Trần trụi sự thật về băng Greenland tan chảy
Lớp băng của vùng Groenland đang gây lo ngại ngày càng nhiều cho các nhà khoa học khi tan chảy 3.500 tỉ tấn trong 10 năm, vào lúc mà tình trạng hâm nóng bầu khí quyển ở vùng Bắc Cực nhanh gấp 3 lần những nơi khác trên thế giới.
Riêng dải băng Groenland là một dải băng rộng bao gồm 1.710.000 km2, chiếm khoảng 80% bề mặt của đảo Groenland. Đây là khối băng lớn thứ 2 trên thế giới, sau dải băng Nam Cực. Nhưng do hiện tượng ấm lên toàn cầu, khối băng của Greenland không ngừng bị tan chảy và tan chảy nhanh hơn dự báo.
Tan chảy 3.500 tỉ tấn trong 10 năm
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 28/10/2021, trong vòng 10 năm qua, lớp băng của vùng Groenland đã tan chảy khoảng 3.500 tỉ tấn, khiến cho mực nước của các đại dương tăng thêm 1 cm và làm gia tăng nguy cơ lũ lụt trên khắp thế giới.
Lớp băng của vùng Greenland đang gây lo ngại ngày càng nhiều cho các nhà khoa học, vào lúc mà tình trạng hâm nóng bầu khí quyển ở vùng Bắc Cực nhanh gấp 3 lần những nơi khác trên thế giới.
Nhiều nhóm các nhà khoa học vẫn theo dõi những thay đổi của lớp băng Groenland, nhưng nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications ngày 28/10 là nghiên cứu đầu tiên đặc biệt dựa trên các quan sát bằng vệ tinh nhân tạo của Cơ quan Không gian châu Âu. Nghiên cứu này đã đi đến kết luận rằng khối lượng băng tan đã tăng 21% trong vòng 40 năm.
Tính từ năm 2011, khối lượng băng tan đã lên tới 3.500 tỉ tấn, trong đó 2/3 là tan chỉ riêng trong hai mùa hè 2012 và 2019, tức là 2 mùa hè nóng nhất. Chỉ riêng trong năm 2012, lượng băng tan chảy đã lên tới 527 tỉ tấn. Vào năm 2019, chỉ trong một ngày của tháng 6, đã có 12,5 tỉ tấn băng bị tan chảy. Trung bình lượng băng tan chảy ở Groenland tính từ năm 2011 là 357 tỉ tấn/năm.
Các dữ liệu thu thập được từ quan sát bằng vệ tinh đã cho thấy có những khác biệt quan trọng. Theo nhà nghiên cứu Thomas Slater, thuộc đại học Leeds của Anh, nhịp độ tan chảy nhanh hơn thấy rõ vào những đợt nóng. Như tác giả chính của công trình nghiên cứu đã nhấn mạnh, như những vùng khác trên thế giới, Groenland cũng dễ bị tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Chính nhờ những quan sát bằng vệ tinh mà các nhà khoa học đã đánh giá một cách nhanh chóng và chính xác khối lượng băng tan chảy trong một năm nhất định và tính toán được tác động làm mực nước biển dâng cao.
Nói chung, theo các tác giả công trình nghiên cứu, chính nhờ phương pháp này mà họ hiểu rõ hơn các tiến trình phức tạp của sự tan các lớp băng của vùng Groenland. Theo đồng tác giả của nghiên cứu, Amber Leeson, cũng thuộc đại học Leeds, các thẩm định cho thấy là từ đây đến năm 2030, lớp băng của vùng này sẽ góp phần làm mực nước các đại dương tăng thêm từ 3 đến 23 cm. Lớp băng của Groenland nếu tan chảy hoàn toàn sẽ khiến mực nước các đại dương tăng thêm từ 6 đến 7 m. Cho dù thế giới có tuân thủ hoàn toàn Hiệp định Paris, mức tăng của nước biển do băng tan chảy ở Groenland sẽ vẫn là hơn 1 m từ đây đến năm 2300.
Lần đầu tiên có mưa trên đỉnh cao nhất
Tác động của biến đổi khí hậu còn được thấy rõ vào tháng 8/2021, các điều kiện thời tiết nóng và ẩm một cách bất thường cũng đã xảy ra ở Groenland.
Bình thường, ở nhiệt độ thấp, nước không thể rơi xuống dưới dạng lỏng, tức là không thể có mưa. Trên trạm Summit Station, đỉnh cao nhất của đảo này, ở độ cao 3.216 m, vào ngày 14/8, nhiệt độ đã vượt lên trên 0 độ C trong 9 tiếng đồng hồ. Hậu quả là lần đầu tiên đã có mưa trên đỉnh này. Tổng cộng 7 tỉ tấn nước đã rơi xuống đây.
Theo các dữ liệu được thu thập từ năm 1950, đây là lần thứ 3 mà trạm Summit Station ghi nhận nhiệt độ trên 0 độ C, nhưng đến nay, nhiệt độ này chỉ làm tan băng, chứ chưa bao giờ gây ra mưa như vậy. Trong vòng 9 năm gần đây, đỉnh Summit Station cũng đã bị tan chảy băng đến 3 lần, trong khi theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, hiện tượng này chưa từng xảy ra trong thế kỉ 20.
Nhiệt độ cao kỉ lục
Trước đó, vào cuối tháng 7, một đợt nóng đã xảy ra ở vùng Groenland, với nhiệt độ trung bình hơn 10 độ so với nhiệt độ bình thường theo mùa và hiện tượng này đã khiến băng tan chảy ồ ạt ở vùng này, theo báo động của các nhà băng hà học.
Trong những ngày trước đó, các nhiệt độ bất thường trên 20 độ C, với những mức cao kỷ lục ở một số địa phương, đã được ghi nhận ở miền Bắc Groenland, theo Viện Khí Tượng Đan Mạch DMI.
Tại sân bay nhỏ Nerlerit Inaat, ở miền Đông Bắc Groenland, nhiệt độ đã lên tới 23,4 độ C vào ngày 29/7, cao nhất kể từ khi trạm khí tượng ghi nhận các nhiệt độ và nóng hơn cả nhiệt độ tối đa được ghi nhận tại Đan Mạch hôm đó.
Nguyễn Linh (T/h)