Trung Quốc đối diện với khủng hoảng điện vì thiếu than chưa từng có
Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong nhiều năm do thiếu than, vì vậy nước này cũng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung mới trên toàn cầu.
Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong nhiều năm do thiếu than. Trong khi đó, Australia lại sở hữu lượng than mà Bắc Kinh cần. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới khó có thể sớm đảo ngược lệnh cấm nhập khẩu than Australia không chính thức đã được đưa ra trước đó.
“Các báo cáo rằng một lượng nhỏ than của Australia được phép thông quan ở Trung Quốc đã làm gia tăng suy đoán rằng chính quyền Trung Quốc sẽ tìm cách nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu đối với than của nước này”, Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa năng lượng và khai thác tại Commonwealth Bank of Australia, nói với CNBC.
Ông nói: “Chúng tôi không nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc sẽ nới lỏng lệnh cấm đối với than Australia vào mùa đông này".
Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã ngừng mua than của Australia. Điều đó xảy ra khi căng thẳng thương mại giữa 2 nước tăng cao. Trước đó, Australia là nhà cung cấp than lớn cho Trung Quốc - vào năm 2019, khoảng 38% lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Australia.
Kể từ giữa tháng 8 vừa qua, có ít nhất 20 tỉnh thành trên khắp Trung Quốc đã thông báo cắt điện ở các mức độ khác nhau. Điều đó bắt nguồn từ sự thiếu hụt nguồn cung cấp than và những yêu cầu khắt khe hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải, đi kèm với đó là nhu cầu sản xuất cao hơn khi nền kinh tế đang dần ổn định trở lại, đại dịch được kiểm soát từng bước.
Các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã hối thúc các công ty năng lượng quốc doanh hàng đầu phải đảm bảo nguồn cung cho mùa đông sắp tới bằng mọi giá.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ không sớm dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với Australia. Thay vào đó, họ dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy sản xuất than của chính mình, khai thác các nhà cung cấp quốc tế khác và thúc đẩy các ngành công nghiệp của mình để hạn chế phát thải.
Trung Quốc có khả năng thúc đẩy các nhà cung cấp Indonesia mua thêm than nhưng họ đã gần đạt công suất cao nhất. Bắc Kinh cũng có thể tìm đến các nước khác để cung cấp nhiều than hơn.
Dhar từ Commonwealth Bank cho biết, bất chấp lệnh cấm không chính thức đối với Australia, nhập khẩu than nhiệt của Trung Quốc vẫn “khá tốt” do lượng cung ngày càng tăng từ Indonesia và Nga. Ông cho biết từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, Indonesia cung cấp khoảng 57% lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo nhà cung cấp giá hàng hóa Argus, than nhiệt của Australia tại cảng Newcastle, vốn là tiêu chuẩn cho thị trường châu Á, đã tăng mạnh trong năm nay bất chấp lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc.
Dhar cho biết, động lực chính của giá than nhiệt hiện nay, đặc biệt là từ Australia, là nhu cầu ở Bắc Á trước mùa đông này. Ông nói thêm rằng giá than của Australia có thể sẽ phụ thuộc vào mức độ lạnh của mùa đông sắp tới.
Theo Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và chuyên gia kinh tế tại AMP Capital, giá than tăng khó có thể giảm ngay lập tức ngay cả khi Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với than của Australia.
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, tuy nhiên dựa trên những báo cáo gần đây cho thấy, thu nhập xuất khẩu của Australia vẫn tăng tốt bất chấp lệnh cấm than đá và giá quặng sắt giảm mạnh.
Nguyên Đỗ