TP.HCM thiết kế làn đường riêng cho xe đạp trên xa lộ Hà Nội
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu thiết kế làn đường riêng cho xe đạp trên dọc tuyến đường xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn, thuộc TP Thủ Đức).
Đề nghị này được đưa ra ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48 (ngày 5/4/2022) về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025. Trong Nghị quyết có nội dung giao UBND TP.HCM nghiên cứu thí điểm thiết kế làn đường dành riêng cho xe đạp trên xa lộ, thay vì đi chung làn với xe máy như hiện nay.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM Trần Quang Lâm đã giao cho Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở phối hợp cùng Ban quản lý đường sắt đô thị, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng xa lộ Hà Nội nghiên cứu dự án này. Đồng thời, đề nghị các bộ phận phải gửi phương án tổ chức về cho Sở GTVT trong tháng 7 tới.
Theo Sở GTVT TP.HCM, xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch ở cửa ngõ phía đông của Thành phố, nối với Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. xã lộ được đánh giá là trục giao thông chính đô thị, có cảnh quan đẹp, nhiều cây xanh, dọc 2 bên đường có nhiều khu đô thị, trung tâm thương mại. Vì vậy, việc nghiên cứu thiết kế làn đường dành cho xe đạp trên tuyến đường này là rất cần thiết.
Khu vực dự kiến thực hiện mở làn đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ sẽ là phần mặt bằng đất giữa phần đường chính và đường song hành của tuyến xa lộ, có tổng chiều dài gần 4km. Khu vực nằm trong dự án Tăng cường mảng xanh dọc xa lộ Hà Nội và tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Tuy nhiên, Sở GTVT TP.HCM cũng lưu ý các đơn vị phối hợp thực hiện, khi nghiên cứu phương án phải đảm bảo được an toàn giao thông cho người bộ hành lưu thông từ đường song hành phải với đường song hành trái xa lộ Hà Nội (khu vực trước tòa nhà Cantavil).
Xu hướng phát triển giao thông xanh, thông minh
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và vấn nạn ùn tắc giao thông, các chuyên gia đô thị cho rằng, để tạo thói quen đi xe đạp và khuyến khích được người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh di chuyển thường xuyên chứ không chỉ là hình thức tập luyện thể thao thì hạ tầng dành cho loại hình phương tiện này cần được tính đến ngay từ khâu quy hoạch và được đầu tư xây dựng bài bản.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương cho biết, xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp - loại phương tiện xanh, sạch và thân thiện môi trường, trong khi tại Việt Nam giao thông xe đạp chưa được quan tâm thích đáng.
Hệ thống các đô thị đã và đang phát triển nhanh, mạnh như hiện nay, cùng với vấn đề hạ tầng giao thông quá tải tại đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, để thúc đẩy người dân đô thị sử dụng xe đạp, loại hình phương tiện này cần phải được chú ý xem xét, tạo điều kiện từ công tác quy hoạch đô thị, thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị tới giai đoạn khai thác sử dụng, nhằm tạo sự thuận tiện, an toàn cho người sử dụng. Do đó, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cần thiết phải có quy định đối với kết cấu hạ tầng cho phương tiện xe đạp.
Trước áp lực giao thông đang ngày một lớn, việc phát triển phương tiện xe đạp đang được xem là giải pháp hiệu quả để kết nối với các tuyến xe buýt. Việc thiếu hạ tầng cho xe đạp đã phần nào ngăn cản người dân sử dụng thường xuyên hơn loại phương tiện này, cũng như khiến dịch vụ xe đạp công cộng khó phát triển.
Do vậy, trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, cần tính toán tới việc sử dụng xe đạp. Đây sẽ trở thành giải pháp kết nối giao thông công cộng, giảm phương tiện cơ giới cá nhân, mang lại nhiều ý nghĩa cho hệ thống giao thông, môi trường đô thị ở Thủ đô và các đô thị lớn trong cả nước.
Chia sẻ quan điểm này, ThS. Đinh Quốc Thái - chuyên gia giao thông, cho rằng, hiện nay, hệ thống quy hoạch của chúng ta đã rất đầy đủ, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… Tuy nhiên, trong các thành phần quy hoạch ấy, chúng ta lại đang thiếu quy hoạch những làn đường chuyên biệt dành cho xe đạp. Vì thế, đây là vấn đề cần nghiên cứu và bổ sung trong các loại quy hoạch trong thời gian tiếp theo.
“Chúng ta nên tham khảo những mô hình một số quốc gia như Hà Lan có những làn đường đặc biệt cho xe đạp, hoặc như Trung Quốc có tuyến đường dành cho xe đạp trên cao, để định hướng quy hoạch những tuyến riêng dành cho xe đạp. Từ đó mới thúc đẩy, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn, an toàn hơn” - ThS. Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.
Huỳnh Mai