điểm trên, số liệu của trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, CLKK ở Hà Nội xuống sâu tới mức 241 (rất xấu). Theo số liệu của Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) vào 8h31, CLKK ở Hà Nội xuống mức 178 (xấu), theo đơn vị này, CLKK ở Hà Nội xuống tới mức ô nhiễm đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau Ấn Độ và Pakistan).

Khu vực cảnh báo có nguy cơ cao nhất là khu vực Cầu Giấy (192), Hồ Tây (181) và Long Biên (172).

Theo TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ khoảng tháng 10, Hà Nội bước vào mùa ô nhiễm, nhiều ngày trong tháng chất lượng không khí không tốt.

“Nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Hà Nội xấu do hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ khi một số nơi tại Hà Nội đang bước vào mùa gặt. Mọi năm ô nhiễm không khí đến sớm hơn vào khoảng tháng 9,10 nhưng thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến một số hoạt động ngừng trệ nên chúng ta có những ngày không khí tốt.

Mấy ngày nay ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt tại Hà Nội trời hanh khô, sản xuất phục hồi, giao thông trở lại mật độ như trước chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng không khí”, ông Tùng nhấn mạnh.

Hà Nội bước vào tháng cao điểm về ô nhiễm không khí - Ảnh 2
Chất lượng không khí gây những vấn đề sức khỏe cho người dân. (Ảnh minh họa)

Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội liên tiếp phải trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng với mức AQI lên tới gần 400. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân, nhất nhóm người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.

 Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, để cải thiện chất lượng không khí, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn; đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát.

Mặt khác, thành phố cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch; Tăng cường các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường; Xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.

Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải. Theo đó, cần kiểm tra lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông và dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải.

Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh...

“Hà Nội có thể định giá ô nhiễm phù hợp với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Điều này sẽ góp phần hạn chế được nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố…”- Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng đề xuất.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội bước vào tháng cao điểm về ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới