Tràn dịch màng phổi: Nguyên nhân và cách điều trị
Nguyên nhân gây bệnh tràn dịch màng phổi thường là do chấn thương vùng ngực, phẫu thuật vùng trung thất, khối u đè vào ống dưỡng chấp, giun chỉ hoặc dị tật bẩm sinh. Việc điều trị tràn dịch màng phổi phụ thuộc vào từng nguồn phát gây bệnh.
Màng phổi gồm hai lá thành và lá tạng, khoảng giữa hai lá là một khoang ảo gọi là khoang màng phổi. Bình thường trong mỗi khoang màng phổi có từ 7ml đến 14ml dịch để 2 lá trượt lên nhau dễ dàng, dịch này được tiết ra từ lá thành, và hấp thu trở lại bởi lá tạng màng phổi. Trong trường hợp bệnh lý làm tích đọng dịch trong khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi.
Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi
Nguyên nhân gây hội chứng tràn dịch màng phổi có thể là các chấn thương lồng ngực (như dao đâm, đạn bắn, ngã làm dập, vỡ ống ngực), từng phẫu thuật lồng ngực (lỡ đụng dao vào một nhánh của ống ngực, gây rò rỉ dưỡng chấp vào khoang màng phổi). Các khối u, hạch vùng ngực cũng có thể đè vào ống ngực, gây thoát dịch dưỡng chấp ra màng phổi. Ngoài ra một nguyên nhân khác là do giun chỉ nằm trong ống bạch huyết, gây tắc hoặc vỡ ống ngực. Những bệnh nhân này thường có biểu hiện chân xù xì, phù to như chân voi, bìu cũng xù xì và sưng to, đái ra dưỡng chấp.
Chẩn đoán tràn dịch màng phổi cũng như nhằm xác định nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi, cần kết hợp bao gồm các triệu chứng lâm sàng và một số phương pháp trong chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng như: phim chụp X quang phổi, phim chụp cắt lớp vi tính phổi, siêu âm ổ bụng, siêu âm tim, một số xét nghiệm máu, nước tiểu…
Hình ảnh giải phẫu về tràn dịch màng phổi - Nguồn: BVTC. |
Dấu hiệu của tràn dịch màng phổi
Đau tức ngực là triệu chứng đầu tiên của tràn dịch màng phổi, cảm giác đau ê tức vùng ngực, kèm theo các triệu chứng khó thở, sốt, ho khan, người mệt mỏi.
Tràn dịch màng phổi là bệnh lý nguy hiểm, do đó khi phát hiện các dấu hiệu bất thường người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đau tức ngực là triệu chứng thường gặp của tràn dịch màng phổi - Ảnh minh họa. |
Điều trị tràn dịch màng phổi
Về điều trị, cần chọc dẫn lưu dịch. Nếu dịch không tái phát thì khi còn ít, dùng bột Talc làm dính màng phổi. Trường hợp ống ngực bị chèn ép hoặc vỡ thì cần phẫu thuật mở lồng ngực để thắt hoặc nối ống ngực. Sau khi thắt ống ngực, dưỡng chấp sẽ đi theo các đường mạch phụ hoặc các vòng nối khác nên ống ngực không bị tắc, hiện tượng tràn dịch dưỡng chấp sẽ hết.
Nói chung, tràn dịch màng phổi do bất cứ nguyên nhân gì cũng phải chọc hút dịch để làm xét nghiệm, làm sinh thiết, để tháo bớt dịch cho bệnh nhân dễ thở hoặc rửa màng phổi. Mỗi lần hút nên lấy không quá 1 lít dịch.
Tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch mà có chỉ định điều trị thích hợp như nhiễm khuẩn, điều trị bằng kháng sinh; Ung thư điều trị bằng phẫu thuật và hóa chất; Điều trị suy tim, suy thận, xơ gan, áp-xe gan.
Sau khi điều trị tràn dịch màng phổi hết, phải tiến hành tập thở, cho thuốc chống dính để tránh dày dính màng phổi.
Người bệnh nên chọn các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị kịp thời.
Nguyễn Luận (T/h)