Sông băng ở dãy Alps tan chảy, người dân phải vội vàng sơ tán
Mới đây, các hồ băng ở dãy núi Alps tan chảy không còn là dự báo như trước mà đã trở thành hiện thực. Băng trong hồ tan chảy và mực nước hồ dâng cao là mối đe dọa lớn với người dân nơi đây.
Tình trạng băng tan ở dãy núi Alps thành hồ
Người dân đã làm mọi cách để ngăn chặn vụ bùng phát của mực nước hồ khác có thể xảy ra: "Chúng tôi đang cố gắng hết sức để quản lý nó, nhưng thiên nhiên vẫn không thể đoán trước được".
Stephan Lempen, Ủy viên Hội đồng thị trấn Lenk im Simmental, vẫn còn nhớ như in về ngày hồ Faverges đột nhiên "bùng nổ". "Một lượng lớn nước từ hồ đã tràn vào làng của chúng tôi. Nó xảy ra quá nhanh. Mọi người phải sơ tán", ông Stephan Lempen nói.
Theo ông Daniel Odermatt, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sản Liên bang Thụy Sĩ, không nghi ngờ gì nữa, tình trạng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân cho việc băng tan chảy này.
Ông Odermatt nói: "Những hồ băng này chính là bằng chứng về tình trạng biến đổi khí hậu".
Ông Daniel Odermatt và các cộng sự đã lập ra một bản thống kê về các hồ ở dãy núi Alps của Thụy Sĩ, theo dõi quá trình phát triển của chúng trong những năm qua để xác định xem các hồ này có thể gây ra nguy cơ lũ lụt cho các cộng đồng địa phương hay không.
Theo Daily Mail, Alps là hệ thống dãy núi hùng vĩ nằm hoàn toàn ở châu Âu, trải dài khoảng 1.199 km trên 8 quốc gia gồm Áo, Pháp, Đức, Italia, Liechtenstein, Monaco, Slovenia và Thụy Sĩ.
Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học từ Viện Khoa học và Công nghệ Thủy sinh Liên bang Thụy Sĩ (EAWAG), biến đổi khí hậu đã khiến các sông băng của dãy núi tan chảy và dẫn đến việc hình thành 1.200 hồ mới kể từ năm 1850, trong đó 1.000 hồ vẫn đang tồn tại.
Theo một nghiên cứu khác do Viện Khoa học Thụy Sĩ công bố, các sông băng trên dãy Alps của Thụy Sĩ đã mất 2% thể tích chỉ trong năm ngoái và đang suy giảm đều đặn. Ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu trong Thỏa thuận Paris 2015, giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức ít nhất là 2°C vào cuối thế kỉ 21, 2/3 sông băng trên dãy núi dài nhất châu Âu này có thể vẫn sẽ biến mất.
Biến đổi khí hậu làm băng tan gây những hậu quả đáng lo ngại
Khoảng hàng trăm triệu tấn khí mêtan, đang bị nhốt dưới tầng đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Một trong những mối lo ngại lớn nhất là: Hiện tượng băng tan vào mùa hè ở biển Bắc Cực và nhiệt độ gia tăng nhanh chóng trên toàn bộ khu vực, sẽ làm cho lượng khí mêtan không lồ đang bị mắc kẹt có thể bất ngờ phát thải vào khí quyển, dẫn đến sự biến đổi khí hậu (trên phạm vi toàn cầu) nhanh chóng và nghiêm trọng.
Các đợt nắng nóng kéo dài khiến đất đai khô cằn, gây ra tình trạng khan hiếm nước sạch, cháy rừng lan rộng mất kiểm soát, bão bụi và lũ quét. Ở nhiều nơi trên thế giới, việc thiếu nước dẫn tới bệnh dịch nghiêm trọng. Trái lại, mưa lớn khiến sông hồ tràn nước, phá hủy nhà cửa. Làm nguồn nước uống nhiễm bẩn, rác thải lan tràn và không khí ô nhiễm. Đồng thời, điều kiện nóng ẩm cũng tạo thuận lợi cho bệnh dịch lây lan qua nước và thức ăn phát triển.
Nhiều nỗ lực để làm chậm quá trình tan chảy của băng
Để đối phó với tình trạng băng tan tại đây, các nhân viên của khu nghỉ mát núi Titlis đã làm việc trong 5-6 tuần vào mỗi mùa hè trong vài năm qua để che phủ các phần của sông băng bằng một lớp các tấm bạt bằng sợi polyester giúp phản chiếu bức xạ mặt trời. Lớp phủ này giúp bảo vệ phần tuyết rơi vào mùa đông không bị tan chảy vào mùa hè.
Ông Gian Darms, người quản lý điều kiện tuyết và an ninh đường trượt cho công ty điều hành cáp treo Titlis Bergbahnen, cho biết: “Chúng tôi đã trải các tấm bạt trên sông băng như một lá chắn bảo vệ tự nhiên”.
Hiện tại, họ đang che phủ khoảng 100.000 m2 sông băng bằng các tấm bạt phản chiếu bức xạ. Sau đó, họ sẽ lại làm việc trong nhiều tuần để dỡ bỏ lớp phủ này.
Lượng tuyết giữ được qua quá trình này sẽ được sử dụng để lấp đầy các vết nứt có thể xuất hiện trên các đường trượt tuyết của khu nghỉ mát, đồng thời giúp giữ cố định các giá đỡ thang cáp treo được đóng cố định vào băng.
Các tấm vải làm mát đặc biệt đã được phủ lên bề mặt sông băng Rhone Glacier để cách mặt băng khỏi nhiệt độ ấm hơn.
Matthias Huss, nhà băng học tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zürich, cho biết: "Điều này thực sự rất hiệu quả. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp lâu dài. Chỉ có một cách duy nhất để chống lại tác động của biến đổi khí hậu, đó là giảm lượng khí thải CO2".
Nguyễn Linh (T/h)