TP.HCM: Xu hướng dịch chuyển, an cư tại các đô thị vệ tinh ra sao?
Hiện nay, nhu cầu đầu tư bất động sản vùng ven tại TP.HCM đang ngày càng phổ biến khi đây là khu vực có các phân khúc tầm trung phù hợp cho người có thu nhập trung bình.
Đại diện một số doanh nghiệp BĐS (BĐS) tại buổi talk show cho hay: "Đón xu hướng an cư đô thị vùng lân cận TP.HCM", thời gian gần đây, hiện tượng “sốt giá” BĐS nhà ở tại các thành phố lớn đang khiến các nhà đầu tư tầm trung trở nên e dè hơn.
Tại khu trung tâm giá nhà ngày càng cao
Với thị trường nhà ở, tại TP.HCM giá chung cho trong vài năm trở lại đây tăng rất nhanh và liên tục. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận Tiếp thị nhà ở của CBRE Việt Nam, cho rằng: “Ngay tại thời điểm năm 2020 và năm 2021, khi Việt Nam phải đối mặt với đại dịch thì giá BĐS nhà ở của TP.HCM vẫn tăng, thậm chí có nơi tăng 15-17%”.
Ông Kiệt nói thêm. “Trong báo cáo gần đây nhất của CBRE, phân khúc BĐS nhà ở và BĐS căn hộ bình dân có giá từ 1.000-1.500 USD/m2 trở xuống gần như không còn tại TP.HCM, phân khúc tầm trung (dưới 2.000 USD/m2) còn rất ít. Ngay tại những khu vực trước đây chỉ phát triển BĐS tầm trung và bình dân cũng chuyển sang phát triển BĐS cao cấp”.
Theo dự báo của Công ty cổ phần dịch vụ BĐS DKRA, từ năm 2021 trở đi, thị trường căn hộ bình dân, giá rẻ của TP.HCM dịch chuyển dần sang thị phần mới là các vùng phụ cận. Các căn hộ giá rẻ dần dạt biên về tỉnh giáp ranh sau khi giá nhà chung cư ở các quận, huyện ven đô TP.HCM nhảy vọt lên phân khúc cao cấp hơn.
Trong khi nhu cầu nhà ở tại TP.HCM rất lớn nhưng giá BĐS lại quá cao, điều này tạo áp lực với những người có thu nhập trung bình có mong muốn sở hữu một căn hộ.
Đứng trước tình hình biến động theo chiều hướng đi lên của BĐS nhà ở tại TP.HCM, nhiều nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn cho mình các BĐS giá rẻ hơn tại các khu đô thị vệ tinh quanh thành phố như Bình Dương, Long An, Đồng Nai…
BĐS nhà ở tầm trung "lên ngôi" ở đô thị vệ tinh
Tại các đô thị vệ tinh, nhiều khu vực BĐS có mức giá phù hợp với túi tiền của người có thu nhập trung bình. Theo thống kê cuối năm 2020 của CBRE, giá BĐS nhà ở tại Bình Dương giao động từ 30-45 triệu/m2.
Như Đồng Nai là khu vực được rất nhiều chủ đầu tư lớn quan tâm và đầu tư vốn. Phần lớn các dự án có quy mô từ vài chục ha đến vài trăm ha, các sản phẩm căn hộ cũng xuất hiện hiện nhiều hơn. Mức giá cho căn hộ tầm trung dao động từ 35-45 triệu/m2.
Các phân khúc đất nền khu vực sân bay tại Biên Hòa tùy quy mô và vị trí mà có giá từ 20-25 triệu/m2 hoặc 50-55 triệu/m2.
Hay khu vực Long An, ông Kiệt đánh giá: "Vị trí địa lý của Long An ngay cạnh TP.HCM, phân khúc nhà ở bình dân phát triển, đây là lựa chọn mà người có thu nhập trung bình ở TP.HCM không nên bỏ qua”.
Mặt khác, đối tượng có nhu cầu cao hơn cũng có thể tìm cho mình phân khúc BĐS cao cấp ngay tại vùng ven. Các loại biệt thự cao cấp tại đây dao động từ 8-10 tỉ cho nhà phố liền kề, 15-20 tỉ với biệt thự loại nhỏ.
Xuất phát từ nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống
Đại diện Property X, ông Nguyễn Văn Quy cho biết, hiện nay xu hướng làm việc ở thành phố lớn và an cư tại các vùng đô thị vệ tinh đang trở nên phổ biến.
Lý giải về điều này, ông Quy chia sẻ: “Dân số TP.HCM không ngừng tăng, kéo theo là không gian sống ngột ngạt. Trong khi đó, vùng ven thành phố có các vùng đất lớn, không gian sống tốt hơn, đảm bảo sức khỏe cho con người”.
Mặt khác, trong những năm gần đây, Việt Nam được coi là thỏi nam châm hút dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài. Tại khu vực Đông Nam Bộ, TP.HCM trở thành trung tâm còn các cơ sở sản xuất sẽ đặt ở các vệ tinh – các tỉnh lân cận. Điều đó thúc đẩy nền kinh tế tại các đô thị vệ tinh phát triển, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm.
Theo các nhà môi giới BĐS tại cuộc tọa đàm, các đô thị vệ tinh có không gian sống trong lành hơn, có đầy đủ tiện ích, cơ sở hạ tầng hiện đại, có các tuyến giao thông thông suốt với thành phố. Ngành dịch vụ ẩm thực và ngành thời trang ở vùng vệ tinh cũng đang phát triển. Đặc biệt, nhịp sống của các khu đô thị vệ tinh như Biên Hòa, Thuận An cũng đang trở nên nhộn nhịp và chi phí sinh hoạt lại không đắt đỏ như ở TP.HCM.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS chia sẻ trong tọa đàm: “Giá nhà trong các hẻm chững lại, trong khi mức giá ở khu vực xung quanh tăng. Người ta bán BĐS trong thành phố để đi xa hơn nhằm mua không gian sống, mua tiện nghi cho gia đình và con cái của họ”.
Cùng với đó, tuyến đường giao thông thông suốt góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận, bởi vậy nhiều người có xu hướng lựa chọn ban ngày làm việc trong thành phố, buổi tối về nhà tại các đô thị vệ tinh.
Ông Kiệt cho hay: “Khả năng kết nối từ Bình Dương đến TP.HCM rất thuận tiện, nhiều người trẻ lựa chọn mua ở khu vực này và di chuyển đến TP.HCM làm việc”.
Ông Quy cho biết về xu thế trên: “Xu thế trở về đô thị vệ tinh an cư đồng thời giữ lại công việc ở thành phố lớn, đảm bảo thu nhập cho bản thân đang trở nên phổ biến”.
Ngoài ra, ông Quy cũng cho rằng đại dịch xảy ra đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vùng ven. “Đại dịch diễn ra trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, cho nên dù không cần đến công ty, mọi người vẫn có thể làm việc thông qua hình thức online. Dù mọi người không ở trung tâm thành phố nhưng công việc vẫn được tiếp tục”, ông Quy nói.
Con người hiện nay có nhu cầu cao hơn về cuộc sống, bởi vậy cùng một tầm giá, mọi người có xu hướng chọn nơi có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Lựa chọn vùng trũng BĐS sẽ là một lựa chọn khôn ngoan, dù xa trung tâm hơn nhưng mang lại giá trị sống và không gian sống thú vị hơn.
Bùi Hằng